Theo GS.TS Bùi Xuân Tám (Phòng khám Đa khoa quốc tế VietSing), Người bị bệnh bụi phổi silic là do phổi hít phải và tích lũy dioxyt silic (Si02) hình thành các hạt xơ và gây nên xơ phổi. Có thể bệnh bụi phổi hỗn hợp do hít vào phổi vừa bụi silic, vừa bụi than hoặc bụi sắt. Đến năm 1989, bệnh bụi phổi silic đã gặp 4184 trường hợp và cho đến nay bệnh chiếm 89,7% trong hơn 140.000 trường hợp bệnh nghề nghiệp được giám định.
Bệnh bụi phổi silic thường gặp ở các nghề mà môi trường sản xuất có nồng độ bụi silic cao như: Công nhân khai thác mỏ than, khoan các đường hầm giữa các mỏ than, công nhân khai thác quặng mỏ, công nhân khoan đường hầm đá. Người làm các nghề tiếp xúc với cát như làm khuôn cát, phun chát đánh rỉ, mài nhẵn, công nhân tiếp xúc với bụi đá đen hoặc làm nghề sành gốm sứ, sản xuất ở lò gạch chịu lửa, nghề đúc.
Loại bụi này khi tấn công vào phổi sẽ gây ra những vết thương, sau đó tạo thành những vết chai trên phổi tạo điều kiện cho các vi trùng có nguy cơ bội nhiễm. Cho đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh bụi phổi silic nhưng đây là bệnh có thể dự phòng được. Bởi vậy việc chuẩn đoán sớm, theo dõi, giám sát dự phòng thích hợp là biện pháp cần thiết.
Các triệu chứng của
bệnh bụi phổi
Bệnh bụi phổi silic được phân loại làm ba thể: mãn tính (mắc bệnh sau 15-20 năm tiếp xúc với bụi silic); bán cấp tính (sau 5-10 năm); cấp tính (dưới 5 năm). Bệnh không có thuốc đặc trị nhưng chỉ có thể chữa trị triệu chứng, giúp bệnh nhân giảm bớt khó thở, ho và nhiễm trùng (nếu có). Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh bụi phổi đều có triệu chứng sau: Khó thở gắng sức là triệu chứng cơ bản, đặc hiệu của bệnh do xơ hóa phổi hoặc khí thũng; Ho và khạc đờm: giai đoạn đầu thưa, ít về sau ho và khạc đờm thường xuyên và kéo dài, đó là biểu hiện của viêm phế quản mạn tính; Đau ngực: đây là dấu hiệu hay gặp, thường đau ở vùng đáy phổi; Ho ra máu, khạc đờm đen: ho ra máu thường trong trường hợp kết hợp với bệnh lao phổi, ho khạc đờm đen trong, lỏng gặp ở công nhân ngành than; Người bị bệnh bụi phổi silic có thể chết trong vòng 10 – 20 năm sau khi khởi bệnh. Tuy nhiên bệnh nhân chết thường không phải do bệnh bụi phổi silic mà do biến chứng của bệnh.
Có thể gặp các biến chứng sau ở bệnh nhân mắc bệnh này như: lao phổi, khí phế thũng, viêm phế quản mãn tính, suy hô hấp mãn tính, tâm phế mãn. Trong số các biến chứng thì lao phổi hay gặp nhất bởi vậy hàng năm mọi người nên đi chụp X quang phổi để chuẩn đoán và phát hiện lao phổi. Tổn thương cơ bản và đặc trưng nhất là các nốt kích thước từ 1 – 10mm, tập trung ở vùng trên của phổi.
Các cách điều trị và dự phòng căn bệnh
Để phát hiện sớm bệnh bụi phổi, người lao động ở môi trường có nguy cơ cao nên thực hiện đúng chế độ khám định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp tại cơ sở y tế. Người mắc bệnh bụi phổi phải được bố trí làm công việc khác hạn chế tối đa việc tiếp xúc với bụi. Không sử dụng những người bị bệnh về đường hô hấp trên, viêm phế quản, hen suyễn, lao phổi làm việc ở nơi có bụi.
Theo khuyến cáo của các tổ chức y tế, người dân nên sử dụng các biện pháp dự phòng để tránh hít phải bụi có chứa silic. Do đó đối với công nhân nên sử dụng khẩu trang để lọc bụi. Bên cạnh đó, nên làm ẩm môi trường sản xuất bằng hơi nước, thông gió, hút bụi… Những người mắc bệnh bụi phổi silic có nguy cơ bị lao thì có thể dự phòng hóa học bằng isoniazid (Rimifon) trong thời gian 6 tháng. Phun mù muối nhôm (Aluminium) hoặc xông Aluminum Hydrate để có thể làm cho bệnh phát triển chậm lại. Ngoài ra, kỹ thuật rửa phế nang toàn hai phổi để loại bỏ bụi và các đại thực bào đã nuốt bụi và một kỹ thuật phức tạp chuyên sâu.
Bình luận của bạn