Các điều khoản của dự thảo sẽ được xem xét lại trong cuộc tham vấn công luận và có thể có hiệu lực vào cuối năm 2014.
Các bác sĩ cho biết thụ tinh trong ống nghiệm từ ba nguồn gen khác nhau (sử dụng tinh trùng và trứng của bố mẹ cộng thêm một trứng từ người hiến tặng) có thể ngăn ngừa các bệnh khiếm khuyết về ty thể.
Cứ khoảng 6500 trẻ sơ sinh lại có một trẻ mắc bệnh ty thể nghiêm trọng dẫn đến thiếu năng lượng, gây yếu cơ, mù lòa, suy tim và thậm chí là tử vong.
Các nhà khoa học đã phát minh ra hai kỹ thuật cho phép họ lấy các thông tin di truyền từ người mẹ và gắn các thông tin này vào trứng của người hiến tặng có ty thể khỏe mạnh.
Không giống như phần lớn DNA ở cơ thể người, có nguồn gốc từ bố mẹ, DNA ty thể chỉ truyền từ mẹ sang con. Kỹ thuật mới này thay thế những khiếm khuyết về ty thể bằng nguồn ty thể khoẻ mạnh từ tế bào trứng người hiến.
Trẻ sinh ra theo phương pháp này sẽ thừa hưởng DNA của bố mẹ ruột và một lượng nhỏ từ người cho trứng do ty thể có DNA riêng.
Bộ Y tế đã ủng hộ phương pháp thụ tinh mới này và cho biết sẽ không tham vấn về việc cấp phép mà thay vào đó sẽ thảo luận về việc thực thi phương pháp này.
Theo đó, cơ quan Quản lý thụ tinh nhân tạo và phôi sẽ phải xác định các trường hợp có nguy cơ cao trẻ bị dị tật, hoặc mắc các bệnh nghiêm trọng. Các nguy cơ trên cũng được dự đoán rằng chỉ xảy ra với những người phụ nữ mắc bệnh ty thể đặc biệt nghiêm trọng, trung bình 10 trường hợp mỗi năm.
Các điều khoản được bàn tới cũng đề nghị đãi ngộ đối với người cho trứng tương tự với những người hiến tạng. Trong trường hợp dùng tinh trùng với trứng của người hiến tặng, đứa trẻ sẽ không được biết về thông tin của người đó.
Giáo sư Doug Turnbull, người đi tiên phong trong việc nghiên cứu về hiến ty thể tại Đại học Newcastle, cho rằng việc chính phủ công bố những quy định trong dự thảo là tin rất đáng mừng đối với các bệnh nhân bị bệnh DNA ty thể và là một bước đi quan trọng trong việc dự phòng lây nhiễm căn bệnh nghiêm trọng này.
Giáo sư Dame Sally Davies, quan chức y tế hàng đầu của Anh, cho biết: “Cho phép hiến ty thể sẽ mang lại cho những phụ nữ mắc bệnh ty thể nặng cơ hội có con mà không để lại những rối loạn di truyền có hại. Điều này cũng tạo điều kiện cho Anh đi đầu về phát triển khoa học trong lĩnh vực này."
Đồng thời ông cũng khuyến khích những đóng góp tham vấn nhằm tạo ra cái nhìn toàn diện nhất trước khi đưa ra những điều lệ cuối cùng về vấn đề này.
Tuy nhiên, những kỹ thuật này cũng làm dấy lên rất nhiều tranh cãi. Những người phản đối cho rằng phương pháp này là phi đạo đức và có thể khiến người Anh lạm dụng việc sinh con theo mong muốn.
Ưu điểm duy nhất của những kỹ thuật này là cho phép người phụ nữ có con mang DNA của mình. Tuy nhiên điều này không thể biện minh cho những rủi ro khôn lường đối với trẻ hoặc các hậu quả xã hội khi cho phép sửa đổi hệ gen của con người.
Tiến sĩ David King, trưởng nhóm Áp lực Chống Nhân bản Human Genetics Alert, cho biết đây là quyết định có "ý nghĩa lịch sử to lớn" nhưng lại không được thảo luận một cách đầy đủ.
Ông cho rằng những kỹ thuật này đã không vượt qua được các kiểm nghiệm cần thiết về độ an toàn. Bởi vậy việc hợp pháp hóa chúng là quá vội vàng và không cần thiết.
“Nếu được thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên một chính phủ hợp pháp hóa việc biến đổi gen di truyền ở người, một điều bị cấm ở tất cả các nước châu Âu khác”, ông nói thêm.
Bình luận của bạn