Nếu không điều trị kịp thời, trầm cảm sau sinh có thể trở nên trầm trọng, khó điều trị
Trả lời:
BSCKII. Nguyễn Minh Tuấn - Viện phó Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết:
Chào bạn! Trầm cảm sau sinh là tình trạng liên quan đến suy nghĩ và cảm giác mệt mỏi, buồn chán, lo lắng xuất hiện sau sinh. Những phụ nữ mắc bệnh trầm cảm sau sinh thường kèm theo trạng thái lo sợ con mình sẽ bị hại và bản thân mình là người mẹ xấu.
Trầm cảm sau sinh thường chia làm 2 loại: Loại khởi phát sớm và loại khởi phát muộn. Loại khởi phát sớm xuất hiện với mức độ nhẹ, ngắn trong những ngày đầu hoặc tuần đầu sau đẻ. Trong suốt tuần đầu sau sinh, 80% các bà mẹ cảm trải qua cảm giác đặc biệt như: Cáu kỉnh, lo lắng, dễ thay đổi cảm xúc... Các dấu hiệu này xuất hiện và đạt đỉnh điểm trong khoảng 3 - 5 ngày sau sinh và sau đó biến mất trong vòng 2 tuần mà không phải điều trị gì ngoài sự chia sẻ của gia đình.
Nên đọc
Loại khởi phát muộn, xuất hiện sau khi sinh một vài tuần và kéo dài, khó điều trị hơn. Các triệu chứng của bệnh trầm cảm sau sinh khởi phát muộn thường bao gồm: Khí sắc trầm uất, mất đi sự quan tâm thích thú (kể cả với đứa con mới sinh), mất sinh lực, mệt mỏi kéo dài, mất ngủ, chán ăn hoặc ăn quá nhiều, giảm cân hoặc tăng cân quá mức, khó khăn trong chăm sóc trẻ.
Để xác định chính xác vợ bạn có bị trầm cảm sau sinh không bạn nên đưa vợ đến khám tại chuyên khoa tâm thần của các bệnh viện. Trầm cảm sau sinh nên điều trị càng sớm càng tốt. Trong điều trị, các bác sỹ sẽ sử dụng các thuốc chống trầm cảm kết hợp với các liệu pháp tâm lý. Tuy nhiên sử dụng thuốc phải có chỉ định nghiêm ngặt đối với phụ nữ đang trong thời gian cho con bú, người nhà bệnh nhân không nên được tự ý mua thuốc về dùng.
Việc điều trị cho bệnh nhân trầm cảm sau sinh có hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của người thân. Động viên và cùng tham gia chăm sóc em bé sẽ giúp cho bệnh nhân nhanh chóng bình thường trở lại. Bạn bè và gia đình chắc chắn rằng người mẹ bị trầm cảm đang được bác sỹ chỉ định điều trị. Nếu đơn thuốc không thích hợp thì phải động viên bệnh nhân trở lại gặp bác sỹ và yêu cầu thay đổi đơn thuốc.
Chúc bạn và gia đình luôn khỏe mạnh!
Gia Hân H+
Bình luận của bạn