Hiểm họa từ thuốc lá điện tử với giới trẻ

Trên “chợ mạng”, mặt hàng thuốc lá điện tử được bán công khai - Ảnh: Sức khỏe+

Ngành công nghiệp thuốc lá và các chiến thuật khiến giới trẻ “nghiện” suốt đời

Thuốc lá điện tử cản trở sự phát triển não bộ ở thanh thiếu niên

Trẻ tuổi teen hút thuốc lá điện tử dễ nhiễm kim loại độc hại

Cần bao lâu để thấy tác hại của thuốc lá điện tử?

Thực trạng đáng báo động

Dạo quanh các trường học, quán cà phê và các địa điểm công cộng khác, không khó để bắt gặp hình ảnh các bạn trẻ, thậm chí học sinh, sinh viên đang sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT).

Tại một quán nước bên cạnh một trường THPT trên địa bàn quận Cầu Giấy, tôi bắt gặp một nhóm học sinh đang chuyền tay nhau những chiếc pod thoạt nhìn như những cây bút, thản nhiên hút và nhả khói mù mịt.

Sau khi nghe tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu để mua hút thử, một cậu thanh niên trong nhóm tên T. nhiệt tình giới thiệu rằng thuốc lá điện tử an toàn và chứa ít chất độc hơn thuốc lá truyền thống, hít xong không bị ám mùi. Chưa kể, thuốc lá điện tử có chứa những mùi thơm rất dễ chịu, khi hút vào dễ tạo nên cảm giác “hưng phấn”, “phê pha” cho người sử dụng hơn.

Được biết, T. hiện đang là học sinh lớp 12 và đã sử dụng thuốc lá điện tử được 2 năm. Không có sự cho phép của gia đình và nhà trường nhưng T. cùng nhóm bạn của mình vẫn thường xuyên “dùng trộm” thuốc lá điện tử.

Ngồi cách đó vài bàn, bạn X.H (23 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng đang nhâm nhi cốc cà phê cùng “điếu” thuốc lá điện tử trên tay. “Trước đây, tôi sử dụng thuốc lá điếu truyền thống nhưng nghe lời quảng cáo thuốc lá điện tử ít có hại hơn nên tôi chuyển qua sử dụng. Thuốc lá điện tử còn hút “êm” hơn và mùi thơm dễ chịu hơn nữa.”

 “Thuốc lá điện tử bây giờ mua dễ lắm, giá cũng rẻ, chỉ khoảng vài trăm nghìn là có thể dùng cả tháng. Bạn chỉ cần gõ trên Google hay Facebook thông tin, người bán sẽ giao đến tận tay trong vòng 30 phút, máy hút thì tùy giá tiền”, H. vừa nói vừa hút, khói và hương bao trùm cả một góc quán.

Theo lời chỉ dẫn của H. tôi gõ từ khóa “thuốc lá điện tử” trên Facebook thì thấy có rất nhiều fanpage, hội nhóm hiện ra với hình thức kinh doanh các thiết bị tinh dầu, phụ kiện, máy hút thuốc lá điện tử từ mới đến cũ (đã qua sử dụng) với giá thành rất đa dạng.

Trong vai một bạn học sinh cấp 3 liên hệ với số điện thoại trong một bài viết, người bán hàng cho biết, nếu không thể đến tận nơi xem, cửa hàng sẽ gửi hình ảnh và tư vấn báo giá qua Facebook hoặc Zalo, thậm chí có một website riêng để tiện cho việc giới thiệu và mua bán sản phẩm. Bên cửa hàng có rất nhiều khung giá, sau khi chốt được sản phẩm ưng ý, nếu ở nội thành Hà Nội thì chỉ mất 30-40 phút để giao tận tay. Khi được hỏi về độ tuổi mua hàng, bên cửa hàng không giới hạn độ tuổi, thậm chí còn nhiệt tình giới thiệu có rất nhiều bạn học sinh cấp 2, cấp 3 đã là khách hàng quen thuộc ở đây.

Một cửa hàng kinh doanh TLĐT không giới hạn độ tuổi khách hàng - Ảnh: Sức khỏe+

Một cửa hàng kinh doanh TLĐT không giới hạn độ tuổi khách hàng - Ảnh: Sức khỏe+

Thuốc lá điện tử là sản phẩm cấm buôn bán trên website và các sàn thương mại điện tử. Thế nhưng người bán đã có nhiều cách khác nhau để tiếp cận với khách hàng, đặc biệt là tệp khách hàng trẻ tuổi, trong đó có cả học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại (PCTH) của thuốc lá, khảo sát trên 11 tỉnh thành, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử của học sinh ở nhóm từ 13-17 tuổi đang tăng từ 2,6% vào năm 2019 lên 8,1% năm vào năm 2023. Ở nhóm từ 13-15 tuổi, tỉ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% vào năm 2022 lên 8% vào năm 2023. Đặc biệt, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nữ giới độ tuổi 11-18 là 4,3% năm 2023.

