Rất khó khăn, PV mới tiếp cận được hiện trường đào chất thải hóa học. 3 ngày qua, 24 cán
bộ, công nhân Cty CP đầu tư công nghệ tài nguyên môi trường Việt Nam (DTM) chỉ có thể đánh vật với
bể chôn chất thải trong khuôn viên Cty Thanh Thái. Tại hiện trường, bể chất thải hiện lên như một
nấm mồ với 24 thùng phuy chất độc hại.
Hầu hết các thùng phuy này đều đã bị tụt nắp, chất độc trực tiếp chảy ra ngoài. Phía trên là lớp
nước màu dưa sền sệt, phía dưới bể là chất bột nguyên thủy của thuốc trừ sâu cực độc. Khắp không
gian từ trong nhà máy tới khu dân cư bốc lên mùi hôi khủng khiếp. Chỉ có công nhân với thiết bị
phòng độc hiện đại mới làm việc lâu được trong công trường. Bản thân PV tác
nghiệp tại hiện trường khoảng 15 phút cũng đã bị choáng.
Công nhân Dương Xuân Cường cho hay: "Mức độ ô nhiễm của bể chứa thuốc trừ sâu thật kinh khủng. Anh
em công nhân đã được trang bị các thiết bị phòng độc hiện đại, nhưng vẫn rất khó chịu trước mùi
nồng nặc của thuốc trừ sâu". Ông Hoàng Trung Dũng - cán bộ thi công khai quật Cty DTM - cho biết,
Cty ông đã thi công khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi như công trình Khe Rồng, Tân
Kỳ, Hương Sơn (Nghệ An), tuy nhiên "chưa bao giờ chúng tôi lại phải đào chất thải nguy hại do con
người cố tình chôn xuống cả".
Bể chôn hóa chất mà Cty DTM đang khai quật được ông Nguyễn Đức Việt - nguyên Giám đốc Cty Thanh
Thái - khai nhận với Công an tỉnh là có chỉ đạo chôn 380kg thuốc cực độc, nhưng trong báo cáo Cty
CP Nicotex Thanh Thái gửi Cty DTM lại là 895kg.
Tuy nhiên, con số thực tế khai quật lớn gấp nhiều lần. Chỉ trong 3 ngày khai quật, Cty DTM đã bốc
xúc được hơn 2,5 tấn thuốc độc hại các loại. Trong đó, có hơn 130kg thuốc trừ sâu nguyên thủy dạng
bột cực độc.
Ông Lê Anh Tùng - Chủ tịch HĐQT Cty DTM - quả quyết: "Còn phải hơn 1 tấn thuốc độc dạng nguyên thủy
như vậy nữa". Ông Tùng dự tính, sẽ có khoảng 5 tấn thuốc độc được chôn xuống bể này chứ không
phải 380 hay 895kg, nghĩa là gấp 8 đến 10 lần con số báo cáo.
Cũng theo ông Tùng, dự tính tổng khối lượng chất thải độc hại được chôn xuống đất ở Cty Thanh Thái
phải tới hàng nghìn tấn. Với con số báo cáo sai với thực tế nhiều lần như vậy thì số ngày thi công
không thể dừng ở con số 26, mà phải dài hơn.
Cơ quan chức năng bảo vệ ai?
Ở một diễn biến khác, trong buổi lấy mẫu chất thải nguy hại trong bể chôn trên (11/10), khi cán bộ
lấy mẫu chỉ thực hiện lấy 1 mẫu không đúng theo quy định, tổ giám sát của nhân dân đã yêu cầu thực
hiện nghiêm chỉnh lấy 2 mẫu, một mẫu chuyển đi và một mẫu niêm phong lưu kho và phải lấy đúng nơi
chôn chất độc chứ không phải lấy bên ngoài.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Thái - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TNMT) - đã có thái
độ không đúng mực với anh Hồ Chí Thanh - giám sát viên -đại diện cho nhân dân thôn Hành
Chính. Ông Thái chỉ vào mặt anh Thanh và nói: "Bay thích lấy thì đi vào mà lấy, tao làm theo văn
bản".
Anh Thanh cự lại, việc lấy mẫu phải do cơ quan có chức năng lấy chứ sao lại bắt dân phải lấy, ông
Thái sửng cồ: "Mày là thằng nhãi ranh". Sau một hồi tổ giám sát đấu tranh, cán bộ lấy mẫu mới thực
hiện lấy 2 mẫu theo quy định.
Ngày 14/10, PV lại bị cản trở khi tác nghiệp. Lần này là Phó phòng CSMT -Công an
tỉnh Thanh Hóa. Dù đã trình thẻ nhà báo, cố thuyết phục việc phản ánh quá trình khai quật theo chỉ
đạo của Chủ tịch UBND tỉnh là nên làm, nhưng ông Nguyễn Văn Mạnh dứt khoát không cho PV tiếp cận
hiện trường, ông để PV phải chờ gần 2 giờ mới ra nói hàng loạt lý do, trong đó có "chưa có chỉ đạo
của cấp trên".
Tuy nhiên, ông không gọi điện xin chỉ đạo từ cấp trên mà bắt PV gọi điện cầu cứu hết Chánh Văn
phòng CA tỉnh đến Chánh Văn phòng UBND tỉnh, thư ký phụ trách báo chí của Chủ tịch tỉnh... Cuối
cùng, nhận được chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa -
Phó phòng Nguyễn Văn Mạnh mới cho PV vào tác nghiệp vào lúc cuối giờ làm việc buổi chiều.
Bình luận của bạn