Bệnh nhân ngộ độc rượu vào viện sáng 10/12
Chúng tôi có mặt tại Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai sáng 10/12, cũng là lúc có một thanh niên ngoài 20 tuổi được bạn đưa vào cấp cứu vì ngộ độc rượu. Theo lời kể của bạn bệnh nhân, cả 2 đều là dân ngoại tỉnh đang làm việc tại Hà Nội. Vào tối hôm trước, trong cuộc nhậu với bạn bè, bệnh nhân này đã uống rất nhiều rượu - loại rượu tự nấu hay còn gọi là rượu quê. Do uống quá nhiều nên cả đêm "bợm rượu" này bị nôn mửa. Đến sáng 10/12 tình trạng càng diễn biến nặng, bệnh nhân xuất hiện những cơn đau quằn quại nên người bạn phải đưa anh ta vào Trung tâm chống độc điều trị.
Kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy trong máu của bệnh nhân có nồng độ ethanol (chất cồn độc hại có trong rượu) cao gấp vài chục lần mức cho phép. Điều dưỡng viên phụ trách tiêm và truyền dịch cho biết trước khi bệnh nhân này vào viện chừng 1 tiếng đồng hồ cũng có 1 nữ thanh niên bị ngộ độc rượu được bạn đưa vào điều trị.
Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, thời điểm này số bệnh nhân bị ngộ độc rượu vào viện cấp cứu, điều trị rất nhiều, hầu như ngày nào cũng có vài ca. Dự báo càng gần thời điểm cuối năm, nhất là dịp trước và sau Tết Nguyên đán, số bệnh nhân ngộ độc rượu còn tiếp tục gia tăng mạnh. Chẳng hạn như sau Tết Nguyên đán năm ngoái, có thời điểm số ca ngộ độc rượu vào điều trị tại Trung tâm chiếm đến 30% tổng số bệnh nhân ngộ độc.
Đa số ngộ độc do ethanol
Trong vụ ngộ độc do uống "Rượu nếp 29 Hà Nội", 6 người tử vong, các bệnh nhân được xác định là ngộ độc methanol (cồn công nghiệp), bởi kết quả kiểm tra 5 mẫu "Rượu nếp 29 Hà Nội" được công bố sau đó phát hiện chứa hàm lượng Methanol cao gấp 2.000 lần cho phép. Còn tại Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai, TS Nguyễn Kim Sơn cho biết, số bệnh nhân ngộ độc rượu vào viện nhiều nhưng qua xét nghiệm cho thấy chủ yếu là các trường hợp bị ngộ độc bởi chất ethanol.
Theo các bác sĩ, trong các sản phẩm rượu, bia thông thường đều có chứa chất cồn ethanol. Ở giai đoạn ngộ độc mãn tính, chất ethanol có khả năng gây ức chế làm suy yếu hệ thần kinh trung ương, gây giảm hoạt tính các nơron thần kinh, có nguy cơ giãn mạch ngoại vi, hạ huyết áp và có thể tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Còn với ngộ độc rượu do uống rượu chứa methanol (cồn công nghiệp) thì mức độ nguy hiểm cao hơn nhiều bởi chất này không được phép sử dụng trong thực phẩm.
Methanol sau khi uống vào cơ thể sẽ chuyển hoá thành axít forcmic gây độc cho gan, thận (gây suy thận cấp, viêm gan nhiễm độc), đặc biệt là gây toan hóa máu nặng nề. Nhiễm độc methanol nặng sẽ gây hôn mê, co giật, tụt huyết áp và tử vong nhanh chóng.
Liên quan đến vấn đề này, thống kê của Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế cho thấy, cả nước có gần 330 cơ sở sản xuất rượu, trong đó có 320 cơ sở sản xuất nhỏ với sản lượng dưới 1 triệu lít/năm và rất nhiều hộ gia đình sản xuất với khoảng 250 triệu lít rượu/năm. TS Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát Ngộ độc thực phẩm - Cục ATTP cho rằng, việc phòng chống ngộ độc gặp nhiều khó khăn do thị trường rượu phức tạp, khó quản lý. Dù cơ quan chức năng thường xuyên hậu kiểm nhưng không thể phát hiện hết các sản phẩm rượu giả, kém chất lượng.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin
Bình luận của bạn