Thần y cứu thế

Antimicrobum

Nhà nghiên cứu sinh hóa Leander Tomarkin mới 27 tuổi, có lẽ vì thế không mấy ai tin tưởng vào khả năng của anh, trong khi chỉ vài viên thuốc Antimicrobum của anh hòa tan vào nước là đã cho thấy ngay tác dụng thần kỳ. Song chính cái chết của Benedict XV lại là giờ khai sinh ra một ngôi sao sáng. Uổng công thuyết phục các bác sĩ, nhà thờ và đội cận vệ, Tomarkin lại càng được báo giới đang chầu chực ở Vatican nhảy xổ vào khai thác. Hôm sau người ta có thể đọc trên mọi tờ báo lớn về "bước nhảy khổng lồ trong sự nghiệp cứu thế" của nhà khoa học trẻ đến từ Zollikon (Thụy Sĩ).

Người con sáng giá của một gia đình Do Thái - Nga ra đời năm 1895. Việc bố mẹ chia tay khi Tomarkin lên 10 và bảng điểm học phổ thông quá kém khiến Tomarkin trở thành mối lo của cả gia đình. Sau khi bỏ dở khóa học Hóa ở một trường dạy nghề, có vẻ như tương lai hàn lâm của Tomarkin chỉ còn một màu u ám. Người cha không còn cách nào khác là cho Tomarkin vào làm trợ lý tại phòng thí nghiệm tư nhân của mình, song không thấy con trai có một hướng đi nào rõ rệt. Ông đã nhầm: ý chí đi tìm một phát minh vĩ đại luôn đốt cháy tâm can con ông.

Ở tuổi 20 Tomarkin có con, một năm sau tiến hành lễ cưới, lúc đó anh không kiếm đủ tiền khi đi bán dạo thuốc tiêm chủng, cuộc sống của cả gia đình vẫn do người cha già trang trải..

"Thần y" Leander Tomarkin

Cứu tinh của nhân loại

Năm 1922 là năm sao chổi của Tomarkin, một thầy thuốc thông thái tỏa sáng nhờ sự trợ lực vô ý thức của giới truyền thông. Điều duy nhất mà thiên hạ không thể tỏ tường là cảnh ngộ tài chính cực kỳ bi đát của người sáng lập ra doanh nghiệp Tomarkin & Co. ở Ascona đã vỡ nợ. Nhưng, như cuộc sống vẫn luôn thế, một may mắn ngẫu nhiên nữa diễn ra: em họ của vua Ý ốm nặng, trong cơn cùng quẫn người ta gọi Tomarkin, và bệnh nhân khỏe trở lại nhờ Antimicrobum!

Cả triều đình hân hoan mở tiệc và Tomarkin nhận danh hiệu Thầy thuốc cung đình Ý. Cánh cửa dẫn vào thế giới quý tộc đột nhiên mở toang, đưa Tomarkin đến với những tên tuổi quyền quý và đồng thời cũng là giới bệnh nhân trả tiền hậu hĩnh.

Tomarkin sắm vai mới một cách hoàn hảo với ánh mắt nghiêm nghị sau cặp kính tròn xoe và áo choàng trắng. Tomarkin tuyên bố không bán công thức pha chế thần dược cho các nhà máy dược phẩm, mà tỏ ý muốn lập ra một quỹ từ thiện để dùng loại thuốc duy nhất đó chữa lao, thương hàn, sốt rét... cho những bệnh nhân mua lẻ, và cũng chẳng ai đoán nổi bí mật gì nấp sau thứ thần dược có cái tên dài ngoằng ấy, "Aminoortobenzoilsulfoisoamiloidrocupronucleinforminsodico". Khi một số nhà khoa học đòi thẩm định, Tomarkin chọn bệnh viện của Đại học Ospedale Santo Spirito (Roma) với một loạt bệnh nhân chớm sưng phổi.

Cái tên Latin dài ngoằng, kỳ thực là một chữ bịa vô nghĩa nhưng khiến người ngoài cuộc tròn mắt thán phục. Và sau này người ta mới nhận ra, ở bệnh viện đó Tomarkin có người em ruột, và các bệnh nhân chớm mắc bệnh thường được theo dõi và chăm sóc tích cực hơn. Loạt thử nghiệm thành công rực rỡ.


