Phú Thọ: Dân hoang mang vì nước đổi màu, bốc mùi

Những ngày gần đây, hàng nghìn người dân tại 8 khu dân cư sống hai bên bờ Ngòi Lao, thuộc địa bàn xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ liên tục có đơn kêu cứu gửi báo chí. Theo đó, nhiều năm nay người dân tại địa phương này phải sống chung với nguồn nước lạ, họ hoang mang lo lắng cho sức khỏe của mình.

Tiếp xúc với phóng viên, người dân tại xã Mỹ Lung cho biết, cách đây hơn 2 năm, nguồn nước ở Ngòi Lao vốn trong xanh, rất sạch và là nguồn nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp cho trên 4.000 người dân trong xã. Nhưng chỉ sau một buổi sáng, người dân bỗng thấy nguồn nước ở Ngòi Lao đổi màu vàng, từ mặt nước bốc lên mùi lạ. Từ đó không ai trong xã Mỹ Lung dám sử dụng nước ở Ngòi Lao làm nước sinh hoạt ăn uống, tắm giặt nữa.

“Do nước ô nhiễm nặng, trâu cũng không dám cho xuống tắm vì sợ bệnh huống chi con người”, một người dân ở đây bức xúc nói.


Nước Ngòi Lao đục ngầu, toàn bùn đất và ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.

Đi dọc theo Ngòi Lao, phóng viên ghi nhận dòng nước ở đây đỏ oạch, đặc quánh. Nhiều chỗ như vết dầu loang lổ, từ lòng sông nổi lên những lớp bọt trắng xóa, bốc mùi hôi nồng. Từ đầu năm 2014 đến nay hiện tượng này ngày càng trầm trọng. Dưới đáy ngòi xuất hiện lớp bùn dày khoảng 2m khiến không ai dám đặt chân xuống. Theo người dân ở đây, do nguồn nước bị ô nhiễm nên các loài cá đặc sản vốn là niềm tự hào của địa phương như cá bì sứt, cá sỉnh, cá chiên… và trên 50 loài thủy sản đã gần như tuyệt chủng.

Nguồn nước ở Ngòi Lao ô nhiễm dẫn đến mạch nước ngầm ở đây cũng bị ảnh hưởng. Các giếng khơi của hàng trăm hộ dân sống dọc hai bên bờ Ngòi Lao cũng không được sử dụng vì nước bị ô nhiễm.

Bà Nguyễn Thị Hồng (khu 3B, xã Mỹ Lung) bức xúc cho biết, nhà bà cũng như nhiều hộ dân khác trong xã đã và đang đối mặt với nguồn nước ô nhiễm. Gia đình bà Hồng đã đối phó bằng cách xây bể lắng, cho sỏi và cát vào để lọc nước nhưng không thể xử lý triệt để mức độ ô nhiễm. Dù đã lọc qua nhiều lớp nhưng nước vẫn có mùi hôi tanh, khi tắm thì bị ngứa. “Biết là dùng có thể mắc bệnh và thực tế nhà tôi cũng như nhiều nhà dân trong xã đã mắc bệnh ngoài da do dùng nguồn nước này, nhưng không còn đường nào khác, chúng tôi vẫn phải có nước để sinh hoạt. Riêng nước ăn thì phải đi xin cách nhà hơn 1km hoặc dùng nước mưa”, bà Hồng nói.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân mà nó còn “dìm” chết hoạt động sản xuất nông nghiệp vốn là nghề chính của hàng nghìn người dân nơi đây. “Nếu lấy nguồn nước từ Ngòi Lao để sản xuất nông nghiệp thì coi như hết đường sống, lúa, hoa màu cứ héo dần, còi cọc, không lên được. Nếu có cho thu hoạch thì năng suất rất thấp”, chị Đinh Thị Hường (khu 3B, xã Mỹ Lung) cho biết.

Vừa thu hoạch xong vụ mùa, bà Xa Thị Trung (khu 5, xã Mỹ Lung) lắc đầu ngao ngán: “Vụ mùa năm nay gần như chúng tôi mất trắng, ngô không có hạt, lúa mất mùa, lạc thì chết không có củ. Mọi năm lúa ít cũng phải được 1,5 – 2 tạ/sào, chỗ thấp cũng phải được 1,2 tạ/sào. Vậy mà vụ vừa rồi được vài chục cân lúa”.

Sự chậm chễ khó hiểu

Hoang mang, lo lắng cho sức khỏe và hoạt động sản xuất nên người dân đã liên tục có phản ánh, kêu cứu đến các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ. Người dân đề nghị làm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước, phương án xử lý để trả lại nguồn nước trong sạch trước đây.

Nhưng lời kêu cứu của người dân chỉ nhận được sự im lặng của những người có trách nhiệm. Chính vì vậy, tình trạng ô nhiễm ngày một nghiêm trọng hơn. “Chúng tôi cần được đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch để phục vụ cho sinh hoạt, chứ dùng nước này nhiều năm nhiễm độc, ủ bệnh trong người, lúc đó chúng tôi biết kêu ai?”, một người dân tại xã Mỹ Lung lo lắng nói.

Dù tình trạng ô nhiễm nước ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe của hàng nghìn người dân, nhưng theo tìm hiểu của phóng viên thì đến nay không có bất cứ một kết luận nào của cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ chỉ ra tình trạng ô nhiễm, các độc tố có trong nguồn nước ở Ngòi Lao. Cơ quan chức năng Phú Thọ mới chỉ dừng lại ở việc xác định nguồn gây ô nhiễm là do hoạt động khai thác mỏ ở đầu nguồn, thuộc địa bàn huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

Ông Khúc Văn Xuyên, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lung thừa nhận là UBND xã có biết tình trạng ô nhiễm nguồn nước kéo dài, nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống, đe dọa sức khỏe của hàng nghìn người dân địa phương. Nhưng UBND xã Mỹ Lung cũng chỉ biết báo cáo lên cấp trên tìm phương án xử lý và chờ đợi.


Ông Khúc Văn Xuyên, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lung trao đổi về vấn đề ô nhiễm Ngòi Lao.

Ông Xuyên cho biết thêm, công trình đập Ngòi Lao đang thi công với tổng vốn lên đến gần nghìn tỷ đồng, cung cấp nước cho trên 2.000 ha đất sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho 5.000 người dân các huyện: Yên Lập, Hạ Hòa, Cẩm Khê dự kiến đi vào hoạt động năm 2015 sẽ không thể vận hành, đạt được mục tiêu giải quyết ô nhiễm nếu hoạt động khai thác khoáng sản ở đầu nguồn vẫn diễn ra và đơn vị khai thác không tuân thủ nghiêm ngặt về vấn đề xả thải, xử lý môi trường. “Muốn giải quyết vấn đề ô nhiễm này thì cách duy nhất là dừng khai thác, chế biến khoáng sản ở đầu nguồn”, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lung nói.

Đến nay vấn đề ô nhiễm ở Ngòi Lao vẫn chưa được giải quyết. Các đơn vị gây ra tình trạng này vẫn chưa có động thái tích cực nào để cải thiện tình trạng gây ô nhiễm, vì vậy hàng nghìn người dân ở xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ vẫn phải chấp nhận sống chung với nguồn nước đe dọa sức khỏe mỗi ngày.


CTV3
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin