Thái Lan vẫn bế tắc trong biển gạo

Năm 2011, Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với 10,7 triệu tấn. Năm 2012, đương kim vô địch bỗng chốc tuột dốc xuống vị trí thứ 3 với 6,9 triệu tấn, sau Ấn Độ và Việt Nam. Đến năm 2013, Chính phủ Thái đề ra mục tiêu xuất khẩu 8,5 triệu tấn gạo để “giành giật” vị trí thứ 2. Song, với những khó khăn trước mắt, nếu Chính phủ Thái không có giải pháp nào thực hiện thành công, thì có thể nói con số này khá xa vời.

Sau cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008 khiến giá gạo toàn cầu tăng 60%, hầu hết các nước đều đề ra chủ trương thu mua lương thực dự trữ, Thái Lan với chương trình thế chấp lúa gạo được đông đảo người dân ủng hộ. Theo chương trình, Chính phủ Thái hỗ trợ nông dân với mức giá 15.000 baht/tấn gạo trắng thường và 20.000 baht/tấn gạo thơm, và giới hạn khoảng 500.000 baht cho mỗi hộ gia đình. Tuy nhiên, Thái đã phải hứng chịu mức thiệt hại 136 tỷ baht (tương đương khoảng 4,4 tỷ USD) cho chương trình thế chấp lúa gạo vụ đầu. Và hiện con số này có thể đang ở mức vượt qua tầm dự đoán của các chuyên gia.

Có tới 80% người dân Thái cảm thấy hạnh phúc khi Chính phủ thực hiện chương trình thế chấp lúa gạo. Tuy nhiên, khi trả lời phỏng vấn của đài BBC (Anh), một cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Thái Lan cho rằng đây không phải là một cách chi tiêu tiền thuế hiệu quả để tạo ra thu nhập cho người dân.

Vừa qua, sau khi điều tra ra tình trạng gian lận trong các vụ mua bán gạo, Chính phủ Thái lại một lần nữa phải đối mặt với những chỉ trích trong và ngoài nội các. Vấn đề cấp bách đặt ra của ngành gạo Thái là làm thế nào để giải phóng kho gạo tồn khổng lồ khoảng 15 – 17 triệu tấn, để lấy ngân sách trả nợ và tiếp tục chính sách lúa gạo cho các vụ mùa sau.

Sau 3 phiên đấu thầu không đạt kết quả khả quan nào hồi tháng 7 và tháng 8 do giá thành cao trong khi thị trường thế giới nguồn cung tăng nhanh khiến các thương nhân không mấy hưởng ứng, Chính phủ Thái tràn trề hy vọng ở sàn giao dịch nông sản tương lai (AEFT), nhưng do thiếu ngân sách để trả khoản phí bảo hiểm, Thái buộc phải hoãn kế hoạch đấu thầu 100.000 tấn gạo vào hôm 15/8.

Ngay sau đó, Chính phủ Thái lại đề ra phương án bán gạo trực tiếp cho thương nhân nước ngoài, song kế hoạch này ngay lập tức bị các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước lên tiếng phản đối gay gắt bởi sẽ làm tổn thương lợi ích của doanh nghiệp và gây sụt giảm mạnh giá gạo thế giới.

Mới đây, Thái lại xoay chuyển qua phương án bán lẻ gạo cho người tiêu dùng. Tuy nhiên đây không phải là giải pháp hiệu quả bởi tính khả thi khá thấp. Thị trường bán lẻ rõ ràng không làm kho gạo vơi đi cũng như không thể giúp Thái đạt được mục tiêu xuất khẩu gạo.

Bên cạnh đó, không thể không kể đến sự cạnh tranh của Ấn Độ, Việt Nam và Pakistan. Ấn Độ có thế mạnh trong việc xuất khẩu gạo đến thị trường Châu Phi, trong khi Việt Nam và Pakistan “chiếm lĩnh” thị trường gạo Trung Quốc, nước được dự đoán nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới trong năm 2013. Thậm chí Ấn Độ đang xem xét việc giảm giá gạo thu mua của nông dân vào đầu tháng 10 tới, động thái này có thể làm giá gạo xuất khẩu của nước này giảm xuống theo và sẽ gây ảnh hưởng tới tình hình xuất khẩu gạo của các nước khác.

Hôm 30/8, Thái quyết định xả kho gạo trắng thường với giá 380 USD/tấn, một mức giá được cho là khá thấp, xấp xỉ giá gạo xuất khẩu mà các doanh nghiệp Việt Nam đang chào bán.

Có thể, với “quyết tâm bán sạch gạo” lần này, Thái sẽ thành công bởi giá gạo của Thái trên thị trường thế giới luôn có mức giá cao hơn gạo Việt từ 40-80 USD/tấn. Nhưng điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ Thái chấp nhận một khoản thua lỗ khổng lồ và kéo theo nó là những hệ quả xấu khác.

vanhuong
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Kinh doanh - Tiêu dùng