Cứ 1.000 trẻ sinh ra có 1 trẻ bị điếc

Số bệnh nhân bị điếc được can thiệp còn hạn chế.

Điếc đột ngột: Vì sao nên nỗi?

FDA phê duyệt loại thuốc trị viêm tai mới

Thủng màng nhĩ vì viêm tai giữa

Ngừa viêm tai ngoài

Điếc là một khiếm khuyết giác quan thường gặp ở trẻ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sự phát triển tâm thần, vận động. Trước đây, phương pháp dùng máy trợ thính đã hỗ trợ đắc lực cho những người không may mắc phải bệnh lý trên. Tuy nhiên, với những bệnh nhân điếc sâu, nặng ở cả 2 tai và đeo máy trợ thính không mang lại hiệu quả.

Từ cuối thế kỷ XX, các nhà khoa học đã tìm ra phương pháp ốc tai điện tử, mang lại âm thanh cho trẻ khiếm thính, giúp trẻ bị bệnh có thể nghe và học nói được như những trẻ bình thường khác. Kỹ thuật cấy ốc tai điện tử, trên thế giới đã phát triển cách đây hơn 35 năm nhưng tại Việt Nam, mới chỉ thực hiện được 15 năm trở lại đây. Đơn vị đầu tiên trên cả nước tiến hành phương pháp này là bệnh viện Tai Mũi Họng, TP.HCM. 

Bệnh nhi 7 tuổi được cấy ốc tai điện tử cách đây 5 năm

PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dung - Hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Nguyên Giám đốc bệnh viện Tai Mũi Họng, cho biết: “Trước đây khi kỹ thuật cấy ốc tai chưa được thực hiện tại Việt Nam, bệnh nhân muốn nghe được phải ra nước ngoài để cấy điện cực, chi phí rất tốn kém. Bên cạnh đó là những khó khăn liên quan trong việc luyện nghe nói và hiệu chỉnh máy bởi phương pháp này chưa được thực hiện trong nước.”

Để giải quyết vấn đề trên, với sự đồng thuận của Bộ Y tế, năm 1998 sau quá trình chuẩn bị, lần đầu tiên kỹ thuật cấy điện cực ốc tai đã được thực hiện tại bệnh viện Tai Mũi Họng, TPHCM. TS.BS Trần Phan Chung Thủy, Giám đốc bệnh viện cho biết, đến nay sau 15 năm thực hiện, bệnh viện đã cấy thành công ốc tai điện tử cho 206 bệnh nhân. Kỹ thuật trên đang mang lại những thành quả tích cực cho sự phát triển của y học đồng thời giúp các bệnh nhân không may bị điếc bẩm sinh có điều kiện phát triển ngôn ngữ, hòa nhập với cuộc sống cộng đồng.

Từ những thành quả bệnh viện đạt được, ngày 26/12, nhân kỷ niệm 15 năm kỹ thuật cấy ốc tai điện tử tại bệnh viện Tai Mũi Họng, Hội thính học Quốc tế đã chính thức công nhận bệnh viện là Trung tâm thính học Quốc tế tại Việt Nam.

Cấy ốc tai điện tử hiện đang được xem là phương pháp hiệu quả được các chuyên gia y tế khuyến cáo nên thực hiện càng sớm càng tốt cho những bệnh nhi ở giai đoạn phát triển ngôn ngữ (bệnh nhân dưới 2 tuổi). Tuy nhiên, trên thực tế chi phí để thực hiện kỹ thuật này có thể tốn đến hàng chục nghìn đô la Mỹ, những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn gần như không thể tiếp cận. Chính vì thế, sau 15 năm thực hiện nhưng số bệnh nhân được cấy ốc tai điện tử tại bệnh viện Tai Mũi Họng còn hạn chế.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin