Bệnh sốt xuất huyết hoành hành giữa mùa khô
Cần Thơ ghi nhận 118 ca sốt xuất huyết
Trẻ đã mắc sốt xuất huyết có mắc lại nữa không?
Bộ Y tế khuyến cáo phòng, chống bệnh sốt xuất huyết
Gia tăng số trẻ mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng
Sau nhiều ngày bị sốt cao liên tục, uống thuốc tây nhưng không đỡ, bệnh nhân Nguyễn Thị B. (32 tuổi, ngụ tại quận Bình Tân, TPHCM) được người nhà chuyển đến bệnh viện trong tình trạng xuất huyết chân răng, đi cầu phân đen, chảy máu mũi... Qua các kết quả thăm khám và xét nghiệm, bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới kết luận, bệnh nhân bị sốt xuất huyết, suy đa tạng rất nặng.
Bệnh nhân được lọc máu liên tục, truyền máu bổ sung, điều trị kháng sinh chống nhiễm trùng. Tuy nhiên, nỗ lực cứu chữa của các bác sĩ đã không mang lại kết quả, bệnh nhân rơi vào hôn mê sâu, lệ thuộc hoàn toàn vào máy thở. Sau hơn 1 tháng nằm viện, bệnh nhân đã tử vong hồi giữa tháng 2/2015. Đây là một trong 2 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết trên địa bàn TPHCM trong 3 tháng đầu năm.
Sốt xuất huyết là bệnh diễn ra quanh năm, bệnh có xu hướng giảm sâu vào thời điểm mùa khô và đạt đỉnh trong mùa mưa khi thời tiết mưa nhiều tạo môi trường thuận lợi cho muỗi phát triển. Tuy nhiên, trong năm nay, trên địa bàn TPHCM bệnh sốt xuất huyết đang có những diễn biến khó lường, nhiều ổ dịch sốt xuất huyết tồn lưu ngay trong mùa khô.
Ngày 1/4, BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, cho biết: Năm 2014 đỉnh dịch sốt xuất huyết kết thúc muộn nên đã kéo sang cả những tháng đầu năm 2015. Ở tháng đầu của năm, số ca bệnh có tuần lên tới hơn 400 ca, nhưng từ tuần thứ 9 trở đi bệnh đã bắt đầu giảm, đến tuần thứ 13, toàn thành phố chỉ còn 150 ca bệnh sốt xuất huyết nhập viện.
Tuy số ca bệnh có giảm, nhưng so với cùng kỳ năm 2014, sốt xuất huyết đang ở mức cao hơn. Ổ bệnh sốt xuất huyết đang tồn lưu tại nhiều quận huyện, tiềm ẩn nguy cơ lây lan và bùng phát trên diện rộng khi điều kiện thời tiết thuận lợi. Chỉ tính riêng trong tháng 3, toàn thành phố tới 19 phường xã có ca bệnh nhập viện liên tiếp. Tính riêng tại huyện Củ Chi, số ca bệnh tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước, nhiều quận huyện khác như Thủ Đức, Bình Tân, Bình Chánh, Tân Phú,… sốt xuất huyết cũng đang diễn biến phức tạp.
Theo phân tích của BS Nguyễn Trí Dũng, dù đang là thời điểm mùa khô nhưng sự tồn lưu của nhiều ổ bệnh sốt xuất huyết khiến nguy cơ dịch bệnh gia tăng vào thời điểm mùa mưa. Trước tình hình trên, Trung tâm Y tế Dự phòng đang lên kế hoạch tổng kiểm tra và lập danh sách các điểm nguy cơ, vùng nguy cơ sốt xuất huyết trên cơ sở đó sẽ thực hiện việc giám sát công tác phòng chống dịch đến hết tháng 6/2014.
Trước mắt, TPHCM sẽ tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng lồng ghép với hoạt động vệ sinh môi trường tại các phường xã, khu phố có ổ dịch sốt xuất huyết trong tháng 3. Trung tâm Y tế Dự phòng sẽ tổ chức phun hóa chất trên diện rộng tại các khu phố có bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện liên tiếp trong nhiều tuần của tháng 3 và tháng 4. Để đảm bảo công tác phòng dịch được hiệu quả, BS Trí Dũng cho biết, Trung tâm Y tế Dự phòng sẽ đảm bảo việc cung cấp đầy đủ hóa chất cho các quận huyện sẵn sàng hỗ trợ tuyến y tế cơ sở trong việc phun hóa chất diệt muỗi. Trung tâm cũng sẽ lập 4 đoàn giám sát việc triển khai thực hiện phòng chống sốt xuất huyết của các quận huyện.
Sốt xuất huyết là bệnh lây từ người sang người qua vật trung gian là muỗi, loài muỗi này chỉ sinh sống ở chỗ nước trong. Để hạn chế nguy cơ mắc sốt xuất huyết, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước; thường xuyên thau rửa đậy kín các nắp lu, vại bể chứa nước, thả cá để diệt lăng quăng.
Thường xuyên thay nước bình bông (lọ hoa) thêm muối vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh; loại bỏ các vật liệu phế thải, hố nước tự nhiên; lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng đến để không cho muỗi đẻ trứng; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; người dân cần tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch; khi có dấu hiệu bị sốt xuất huyết cần đến ngay cơ sở Y tế để được khám và điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà.
Bình luận của bạn