Trụ sở chính ở Locarno (Thuỵ Sĩ) của Foundation Chemistry Research

Quỹ Tomarkin


Giữa tháng 5/1924 Tomarkin rời châu Âu qua Mỹ tìm vài Mạnh Thường Quân rủng rỉnh hơn. Chỉ ba năm sau, tài hoạt ngôn của Tomarkin đã đơm hoa kết trái: Quỹ Nghiên cứu hóa học Foundation Chemistry Research mang tên Tomarkin được thành lập và làm bà đỡ cho các sản phẩm kế tiếp "Antimicrobum" như "Catalysan" hay "Disulphamin", tất thảy đều có tác dụng "chuyển hóa tinh thần các tế bào (!)".

Hôm nay sẽ có nhiều người phì cười khi nghe nói tế bào có tinh thần và bệnh lao là một trạng thái tâm lý, song ở nửa đầu thế kỷ 20 không thể đòi hỏi quá nhiều kiến thức y tế phổ thông trong xã hội.

Quỹ Tomarkin bành trướng ngược về châu Âu và đặt trụ sở chính tại Locarno (Thụy Sĩ). Trên sân nhà, Tomarkin phát hiện ra năng khiếu lớn nhất của mình là tổ chức hội thảo khoa học. Năm 1930 Tomarkin mời hàng loạt tên tuổi sáng giá đến hội thảo để họ trình bày về đề tài nghiên cứu của họ. Trong khi đó, Tomarkin hầu như không nhắc đến "thần dược" của mình, mà chỉ tỏa sáng bởi các "hoạt động bên lề" mà mọi thành viên đều hứng khởi tham dự: tham quan thiên nhiên, bảo tàng, hòa nhạc, tiệc tùng... Cũng phải thôi, ai mà chẳng thích được trình bày thành tích khoa học của mình trước công chúng chuyên môn và sau đó vui chơi sảng khoái? Chính sự kết hợp khéo léo giữa nghiên cứu khoa học đỉnh cao với "chương trình khung" hoành tráng khiến tên tuổi của Tomarkin ngày càng vang, chẳng ai trong giới nghiên cứu mà không tìm cách hành hương vài lần về đất thánh Locarno, và hầu như không ai nhận ra bản thân Tomarkin chỉ hiện diện trong chương trình văn hóa, thay vì tiết lộ thêm điều gì mới mẻ trong nghiên cứu "thần dược".

Hồi kết không có hậu

Đỉnh cao tài nghệ của Tomarkin là mời được một người khó tính làm chủ tịch danh dự cho Quỹ Tomarkin: không ai khác, ngoài Giáo sư Albert Einstein, đang trên đỉnh cao danh vọng với Thuyết tương đối và giải Nobel Vật lý.
Tuy nhiên mọi vỏ bọc dù có kín đáo và khéo léo đến đâu cũng không giấu mãi được nội dung nghèo nàn thảm hại. Những gì đem lại may mắn ban đầu cho Tomarkin, nay chỉ còn lại cái bóng của chính nó, sau khi người có công thực sự trên lĩnh vực này là nhà sinh hóa Selman Abraham Waksman phát kiến ra thuốc kháng sinh.

Thay vì tiếp tục nghiên cứu mở rộng, Tomarkin đã sống quá lâu trong vầng hào quang giả dối và đầu tư chất xám vào những trò mờ ám khác như chế sơn kỵ nước hay kim cương nhân tạo. Tài nghệ tổ chức hội thảo khoa học cũng vô dụng, sau khi một chuyện vớ vẩn tình cờ bị tiết lộ và Albert Einstein thẳng thừng cấm dùng tên ông cho Quỹ Tomarkin. Cùng lúc đó, bà chủ cho Tomarkin thuê nhà đã nhờ Einstein can thiệp hộ, vì Tomarkin quỵt của bà 500 franc tiền nhà!
Tomarkin chuồn sang Mỹ và sống tiếp ở đó đến 1967, nghe nói khá thành công, ở vị trí một kẻ chém gió kiệt xuất và... vô lương tâm.
Doan Truong
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất