Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch, ghi nhận tổng cộng hơn 5 triệu ca mắc. Đặc biệt, đợt dịch thứ 3 và thứ 4, kéo dài từ tháng 1/2021 đã tác động nặng nề đến kinh tế và xã hội ở nước ta.

Nhận thấy rõ tầm quan trọng của vaccine trong công cuộc phòng, chống dịch COVID-19, ngay từ sớm, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế đã rất tích cực thúc đẩy đàm phán, trao đổi để có thể nhập khẩu vaccine từ các nguồn khác nhau, cùng việc khẩn trương đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất vaccine trong nước.

Đến ngày 8/3/2021, những mũi tiêm đầu tiên vaccine AstraZeneca phòng COVID-19 đã được triển khai tiêm cho cán bộ tuyến đầu chống dịch tại 3 địa phương: Hà Nội (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), TP.HCM (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM) và tỉnh Hải Dương (Trung tâm Y tế TP. Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành).

Empty

Điều đáng nói, tại thời điểm đó, nguồn cung vaccine phòng COVID-19 trên toàn cầu còn rất hạn chế. Vaccine được ưu tiên tiêm miễn phí cho các đối tượng theo đúng Nghị quyết 21 của Chính phủ và đối tượng trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19. Nguồn kinh phí thực hiện được đảm bảo theo phân cấp ngân sách nhà nước, bên cạnh nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Đến nay, nước ta đã phê duyệt khẩn cấp 9 loại vaccine phòng COVID-19, gồm: AstraZeneca, Sputnik V, Vero Cell, Pfizer, Moderna, Janssen, Hayat-Vax, Abdala và Covaxin.

Về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm lâm sàng vaccine trong nước, Bộ Y tế cho biết hiện có các ứng viên vaccine như Nanocovax, COVIVAC, ARCT-154, HIPRA, Sputnik V, vaccine do Công ty Shionogi (Nhật Bản) phát triển.

Empty

Tròn 1 năm kể từ những mũi tiêm đầu tiên, đến ngày 8/3/2022, Việt Nam đã triển khai tiêm gần 198,3 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Cập nhật đến sáng ngày 12/3/2022, con số này đã tiến rất sát mốc 200 triệu liều.

Empty

Ngày 10/7/2021, Thủ tướng Chính phủ phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử cho 75 triệu người dân Việt Nam. Đây là chiến dịch có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại nước ta, huy động tổng lực cùng tham gia với hàng chục nghìn cơ sở y tế, hàng vạn cán bộ y tế và các lực lượng khác trong cả nước. Chiến dịch được triển khai trong bối cảnh đợt dịch thứ 4 do biến thể Delta đang diễn ra phức tạp, khó lường.

Mục tiêu của chiến dịch này là tiêm cho khoảng 75 triệu người với 150 triệu mũi tiêm trong nửa cuối của năm 2021 và đầu năm 2022. Nhờ sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, nỗ lực của ngành y tế, đến cuối tháng 12/2021, Việt Nam đã tiêm chủng chạm mốc 150 triệu liều vaccine. Nhờ đó, đã có 100% người từ 18 tuổi trở lên tiêm ít nhất 1 liều vaccine và 90% người tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19. 

2 năm đại dịch không chỉ ảnh hưởng tới người trưởng thành mà còn gián đoạn nghiêm trọng việc học tập của học sinh, sinh viên. Trước nhu cầu cấp bách là “mở cửa trường học an toàn”, đến tháng 10/2021, Việt Nam mở rộng đối tượng tiêm chủng là trẻ 12-17 tuổi theo khuyến cáo và cập nhật từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). TP.HCM là địa phương đầu tiên bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Ngành y tế khẳng định, yêu cầu hàng đầu trong tổ chức tiêm chủng cho trẻ em là đảm bảo an toàn.

Tháng 3/2022, Bộ Y tế phê duyệt cấp bách vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi. Chính phủ đã đồng ý mua gần 22 triệu liều vaccine COVID-19 của Pfizer để tiêm cho trẻ em trong độ tuổi này, thủ tục mua vaccine cơ bản đã hoàn tất.

Empty

Như vậy, trước lộ trình tiến tới bình thường hóa với đại dịch, nước ta đã thận trọng, từng bước mở rộng đối tượng tiêm chủng, “tiêm đến đâu an toàn đến đấy” để đạt tỷ lệ bao phủ vaccine cao. Đây là minh chứng cho những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, góp phần hiệu quả trong việc thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch COVID-19.

Đánh giá công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 trong nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, chiến dịch tiêm vaccine của chúng ta thành công, đạt tỷ lệ bao phủ rất cao so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Về công tác điều trị, chúng ta đã kết hợp hài hòa, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả giữa điều trị tại cơ sở y tế và điều trị tại nhà, kiểm soát rủi ro; Đang đi đúng hướng, từng bước chứng tỏ hiệu quả rõ rệt.

Empty

Thủ tướng nhấn mạnh, thực tiễn đã khẳng định vaccine là "lá chắn" an toàn nhất trong phòng, chống dịch. Tiêm vaccine sớm hơn, tăng cường mũi thứ 3 thì sẽ an toàn hơn và việc bảo đảm thuốc chữa bệnh kịp thời đã góp phần ngăn chặn chuyển nặng, tử vong. Ngành y tế cũng đã có các chiến dịch củng cố “lá chắn” này với vaccine bổ sung, tăng cường dành cho đối tượng có nguy cơ cao.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Vaccine hiện nay đặc biệt hiệu quả trong giảm mức độ nặng, ca tử vong và nhập viện. Vì vậy việc tiêm chủng phải được coi là ưu tiên hàng đầu.” Ông thông tin thêm, hệ thống y tế vẫn đang trụ vững, tăng cường năng lực hồi sức và điều trị các ca nặng. Bộ Y tế đang tiến hành từng bước, hướng tới điều trị COVID-19 như điều trị bệnh nhân thông thường.

Empty

Đặc biệt, số ca mắc trong thời gian gần đây tăng lên chủ yếu do biến thể phụ BA.2 của Omicron (đã xuất hiện ở gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ), chiếm gần 90% tổng số các mẫu phát hiện ở trong nước. Trước nguy cơ tái nhiễm của biến thể Omicron, việc thực hiện Thông điệp 5K + Vaccine + Thuốc điều trị và ý thức người dân, rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch.

Empty
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn