Toàn cảnh nhà thờ Đức Bà nhìn từ trên cao - Ảnh: Dương Văn Minh Ngọc |
Dự kiến, việc trùng tu sẽ bắt đầu vào khoảng 3 tháng tới và kéo dài trong nhiều năm. Trao đổi với Tuổi Trẻ sáng 13-6, Linh mục Hồ Văn Xuân, Tổng đại diện Tòa Tổng Giám mục TP.HCM, Trưởng ban trùng tu đã khẳng định thông tin này.
Trùng tu - việc chẳng đặng đừng
“Dự kiến trùng tu nhà thờ Đức Bà đã có từ hơn 10 năm trước. Nhưng thời điểm đó còn có nhiều công trình khác cần được ưu tiên hơn nên việc trùng tu mới chỉ là dự kiến. Đến nay, do Nhà thờ Đức Bà đã xuống cấp rất nghiêm trọng nên không thể lùi việc trùng tu lại nữa, dù ở bên ngoài trông vẫn còn bình thường. Nếu chậm trễ hơn nữa, chúng tôi lo sợ nguy hiểm cho giáo dân đến sinh hoạt, và khi đã hư hỏng nặng quá không trùng tu được nữa thì sẽ có tội với tiền nhân”, Linh mục Hồ Văn Xuân cho biết.
Trước đó, Tòa Tổng giám mục đã có văn bản gửi UBND TP.HCM và Sở Văn hóa - thể thao TP, Ban Tôn giáo TP về việc xin sửa chữa Nhà thờ Đức Bà. Trong đó có nêu rõ: Trải qua một thời gian dài, với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, hiện ngôi nhà thờ đã xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là phần mái ngói. Sau những trận mưa lớn, lượng nước mưa thấm dột tích tụ rất nhiều trên hệ thống trần, gây hư hại nặng các kết cấu bên trong, khiến hệ thống chịu lực của toàn bộ công trình đang lâm vào tình trạng nguy hiểm. Việc sửa chữa khẩn cấp phần mái ngói để chống dột là một việc cần phải làm ngay trước khi mùa mưa bắt đầu, để tránh mọi nguy hiểm cho bà con giáo dân dự lễ”.
Vị linh mục Tổng đại diện chia sẻ nhiều nỗi băn khoăn về việc làm sao để việc trùng tu vẫn giữ được nét đẹp nguyên thủy của Nhà thờ Đức Bà.
Được xây dựng từ năm 1877, đến năm 1880 thì khánh thành, đến nay Nhà thờ Đức Bà đã tồn tại 135 năm mà chưa cần qua một lần trùng tu sửa chữa lớn. Khi đó, tất cả nguyên vật liệu xây dựng đều được nhập từ Pháp về, xây theo lối kiến trúc roman của người Pháp.
Linh mục Hồ Văn Xuân nói: “Riêng việc thay ngói, người ta ước lượng có khoảng 50.000 viên. Ngói nguyên thủy là ngói marseille bên Pháp. Sau nhiều đợt thay, hiện giờ mái ngói Nhà thờ ngoài loại nguyên thủy nói trên còn có ngói Indochinois, ngói Phú Hữu. Bây giờ, Sở Văn hóa có nói, nếu tìm được ngói nguyên thủy của marseille thì hợp hơn. Chúng tôi cũng nghiên cứu chuyện đó và đã liên lạc với bên Pháp. Tháng 7 tôi sẽ sang đó liên lạc chỗ làm kính màu và ngói. Tôi có nhờ những người bạn bên Pháp. Ngói cũ thì không được vì nhập khẩu đồ cũ về rất khó, mà mình cũng không kiểm định được là ngói đó còn tốt, sử dụng được hay không. Còn nếu đặt ngói mới thì tốn kém lắm, rồi chưa kể vấn đề xin nhập khẩu nữa. Chúng tôi cũng nhờ một hãng sản xuất trong nước, dù họ có kỹ thuật cao nhưng màu ngói và kiểu giả cổ họ cũng rất khó làm được”.
Một vấn đề quan trọng nữa là phải đảm bảo an toàn cho thợ thi công, cho người đi đường và bà con giáo dân dự lễ bên trong nhà thờ. Khi bắt đầu trùng tu thì nhà thờ vẫn phải để bà con giáo dân sinh hoạt, bên ngoài thì giao thông công cộng rất đông đúc. “Hướng của chúng tôi là sẽ làm giàn giáo chắc, phải đặt riêng chứ không dám thuê bên ngoài. Tất nhiên là phải xin phép thành phố cho sử dụng một phần nào đó lòng đường để lắp đặt giàn giáo cho chắc chắn, vì vỉa hè chỉ có 1,2m nên sẽ hơi kẹt”.
Công tác kiểm định đã được tiến hành từ tháng 5 tới nay. Sau khi kiểm định, đánh giá mức độ hư hỏng và đề ra các biện pháp khắc phục. Việc chống dột được ưu tiên trước. Khi trùng tu sẽ làm từ trên xuống, làm mái bao trùm nhà thờ để khi tháo dỡ ngói thì bên dưới vẫn sử dụng được.
Buồn vì ý thức người tham quan
Linh mục Hồ Văn Xuân cũng bày tỏ sự phiền lòng vì ý thức của một số người tham quan Nhà thờ Đức Bà. Đó là việc viết, vẽ lên tường nhà thờ. “Tôi đang nghĩ có nên làm một hàng rào mỹ thuật nào đó để người ta không tiếp cận với bức tường hay không. Nhưng tôi nghĩ quan trọng là ý thức của người tham quan, vì nếu làm hàng rào cũng lo xấu cái nhà và trông cũng tách biệt với bên ngoài nên chưa biết phải làm sao. Tòa Tổng giám mục cũng mong muốn liên kết với UBND Q.1 tạo cảnh quan khu vực trước nhà thờ là tượng đài đức mẹ, tạo mảng xanh, hạn chế việc buôn bán ở đó làm mất đi sự tôn nghiêm, và gây phản cảm khi xả rác bừa bãi.
Các cơ quan của TP đều ủng hộ chuyện trùng tu vì nhà thờ là biểu tượng của TP, là công trình văn hóa. Tôi nghĩ vậy và tôi tin điều đó”, linh mục Hồ Văn Xuân cho biết.
Bình luận của bạn