Nguyên tắc vàng phòng ngừa suy thận mạn

Tỷ lệ bệnh thận mạn trong cộng đồng ở các nước chiếm 10-13% dân số. Hiện ởViệt Nam chưa có số liệu thống kê chính xác toàn quốc. Ước tính khoảng 6 triệu dân bị bệnh thận mạn, chiếm 6,73% dân số. Khoảng 80.000 bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối và chỉ 10% bệnh nhân được điều trị lọc máu.

Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Bách, Khoa Nội Thận - Lọc máu, Bệnh Viện Thống Nhất TPHCM cho biết, có rất nhiều người mắc bệnh thận mạn, nhưng ít người biết bệnh ở giai đoạn sớm. Bệnh thận ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe do giảm chức năng thận, bệnh nhân ở giai đoạn 4 sẽ có tỷ lệ tử vong là 46%.

Bệnh thận mạn diễn tiến âm thầm qua nhiều tháng hoặc nhiều năm, giai đoạn sớm không có triệu chứng đặc biệt, chỉ khi mất đến 90% chức năng thận mới có triệu chứng nên rất nguy hiểm. Một số dấu hiệu thường gặp là mệt mỏi, chán ăn, da xanh xao, tiểu ít, buồn ngủ, phù mặt và chân...

Tại Việt Nam, ước tính khoảng 6 triệu dân bị bệnh thận mạn. Ảnh minh họa: Viết Tuân

Khi đã có suy thận sẽ ảnh hưởng đến tất cả cơ quan trong cơ thể như tim mạch, tiêu hóa, hô hấp, thần kinh… Bên cạnh đó, bệnh thận còn là một gánh nặng kinh tế khi phải chi trả cho ghép thận, chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối.

Các bệnh lý đái tháo đường, cao huyết áp cũng chính là yếu tố nguy cơ quan trọng gây nên bệnh thận mạn. Khoảng một nửa số người mắc bệnh đái tháo đường có tổn thương thận. Bên cạnh đó, huyết áp cao dài ngày sẽ phá hủy các mạch máu trong cơ thể gây xơ vữa động mạch thận, làm giảm lượng máu cung cấp đến thận và các cơ quan khác sẽ gây ra suy thận. Huyết áp tăng cao còn phá hủy các cầu thận, gây hỏng chức năng bộ phận này. Khi thận bị tổn thương, khả năng điều hòa huyết áp suy giảm làm cho huyết áp tăng cao.

Theo bác sỹ Bách, để chẩn đoán sớm bệnh thận mạn cần thực hiện xét nghiệm nước tiểu và máu. Khi được phát hiện sớm và điều trị tốt bệnh sẽ diễn tiến chậm và tránh được suy thận giai đoạn cuối. Nếu chẩn đoán muộn, không điều trị thích hợp bệnh diễn tiến nặng dần theo thời gian, không bao giờ hồi phục. Tiến triển của bệnh nhanh hay chậm phụ thuộc bệnh lý căn nguyên, chẩn đoán sớm hay muộn và hiệu quả điều trị.

Nguyên tắc vàng phòng ngừa suy thận mạn

- Cần tập thể dục đều đặn hàng ngày như đi bộ tối thiểu 30 phút một ngày.

- Tránh thừa cân, béo phì bằng chế độ ăn uống hợp lý, giảm lượng muối, chỉ nên dùng 5-6gr muối mỗi ngày, duy trì một lượng nước uống vừa phải với1,5-2 lít nước mỗi ngày kết hợp vận động thể lực.

- Không hút thuốc lá vì thuốc lá có hại cho tim mạch, thận, gây tiểu đạm và có thể gây ung thư thận.

- Không tự ý dùng kéo dài các thuốc khi chưa có ý kiến của bác sỹ, đặc biệt là thuốc kháng viêm không steroid như ibuprofen và các thuốc đông y không rõ nguồn gốc.

- Phòng bệnh đái tháo đường.

- Phòng bệnh tăng huyết áp và kiểm tra chức năng thận định kỳ.

Bác sỹ Bách lưu ý, đối với người đã mắc bệnh thận mạn thì khuyến cáo tốt nhất là tuân thủ nguyên tắc dùng thuốc, có chế độ ăn uống hợp lý và điều trị thật tốt các bệnh căn nguyên. Hạn chế sử dụng các thuốc độc với thận. Cần điều chỉnh liều thuốc theo chức năng thận khi sử dụng. Cần xét nghiệm nước tiểu và đo chức năng thận định kỳ.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tiết niệu