“Thuốc lá điện tử còn nguy hiểm hơn thuốc lá thông thường”

 
BSCKII Nguyễn Đình Tuấn, chuyên khoa thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Medlatec - Ảnh: Sức khỏe+

BSCKII Nguyễn Đình Tuấn, chuyên khoa thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Medlatec - Ảnh: Sức khỏe+

Đây là khẳng định của BSCKII Nguyễn Đình Tuấn, Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Medlatec. Bác sĩ Tuấn cho biết, bên cạnh chất gây nghiện là nicotine, gây tăng nhịp tim, co thắt mạch máu ở tim, tăng huyết áp… trong thuốc lá điện tử còn có propylene glycol, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi cùng 60 hợp chất hóa học độc hại và các kim loại nặng. Để tạo mùi vị hấp dẫn, thu hút người sử dụng, các nhà sản xuất còn sử dụng rất nhiều loại hương liệu có mùi vị như: chocolate, bạc hà, táo, cam, chanh… trong thuốc lá điện tử. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện có khoảng 20.000 loại hương liệu, trong đó có nhiều loại chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại với sức khỏe. Những hương vị này có thể che giấu độ gắt của nicotine làm cho sản phẩm dễ chịu hơn, dễ hít vào hơn. Một số hương liệu được sử dụng trong thuốc lá điện tử đã được chứng minh là làm tăng độc tính của sản phẩm. 

Bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn cho biết thêm, thuốc lá điện tử còn nguy hiểm hơn thuốc lá thông thường do có thể tự trộn các nguyên liệu ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí cả ma túy. Trường hợp nhỏ nhất  bác sĩ từng điều trị là một bạn học sinh lớp 7. Bạn nhập viện với các biểu hiện run tay chân, chóng mặt, khó thở, đau tức ngực, loạn thần, xuất hiện các cơn co giật… Sau khi khai thác bệnh sử, dựa trên các triệu chứng và kết quả xét nghiệm dương tính với cần sa, lúc này bạn học sinh mới thừa nhận sử dụng thuốc lá điện tử.

Thực tế cho thấy, số trường hợp nhập viện cấp cứu sau khi xuất hiện các biến chứng do sử dụng thuốc lá điện tử được ghi nhận ở nhiều tỉnh, thành phố và đang có chiều hướng gia tăng. Theo báo cáo thống kê của gần 700 cơ sở khám, chữa bệnh, chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 người nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử trên cả nước.

Các tác hại nghiêm trọng khi sử dụng thuốc lá điện tử và giải pháp phòng ngừa

Bác sĩ Tuấn cho biết, sử dụng thuốc lá điện tử sẽ gây nên các tác hại nghiêm trọng tới sức khỏe.

Nicotine trong thuốc lá điện tử là chất gây nghiện, người sử dụng nó bắt buộc phải dùng tiếp, nếu không sẽ vật vã khó chịu, không dứt ra được. Nicotine làm giảm lưu lượng máu, gây ra nguy cơ đau thắt ngực, suy tim, đột quỵ. Nicotine còn gây ra suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng.

Sử dụng thuốc lá điện tử lâu dài còn ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, thần kinh ngoại biên, gây ra các triệu chứng như loạn thần, đau đầu, suy giảm trí nhớ, run rẩy tay chân.

Thuốc lá điện tử được chứng minh đã gây ra bệnh phổi như tắc nghẽn phổi mãn tính, ung thư phổi, hen, đột quỵ não, tim mạch

 

Một số loại thuốc lá điện tử có thể chứa những thành phần nguy hiểm như chì, formaldehyde hay tetrahydrocannabinol (THC) là chất gây ung thư, dị tật bẩm sinh hoặc các vấn đề sức khỏe khác.

Là một bác sĩ chuyên khoa thần kinh, đã và đang điều trị rất nhiều trường hợp bệnh nhân liên quan đến thuốc lá điện tử, bác sĩ Tuấn cho rằng, với những trường hợp muốn cai thuốc lá điện tử, người sử dụng cần đến gặp bác sĩ hay chuyên gia y tế để có liệu trình điều trị phù hợp.

Về việc ngăn chặn thuốc lá điện tử, trước hết là từ phía cơ quan quản lý, việc đầu tiên phải làm và cần làm sớm là hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan thuốc lá điện tử và cấm lưu hành thuốc lá điện tử trong cộng đồng. Bên cạnh việc đó còn cần đẩy mạnh truyền thông, giáo dục - là trách nhiệm của các ban, ngành, địa phương, đặc biệt là các trường học, về tác hại của thuốc lá điện tử. Các em đang ở độ tuổi thích khám phá, thích thể hiện bản thân, thậm chí là chống đối, nên việc nhắc nhở, khuyên bảo cần được thực hiện khéo léo, kiên trì.

Đào Dung
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn