Chị Hương (Ngã Tư Sở, Thanh Xuân) năm ngoái làm rất nhiều bánh giúp họ hàng. Thấy mọi người hưởng ứng nên mùa năm nay, chị mở dịch vụ nhận đặt bánh, nhân được làm theo yêu cầu gồm nhân kem, rau câu, chocola, bánh flan... Bên cạnh đó, vỏ bánh cũng được biến tấu với hương vị dâu, cà phê, sữa dừa, lá dứa...
"Mọi người khen bánh nhân lạ, dễ ăn. Ai có sở thích gì thì cho loại nhân đó nên khách hàng sẽ có thêm nhiều lựa chọn. Khách thích ngọt hay nhạt đều có thể đề nghị để mình điều chỉnh khi làm", chị Hương cho hay.
Chị cho biết, giá bán mỗi chiếc bánh 150g dao động 40.000-60.000 đồng. Nếu khách có nhu cầu đặt theo hộp, chị Hương cũng nhận với giá khoảng 140.000 đồng mỗi hộp 4 chiếc.
Bắt đầu nhận đặt bánh cách đây nửa tháng, hiện chị đã trả giao hơn 50 sản phẩm cho khách. "Chủ yếu là các gia đình mua về ăn thử. Chắc vài hôm nữa, lượng khách sẽ đông hơn", chị Hương cho hay.
Bánh trung thu được biến tấu cả vỏ và nhân bánh.
Chị cho biết, nếu mới làm mặt hàng này sẽ khá vất vả vì nhiều bước tỉ mỉ. Tuy nhiên, mức lời được một phần ba giá bán."Mình thường gom các đơn hàng khoảng một tuần trả một lần, nếu đông hơn thì 2-3 ngày", chị Hương nói.
Gần đây, nhiều bà nội trợ, dân văn phòng thành thục trong việc làm bánh Trung thu thủ công đã mở ra dịch vụ này để kiếm thêm thu nhập. Vị cho nhân, vỏ bánh... liên tục được sáng tạo theo sở thích của khách hàng.
Là một nhân viên văn phòng, chị Quỳnh (Cầu Giấy) năm nay cũng nhận làm bánh dip Rằm tháng tám. "Ban đầu chỉ nhận làm giúp mọi người ở cơ quan nhưng sau đó đồng nghiệp khuyên nên làm dịch vụ. Thấy đây cũng là một ý tưởng hay nên mình thử nghiệm. Hiện mình nhận được khoảng 20-30 đơn hàng nhưng chủ yếu là người quen. Cách đây một tuần mình quảng cáo trên mạng xã hội nên cũng bắt đầu có người hỏi", chị Quỳnh cho hay.
Để đáp ứng nhu cầu của khách, chịđưa ra nhiều kích cỡ bánh khác nhau với giá dao động từ 20.000-65.000 đồng một chiếc.
Theo chị Quỳnh, những loại bánh này bảo quản cầu kỳ hơn những loại truyền thống. Do được làm thủ công, không có chất bảo quản nên nếu để ở nhiệt độ bình thường chỉ được khoảng 6-8 tiếng, còn để tủ lạnh thì được 3-4 ngày.
Không chỉ các cá nhân, nhiều cửa hàng bánh truyền thống tại Hà Nội cũng chiều lòng khách khi cho ra mắt một loạt loại bánh có nhân độc đáo, phù hợp hơn với thị hiếu. Một cửa hàng bánh trên phố Hàng Điếu, Hoàn Kiếm bên cạnh các vị truyền thống cũng sản xuất thêm các loại hương vị mới như khoai môn, sen, quất, socola, kem, đậu đỏ... Đại diện đơn vị này cho biết, khách cần đặt trước và báo thời gian nhận hàng khi có nhu cầu với các loại bánh nhân lạ như trên vì cửa hàng thường ít làm sẵn.
Chủ cửa hàng bánh gia truyền trên phố Thụy Khuê cũng cho biết, nếu khách hàng muốn có những loại bánh nhân mới lạ có thể đặt trước thì cửa hàng sẽ đáp ứng. "Tuy nhiên, nếu sát ngày chắc chúng tôi sẽ không dám nhận vì phải trả nhiều đơn hàng cũ, số lượng rất lớn", anh này cho hay.
Bên cạnh những biến tấu về nhân và vỏ bánh, hình dáng của bánh cũng có nhiều sáng tạo, ví dụ như bánh hình nhân vật hoạt hình như mèo Doremon, Kitty hoặc con vật ngộ nghĩnh như cá, mèo, heo...
"Những hình dáng ngộ nghĩnh của bánh cũng giúp phụ huynh có thêm lựa chọn cho con mình. Nếu chỉ có những chiếc bánh vuông thì hơi nhàm chán, lại khó thu hút được trẻ em. Hy vọng sự khác biệt đó sẽ thu hút khách hàng đến với bánh do mình làm", chị Hương nói.
Bình luận của bạn