Xây bảo tàng mất hơn... 10 năm !
Năm 2003, công trình Bảo tàng Tổng hợp tỉnh được khởi công xây dựng do Sở Văn hóa - Thông tin lúc đó làm chủ đầu tư; Tổng công ty xây dựng miền Trung (Cosevco) thi công gói thầu 1 (công trình nhà chính). Thời điểm hoàn thành theo hợp đồng ban đầu là tháng 2/2004. Tuy nhiên, sau khi khởi công, việc xây dựng cứ ì ạch, kéo dài năm này sang năm khác. Mãi cho đến năm 2010, công trình nhà chính mới hoàn thành cùng với sân và hàng rào, tổng số tiền đầu tư đã bị trượt giá, đẩy lên 17 tỉ đồng.
UBND tỉnh Quảng Bình vừa có chủ trương, giao Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn nghiên cứu phương án cụ thể để đưa gốc gỗ huê lớn nhất VN vừa trục vớt được vào lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp nhằm mục đích giáo dục, du lịch. Tuy nhiên, với tình cảnh này, không biết sẽ lưu giữ gốc huê "khủng" đó bằng cách nào? |
Cổ vật "kêu cứu"
Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình Trần Anh Tuấn cho biết hiện bảo tàng đang lưu giữ 16.000 hiện vật thể khối, tư liệu về giấy, phim ảnh tư liệu lịch sử, trên đất Quảng Bình từ khoảng 1 vạn năm trở lại, cùng các hiện vật liên quan đến văn hóa người Việt thuộc nhiều thời kỳ gồm trống đồng, gạch xây thành quách xưa, vũ khí, đồ đồng, tượng gốm…
Để xây dựng công trình, hiện vật của bảo tàng phải chuyển đến "tạm trú" ở các phòng dưới khán đài sân vận động tỉnh. Một thời gian dài ở đó, các cổ vật quý giá bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi không có điều kiện bảo quản. Những tưởng khi phần xây dựng cơ bản xong thì mọi chuyện sẽ thay đổi. Thế nhưng gần 4 năm trôi qua mà tình hình gần như dậm chân tại chỗ. Tòa nhà đồ sộ thế, nhưng chỉ mới được sử dụng các phòng làm việc của cán bộ.
Mặc dù đã đầu tư hàng chục tỉ đồng xây bảo tàng nhưng
cổ vật vẫn chịu cảnh thế này
- Ảnh: T.Q.N
Các hiện vật quý hiếm tiếp tục chịu trận; hàng nghìn thứ chồng chất trong nhà kho của bảo tàng nên bị suy giảm chất lượng, giá trị. Kho cũng không chứa hết, nhiều hiện vật phải chịu cảnh nằm hành lang, dưới sàn nhà và gầm cầu thang. Các hiện vật lớn hơn như những khẩu súng thần công thời chiến tranh Trịnh - Nguyễn, cột đình Đồng Hải lớn nhất Đồng Hới, các tấm bia đá…thì phơi nắng mưa ngoài trời, bị mối mọt đục khoét. Nguyên nhân vì thiếu vốn nên chưa thể hoàn thành các hạng mục lắp đặt hệ thống trưng bày, bảo quản hiện vật. Được biết, hiện mới chỉ được tạm ứng 5 tỉ trong tổng dự toán khoảng 17 tỉ đồng tổng vốn cho hạng mục này để thi công nên chính lãnh đạo bảo tàng cũng không biết thời gian nào sẽ hoàn thành.
Một họa sĩ đã tặng tranh cho tỉnh Quảng Bình, rất buồn bảo: "Khi tặng tôi cứ nghĩ tranh sẽ được trưng bày cho mọi người cùng biết, hiểu giá trị chứ đâu ngờ bị đem cất kho. Mà cất kho hay đưa đi đâu, làm gì với tranh, tôi cũng không biết được".
Bình luận của bạn