Tăng phí Bảo hiểm y tế liệu có giảm được tình trạng khám chữa bệnh vượt tuyến?
(Trong ảnh: Bệnh nhân mua thuốc tại bệnh viện Bạch Mai).Ảnh: Phú Khánh
Tại cuộc tọa đàm về BHYT do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 28/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, Bộ này là cơ quan đầu mối xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT, với mục tiêu đạt trên 70% dân số tham gia BHYT vào năm 2015, đến năm 2020 là trên 80%. Trong dự thảo này, mức đóng BHYT của người dân sẽ vẫn duy trì như hiện tại là 4,5% lương cơ bản, tuy nhiên có quy định về mức trần tối đa 6%. Cụ thể, theo lộ trình, mức đóng BHYT sẽ được từng bước nâng lên, khống chế tối đa không quá 6% lương cơ bản. Thời gian áp dụng mức đóng phí BHYT mới này có thể sẽ triển khai cùng với thời điểm ngành y tế được phép điều chỉnh giá dịch vụ y tế trên cơ sở tính đúng, tính đủ các chi phí trực tiếp (hiện giá dịch vụ y tế đã được điều chỉnh nhưng mới chỉ tính 3/7 yếu tố).
Trên thực tế, hiện nay Quỹ BHYT kết dư hàng năm tại một số tỉnh rất lớn, lên tới hàng trăm tỷ đồng nhưng phía cơ sở lại chưa được sử dụng số tiền này để mua sắm trang thiết bị, đầu tư nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Trong bối cảnh đó, việc tiếp tục giữ quy định về mức trần đóng BHYT lên 6% lương cơ bản khiến nhiều người dân khó hiểu.
Lý giải về việc này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên cho biết, năm 2010-2011, quỹ BHYT đúng là có kết dư lớn cho nên Bộ Y tế cùng với Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam đã họp để trình Chính phủ xử lý. Tuy nhiên thời điểm đó Chính phủ cho phép điều chỉnh giá dịch vụ y tế, cơ quan BHXH Việt Nam tính toán thấy rằng nếu điều chỉnh như vậy thì năm 2013 Quỹ BHYT sẽ bội chi khoảng 10.000 tỷ đồng. Do đó, BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Y tế trình Chính phủ đề nghị nâng mức đóng BHYT từ 4% lên 6%. Do tình hình kinh tế khó khăn, Chính phủ chưa đồng ý tăng mức đóng BHYT lên mức 6% nên nguồn kết dư Quỹ từ năm trước phải bổ sung vào nguồn dự phòng của năm 2013 để tránh tình trạng vỡ quỹ.
Siết chặtđiều trị trái tuyến
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến quá tải BV tuyến trên ngày càng trầm trọng là do BHYT hiện nay chi trả cho bệnh nhân khám chữa bệnh trái tuyến ở mức tương đối cao, từ 30- 70% chi phí. Điều này góp phần "khuyến khích" tình trạng điều trị trái tuyến, những người bệnh có BHYT sẵn sàng lên tuyến trên điều trị mà không khám chữa bệnh tại tuyến ban đầu.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi Trung ương cho rằng, cần phải thay đổi quy định về mức chi trả BHYT cho bệnh nhân trái tuyến để hạn chế bất cập đang diễn ra. Theo ông Hải, khi người bệnh đã chấp nhận vượt tuyến thì phải tự chi trả chi phí khám chữa bệnh, trừ trường hợp cấp cứu. Ngay cả với bệnh nhân cấp cứu thì khi đã ổn định sẽ phải chuyển xuống tuyến dưới để điều trị cho phù hợp, còn nếu muốn tiếp tục điều trị ở BV trung ương thì phải chi trả cho giai đoạn điều trị đó.
Đồng quan điểm này, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT - BHXH Việt Nam nhấn mạnh, trong khi sửa Luật BHYT lần này, các thành viên Ban soạn thảo Luật sửa đổi đã đề cập nhiều giải pháp làm sao để đưa điều trị trái tuyến vào đúng quỹ đạo, để phục vụ tốt người bệnh, tránh việc quá tải do bệnh nhân đổ dồn lên các BV tuyến trên.
Ông Sơn phân tích, khi xây dựng Luật BHYT đưa ra cơ chế thanh toán vượt tuyến, trái tuyến là để bảo đảm tốt quyền cho bệnh nhân vì thực tế có một số nhóm đối tượng do điều kiện khách quan không thể đi đến đúng tuyến vẫn được hưởng quyền lợi BHYT. Mặt khác, có một số đối tượng thu nhập cao hơn thu nhập bình quân chung của xã hội, cần đáp ứng nhu cầu thụ hưởng điều kiện tốt hơn và chấp nhận cùng chi trả với BHYT. Tuy vậy, trong quá trình triển khai, mặt hạn chế của quy định thanh toán BHYT vượt tuyến, trái tuyến đã bộc lộ rõ, gây nên tình trạng quá tải BV. Việc sửa đổi Luật BHYT sẽ phải điều chỉnh bất cập này.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin
Bình luận của bạn