TLĐT được giới thiệu công khai trên internet
Ngày Thế giới không thuốc lá 2024: Bảo vệ trẻ em khỏi thuốc lá
Hút thuốc lá và bệnh tim mạch: Mối liên hệ chết người
Thuốc lá điện tử cản trở sự phát triển não bộ ở thanh thiếu niên
Đa dạng cách thức quảng cáo
Trên mạng xã hội Facebook, khi gõ các từ khóa “thuốc lá điện tử”, “vape”, “pod” trên thanh tìm kiếm sẽ hiện ra hàng loạt Fanpage với lượt theo dõi lớn. Các Fanpage này thường xuyên đăng tải các bài viết, video giới thiệu hình ảnh, mùi vị của các sản phẩm thuốc lá điện tử, tinh dầu và rất nhiều chương trình giảm giá, khuyến mại. Mỗi bài đăng tải đều có lượt tương tác lớn, trung bình từ vài trăm đến vài nghìn lượt like (lượt thích).
Cùng với các Fanpage là rất nhiều hội nhóm để chia sẻ, giới thiệu, mua bán TLĐT. Mỗi hội nhóm thu hút từ vài trăm đến vài chục nghìn người tham gia. Mọi hoạt động trao đổi, mua bán diễn ra liên tục, công khai.
Liên hệ thông tin bài viết trên hội nhóm “Thế giới Pod Chill”, trong vai một người muốn tìm hiểu TLĐT để hút thử, bên bán hàng giới thiệu có đẩy đủ các loại mẫu mã và tinh dầu các vị. Kèm theo lời giới thiệu “có cánh” là video hướng dẫn sử dụng TLĐT cùng các hình ảnh bắt mắt về sản phẩm.
Trên các nền tảng chia sẻ video trực tuyến như TikTok, YouTube thị trường quảng cáo TLĐT cũng sôi động không kém. Hàng loạt video giới thiệu sản phẩm, cách thức sử dụng sao cho “sành điệu” hay chỉ đơn giản là “khoe” mình đang sử dụng TLĐT.
Những video thậm chí còn lên “xu hướng”, thu hút đông đảo người xem. Trong những video đó, hầu hết là các bạn trẻ, đặc biệt còn có những người nổi tiếng. Đơn cử như TikToker B.R.V sở hữu hơn 161.000 lượt theo dõi, ngang nhiên phát tán những hình ảnh về TLĐT với mục tiêu đánh giá sản phẩm, trong khi đây là mặt hàng cấm quảng cáo dưới mọi hình thức. Hay các clip chia sẻ cách hút pod của một số nhân vật mà họ gọi là “idol” (thần tượng) thu hút hàng triệu lượt xem trên YouTube.
Hình thức quảng cáo TLĐT còn được công khai trên các website. Ở đó, giới thiệu đủ mặt hàng liên quan tới TLĐT, có ghi rõ ràng giá cả, giới thiệu thương hiệu, thành phần và chi tiết kĩ thuật…Chỉ cần nhấp vào ô thanh toán, điền thông tin địa chỉ, số điện thoại, việc mua bán đã hoàn thành, chỉ cần chờ 1-2 ngày mặt hàng sẽ được giao tận nơi.
Với những chiêu trò quảng cáo tinh vi như: sản phẩm TLĐT với nhiều kiểu dáng thiết kế sành điệu, kết hợp nhiều tính năng sử dụng tiện lợi, hương thơm mới lạ. Quảng cáo các sản phẩm TLĐT là sản phẩm thay thế, ít tác hại hơn thuốc lá truyền thống với các thông điệp sai lệch như “Giúp người dùng hạn chế tối đa chất độc hại của thuốc lá truyền thống” hay “TLĐT với mong muốn tương lai không khói thuốc”… Ngày càng có nhiều người, đặc biệt giới trẻ đã “mắc bẫy” sau khi xem quảng cáo.
Bạn Bùi Văn Phùng (Hoàng Mai, Hà Nội) đã dùng TLĐT được 2 năm. Phùng cho biết, biết đến TLĐT thông qua quảng cáo trên Facebook. “Những người trẻ bọn em tiếp cận mọi thứ qua mạng xã hội rất đơn giản và dễ dàng, TLĐT cũng không ngoại lệ. Các quảng cáo TLĐT rất bắt mắt, đầy đủ thông tin giúp bọn em dễ dàng tiếp cận, từ đó nảy sinh ước muốn được sở hữu và sử dụng. Chỉ bắt đầu một lần mua thử, em lại nghiện lúc nào không hay.”
Giới trẻ là mục tiêu tiếp thị TLĐT
Các tập đoàn công nghiệp thuốc lá đã không ngừng đầu tư cho các chiến dịch quảng cáo, tiếp thị tinh vi mà mục tiêu chính nhắm đến là giới trẻ.
Theo một số tài liệu nội bộ của các hãng thuốc lá được công bố, họ tập trung các chiến lược tiếp thị vào giới trẻ bởi một số lý do như: Thiếu niên hôm nay là khách hàng thường xuyên tiềm năng của ngày mai, phần lớn những người hút thuốc bắt đầu hút thuốc ở tuổi thiếu niên, bằng chứng hiện tại cho thấy nhóm tuổi 14-18 tuổi sẽ làm tăng phân khúc dân số hút thuốc …
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Tobacco Induced Diseases (tạm dịch: Các bệnh do thuốc lá gây ra) cho thấy, tỉ lệ giới trẻ sử dụng TLĐT gia tăng phần lớn do tác động từ truyền thông. Cụ thể, trong 4.107 người tham gia khảo sát trong độ tuổi từ 18-35 tuổi, có tới 85% thanh thiếu niên đã tiếp xúc với một hoặc nhiều phương thức quảng cáo TLĐT trên các phương tiện truyền thông.
Nghiên cứu nhấn mạnh, các quảng cáo về TLĐT đã khiến các bạn trẻ nhìn nhận sai lầm về tác hại của TLĐT. Họ cho rằng TLĐT không nguy hại bằng thuốc lá điếu truyền thống lại có đa dạng về mẫu mã, hương thơm dễ chịu, mang lại cảm giác “phê pha” hơn khi sử dụng. Từ đó, kích thích cảm giác tò mò, ham muốn sử dụng TLĐT trong giới trẻ.
PGS.TS Phạm Hương Trà – Trưởng khoa Xã hội học và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định, việc thanh thiếu niên hiện nay (cả nam và nữ) có thể bị lôi kéo bởi các hình ảnh xuất hiện (tình cờ hoặc chủ động tìm hiểu về TLĐT) bởi nhiều lý do mang tính cá nhân (tò mò, thích thể hiện bản thân trước người khác, thể hiện là người sành điệu nắm bắt xu hướng thời thượng...) và nhóm (theo đa số các bạn trong nhóm chơi).
BSCKII Nguyễn Đình Tuấn, Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, TLĐT còn nguy hiểm hơn thuốc lá thông thường. Bên cạnh chất gây nghiện là nicotine, gây tăng nhịp tim, co thắt mạch máu ở tim, tăng huyết áp… trong TLĐT còn có propylene glycol, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi cùng 60 hợp chất hóa học độc hại và các kim loại nặng.
TLĐT gây ảnh hưởng nghiệm trọng đến tinh thần, sức khỏe, lối sống của giới trẻ khi sử dụng. Do vậy, Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, nhập khẩu, quảng cáo TLĐT, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác. Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ sửa đổi, bổ sung Luật PCTHTL, bổ sung quy định này vào Luật để bảo đảm tính ổn định, triển khai trong thực hiện.
Bình luận của bạn