Các virus gây bệnh ngoài da ở trẻ thường gặp vào mùa Hè

Các virus nguy hiểm gây bệnh ngoài da trẻ em thường gặp mùa Hè

Mụn cóc ở lòng bàn chân, bàn tay chữa thế nào?

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng tăng liên tục

Người bị thủy đậu nên ăn uống như thế nào?

Mẹ nhiễm virus herpes có được cho con bú không?

Mụn cóc – Virus HPV

Mụn cóc là những u nhỏ lành tính, bề mặt thường sần sùi. Bệnh gây ra bởi virus HPV (Human Papilloma Virus). Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng tỷ lệ mắc ở trẻ em cao hơn, đặc biệt ở những trẻ hiếu động, thường xuyên làm trầy xước da, hay đi chân đất, cắn móng tay, nghịch đất cát… Virus HPV xâm nhập vào da qua những vết trầy xước da và phát triển mụn cóc.

Hơn nữa, trẻ cũng dễ lây virus HPV cho nhau khi va chạm vào nhau, chơi chung đồ chơi, đi chung giày dép hay quần áo. Tất cả mụn cóc có thể lây khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Thông thường phải mất 2 đến 3 tháng sau khi tiếp xúc với người bệnh thì mới biết trẻ có bị lây virus hay không.

Bệnh có thể lây lan rộng trên bản thân trẻ (còn gọi là “nhảy”)

Hầu hết các trường hợp bị mụn cóc tuy gây mất thẩm mỹ nhưng sẽ không gây đau và khó chịu cho trẻ. Tuy nhiên, những trường hợp bị mụn cóc ở tay, chân và những vùng da thường xuyên bị va chạm có thể gây đau đớn.

Lưu ý: Mụn cóc sẽ tự biến mất sau khoảng 6 tháng đến 2 năm. Hạn chế sử dụng các loại thuốc Tây để ngăn ngừa nguy cơ tác dụng phụ cho trẻ.

Thuỷ đậu - Virus varicella- zoster

Bệnh thuỷ đậu hay còn gọi là bệnh trái dạ, phỏng dạ do virus varicella – zoster gây ra. Dấu hiệu bị thuỷ đậu ở trẻ em bao gồm: Nổi bóng nước thành từng đợt, xen kẽ bóng nước cũ và bóng nước mới, thường kèm theo sốt cao, đau đầu, đau cơ, nôn, cảm giác ngứa ngáy… Virus gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường hô hấp và trẻ em là đối tượng thường bị bệnh nhất.

Ở trẻ em, thủy đậu thường kéo dài khoảng 5 - 10 ngày

Thông thường, thủy đậu là bệnh lành tính, nhưng bệnh cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như: Viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời.

Bệnh Herpes - Virus Herpes

Bệnh do virus Herpes (Herpes Simplex Virus - HSV) gây ra với biểu hiện các đám mụn nước trên nền da màu đỏ, lõm ở giữa, có thể bội nhiễm hóa mủ. Sau đó, mụn nước dập vỡ để lại vết trợt hoặc vết loét sâu, đóng vẩy, tiết hoặc rỉ dịch. Có 2 chủng virus Herpes có thể gây bệnh ở trẻ nhỏ là HSV-1 (gây bệnh lở miệng và rộp môi, có khả năng lây từ miệng sang những vùng da khác) và HSV-2 (gây Herpes sinh dục). Ở trẻ, bệnh lây lan qua tiếp xúc da trực tiếp.

Bệnh diễn biến nặng sau khoảng 3 - 4 ngày rồi đỡ dần trong vài ngày sau đó và các thương tổn lành sẹo trong khoảng 2 - 4 tuần. Có thể thấy tại chỗ bị thâm hoặc trắng, đôi khi để lại sẹo. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân không có biểu hiện bệnh điển hình như vậy mà chỉ thấy đám da màu đỏ, vết trợt da, nứt da và nhiều khi không có biểu hiện gì nhưng virus vẫn bài xuất ra và lây cho người khác khi tiếp xúc.

Bệnh tay chân miệng - Entervirus (E71) và Coxsackie virus A16

Bệnh do virus đường ruột gây ra, lây theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi họng, nước bọt, dịch nốt phỏng, phân của người nhiễm virus (người bệnh và người lành mang trùng và người bệnh. Bệnh thường gặp ở trẻ em với đặc trưng như: Sốt, đau họng, nổi ban có bọng nước. Trẻ nhỏ thường đau khóc, bỏ bú, lúc này miệng trẻ có những vết lở miệng, xuất hiện nhiều ở vòm miệng, môi trong, lợi, lưỡi... Sau đó xuất hiện những vết phát ban dạng phỏng nước hoặc vết nổi cộm trên da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân…

Bệnh tay chân miệng hiện chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị hỗ trợ

Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Các trường hợp biến chứng nặng thường do E71 gây ra.

Bệnh sởi - Virus sởi

Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ...

Mỗi người trong đời chỉ 1 lần bị bệnh sởi, chính vì thế trẻ em từ 1 - 4 tuổi rất dễ gặp phải vì lúc này hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn chỉnh. Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như: Viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc và đôi khi gây viêm não, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng.

Tiêm phòng vaccine sởi cho trẻ từ 9 tháng tuổi là biện pháp chủ động để ngừa bệnh sởi.

Biết Tuốt H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bệnh lây nhiễm