Tại hội nghị trực tuyến về chất lượng VTNN và an toàn thực phẩm (ATTP) hôm qua (14/7), Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) cho biết: Nửa đầu năm nay, phát hiện 4/830 mẫu thủy sản có dư lượng hóa chất vượt mức tối đa cho phép tại khu vực Nam bộ.
Cơ quan chức năng lấy hơn 360 lượt mẫu nhuyễn thể 2 mảnh vỏ phân tích chỉ tiêu tảo độc, độc tố, cadimi. Kết quả đã phát hiện 7 lượt mẫu tại vùng thu hoạch Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Bình Thuận dương tính với vi khuẩn Salmonella (gây tiêu chảy, quặn bụng, sốt).
Trong khi đó, theo chương trình giám sát nông lâm thủy sản tại địa phương, các cơ quan chức năng đã lấy gần 21.800 mẫu, và phát hiện 570 mẫu vi phạm các chỉ tiêu vi sinh vật và hóa chất, kháng sinh (chiếm 2,62%). Cùng đó, phát hiện 112/702 mẫu VTNN (chiếm gần 16%) vi phạm. Các trường hợp vi phạm đều đã được xử lý theo qui định.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Nafiqad cho biết, qua các đợt thanh, kiểm tra diện rộng và đột xuất, cơ quan chức năng đã lập biên bản 7 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực phân bón, thức ăn chăn nuôi. Đồng thời, yêu cầu 2 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) xử lý nhãn thuốc sai về cỡ chữ, ghi trên nhãn không đúng nơi sản xuất; xử lý 26 sản phẩm phân bón lá và bón rễ ghi không đúng công dụng của phân bón.
Rút giấy phép, công khai dư luận
Theo Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, hiện hành lang pháp lý xử lý cơ sở loại C đã có, nên các địa phương phải làm quyết liệt. “Chúng ta không thương một người để làm hại muôn người. Không cho phép ai vì lợi ích của mình để làm hại cho người khác nên chúng ta phải làm quyết liệt, là vừa xử phạt, biện pháp bổ sung rút phép và công khai thông tin. Các địa phương cũng cần nghiên cứu thông tin phân loại A, B, C gắn vào sản phẩm để, nhân dân biết và lựa chọn”- ông Phát nói.
Bộ trưởng Phát đề nghị các địa phương tập trung triệt phá hàng lậu, hàng kém chất lượng trong 6 tháng cuối năm, đặc biệt là thuốc BVTV giả.
Bình luận của bạn