Thoải mái bán
Tại TP.HCM, "chợ" thịt chó sống hình thành tự phát trên khá nhiều tuyến đường như: Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), Tân Sơn (Q.Gò Vấp), chợ Bình Triệu (Q.Thủ Đức)... Anh Trần Tiền, một đầu mối cung cấp thịt chó tại Q.12 cho biết: "Không có cách nào phân biệt chó khỏe mạnh hay bệnh tật, chó dại hay chó ghẻ, bị giết thịt lúc đang còn sống hay dính bả rồi chết, vì chó sau khi làm lông, thui da thì con nào cũng như con nào".
Riêng thịt chuột, chủ yếu các hàng quán nhập từ mối quen. Hầu hết các đầu mối cung cấp chuột về TP.HCM đều quảng cáo là chuột đồng Đồng Tháp, An Giang... Trên mạng, có chủ hàng tận An Giang sẵn sàng giao thịt chuột cho khách đặt hàng từ 50kg trở lên. Một đầu mối tại cư xá Đô Thành (Q.3) còn quảng cáo chuột làm sẵn, đóng bao hút chân không với giá trung bình từ 85.000 - 90.000đ/kg. Hỏi có cách nào phân biệt đó là chuột đồng chứ không phải chuột cống, hầu hết người bán trả lời: "làm ăn uy tín là chính" (?).
Chợ thịt chó (ảnh internet)
"Đỏ mắt" tìm chủ quản
An Giang, Đồng Tháp là hai địa phương cung cấp chuột và thịt chuột nhiều nhất cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM. Ngoài ra còn có một lượng lớn chuột sống "nhập khẩu" từ Campuchia. Ông Mai Hoàng Việt, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh An Giang cho biết, kiểm dịch động vật sống thuộc trách nhiệm của Chi cục Thú y, nhưng hiện không có quy định kiểm dịch cho chuột (trừ chuột dùng thí nghiệm - PV).
Theo ThS-BS Lê Minh Uy, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) An Giang, thịt chuột, thịt chó sau khi chế biến thuộc trách nhiệm của Chi cục VSATTP, nhưng ngành này chỉ kiểm tra khi đã lên bàn ăn, còn quá trình mua bán, vận chuyển thuộc cơ quan kiểm dịch động vật.
Trong khi đó, ông Khương Trần Phúc Nguyên - Trạm trưởng Trạm kiểm soát động vật Bình Chánh (TP.HCM), cho hay, các quy định hiện vẫn không rõ ràng. Theo quy định, chuột là động vật hoang dã thuộc trách nhiệm quản lý của cơ quan kiểm lâm, nhưng khi thành thực phẩm sẽ thuộc cơ quan y tế. Tuy vậy, quá trình chế biến từ chuột sống thành món ăn lại thuộc quản lý của cơ quan thú y. Hiện không có quy định kiểm soát giết mổ trên chuột nên ngành nông nghiệp vẫn chưa "quản" nổi món ăn dân dã này.
Tương tự với thịt chó, cách đây không lâu, khi dịch tả bùng phát, cơ quan y tế vào cuộc truy tìm và ban đầu kết luận nguồn gốc dịch từ mắm tôm. Các điểm giết mổ, kinh doanh thịt chó được "để mắt tới" với món thịt chó - mắm tôm, nhưng khi dịch lắng xuống, chẳng thấy biện pháp nào áp dụng để quản lý lâu dài, vì thịt chó không được công nhận là thực phẩm!
Thịt chuột cũng bán vô tư ở chợ
Không thể thả lỏng
Ngày 25/7/2005, Bộ NN-PTNT ra quyết định 45/2005/QĐ-BNN ban hành danh mục động vật, sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch bao gồm trâu, bò, lừa, ngựa, la, dê, cừu, lợn, chó, mèo, gia cầm; sản phẩm động vật (thịt, phủ tạng, phụ phẩm và sản phẩm từ thịt, phủ tạng, phụ phẩm) của các động vậtnói trên.
Tuy vậy, ngày 26/12/2005, Bộ này lại ra quyết định 87/2005/QĐ-BNN ban hành quy trình kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, chỉ áp dụng cho trâu, bò, dê, cừu, heo, gia cầm, riêng thịt chó thì không. Điều này đồng nghĩa với việc thịt chó thoát khỏi sự quản lý của cơ quan chức năng.
Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, giải thích: Việt Nam chưa ban hành quy trình kiểm soát giết mổ chó xuất phát từ việc nhiều tổ chức trên thế giới phản đối việc giết mổ chó lấy thịt làm thực phẩm. "Không riêng Việt Nam, ngay cả Hàn Quốc, dù tiêu thụ rất nhiều thịt chó nhưng đến nay cũng không thể ban hành quy định. Do vậy, các cơ sở giết mổ và kinh doanh thịt chó ngoài tầm kiểm soát của cơ quan thú y", ông Thảo nói.
Thực tế trái khoáy là dù thịt chuột, thịt chó không được coi là thực phẩm thì nó vẫn được bày bán ngoài chợ, trên mạng và xuất hiện công khai tại các quán ăn; khi xảy ra ngộ độc, dịch bệnh ai sẽ chịu trách nhiệm?
ThS-BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM, đề xuất: trước hết, với thịt chó, nên đưa các điểm bán và các hàng quán bán thịt chó vào loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống để quản lý. Cơ quan chức năng - cụ thể là đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP quận, huyện buộc các điểm bán thịt và hàng quán này cam kết sử dụng nguồn thịt an toàn, có chứng từ hoặc hợp đồng cung cấp. "Trong quá trình kiểm tra, nếu nghi ngờ thịt chó không đảm bảo, cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm và căn cứ vào Nghị định 91/2012/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm để xử lý. Nếu thịt chó có hiện tượng biến chất, điểm bán hoặc quán nhậu không chứng minh được nguồn gốc, cơ quan chức năng có quyền tiêu hủy", ThS Huỳnh Mai nêu quan điểm.
Bình luận của bạn