Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Huy Dung - Tấm gương lao động và sáng tạo

Là một trong những tiến sĩ y khoa đầu tiên của Việt Nam (tốt nghiệp bác sĩ tại Đại học Moskva Pirogov năm 1959, bảo vệ tiến sĩ tại Viện Tim của Viện Hàn lâm khoa học y toàn Liên Xô năm 1963), bác sĩ Nguyễn Huy Dung là một tấm gương sáng về lao động và sáng tạo. Từ năm 1966, bác sĩ đã được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho Bác Hồ. Chính ông là người đã luôn cận kề bên Bác cho đến khi Bác trút hơi thở cuối cùng. Sau này, với cương vị Ủy viên Hội đồng sức khỏe Nhà nước, ông đã góp phần không nhỏ vào việc chăm sóc sức khỏe các lãnh đạo trung ương.

Bác sĩ Nguyễn Huy Dung (hàng ngồi thứ hai từ phải qua) cùng bộ môn Nội tổng quát - Khoa Y - ĐH Y Dược TPHCM.

Đầu đàn trong nghiên cứu khoa học

Ông là người rất có trách nhiệm với nghề nghiệp của mình. Ông nghiên cứu chuyên sâu về nội khoa và tim mạch học. Phần lớn thời gian của mình, ông dành cho các công trình khoa học. Bước vào ngành y, ông có hai công trình lớn là “Nghiên cứu đột quỵ do xuất huyết não ở Việt Nam” (1963 - 1967) và “Bệnh sốt thấp cấp ở Việt Nam” (1964 - 1970). Ngoài ra, những năm sau này, ông còn nghiên cứu thêm hai vấn đề chính là “Nghiên cứu về tiên lượng cho từng nhóm bệnh nhân tăng huyết áp” và “Phối hợp trị liệu cho các bệnh tim mạch”. Những đánh giá và tiên đoán của ông đã giúp các bác sĩ rất nhiều trong hiểu sâu và điều trị bệnh tăng huyết áp bởi vào thời điểm đó, y học thế giới vẫn chưa tìm ra giải pháp cho vấn đề này.

Ông cũng là người đã chỉ ra 3 điểm còn hạn chế của “Bảng phân tầng nguy cơ tăng huyết áp” của Ủy ban Liên quốc gia về phòng chống, bảo vệ, đánh giá và điều trị bệnh tăng huyết áp, trong khi bảng này được đánh giá khá cao trên thế giới. Chỉ một năm sau đó, những tiên đoán của ông đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bổ sung đầy đủ trong bảng phân tầng mới. Cuối thế kỷ 20, khi nghiên cứu về “phối hợp trị liệu”, ông cho rằng đây là điều tất yếu trong thế kỷ mới. Và đến bây giờ, dự đoán xu hướng ấy hoàn toàn chính xác.


Tận tâm khám chữa bệnh

Tôi đã có lần được quan sát ông chữa bệnh. Ông khám rất tận tình và vô cùng thận trọng khi kê toa cho bệnh nhân. Ở tuổi của ông, với kiến thức và kinh nghiệm, ông có thể kê toa rất nhanh nhưng ông luôn suy xét lâm sàng cụ thể và lịch sử bệnh án của mỗi hoàn cảnh người bệnh. Ông chọn trường phái lấy chẩn đoán tỉ mỉ và chính xác làm gốc, lấy cập nhật hiện đại để tạo chữa trị tốt nhất cho bệnh nhân, lấy “nhân y” làm phương hướng.

Không chỉ tham gia khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, Giáo sư Nguyễn Huy Dung còn tích cực tham gia công tác giảng dạy cho sinh viên đại học (bao gồm cả bác sĩ nội trú), sau đại học (có làm luận án thạc sĩ, tiến sĩ). Ông cũng đã có thời gian dài giảng dạy bằng tiếng Pháp cho sinh viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM. Ông thực sự rất yêu nghề giáo (ông khởi đầu từ năm 1950 khi đỗ tú tài ra dạy cấp 2, rồi suốt thời gian làm thầy thuốc 1959 - 2012). Ông bảo mỗi lần đứng lớp cứ như một ngày hội. Nghề giáo đòi hỏi ông phải đọc nhiều và luôn cập nhật những thông tin y khoa mới nhất. Những loại thuốc hiện nay được khen tốt nhất thì có thể ngày sau người ta đã phát hiện ra những tác dụng phụ đáng sợ của nó. Y khoa là ngành có những thay đổi hàng ngày, hàng giờ. Bài giảng của ông luôn đầy ắp những thông tin mới. Chuyên khoa tim mạch thế giới đã có những tiến bộ như vũ bão và ông cũng đã mạnh dạn đưa các vấn đề lớn vào bài giảng và lồng ghép những dự đoán của mình, nên bài giảng của ông luôn sinh động, không lạc hậu so với thực tiễn y học và còn có những chỗ nắm bắt trước được xu thế. Ông rất cẩn trọng khi sử dụng ngôn ngữ chuyên môn, triệt để sửa đúng danh pháp tim mạch học đã được thông qua và thống nhất trên cả nước để góp phần chăm chút cho sự tinh tế và trong sáng của ngôn ngữ khoa học. Kết thúc mỗi bài giảng luôn là 10 phút thảo luận giữa thầy và trò. Các bài giảng của ông đã được Nhà xuất bản Y học tập hợp lại và in thành sách “22 bài giảng nội khoa tim mạch”. Từ năm 2000 đến nay, sách này đã tái bản đến 5 lần và có mặt trong 10 trường đại học trên cả nước. Ngoài ra, giáo sư đã cho in nhiều sách chuyên khảo hoặc sách giáo khoa về tim mạch học, nội khoa.

Bên cạnh việc giảng dạy, giáo sư còn tham gia đào tạo lâm sàng, nghiên cứu khoa học cho sinh viên đại học và bác sĩ hệ sau đại học, hướng dẫn và góp ý luận văn từ chuyên khoa I, thạc sĩ và chuyên khoa II, cho tới luận án tiến sĩ. Ông là thành viên hội đồng thi cho hàng trăm luận văn nội trú, chuyên khoa I, thạc sĩ và chuyên khoa II. Ông cũng ngồi ghế chủ tịch hội đồng cho gần 30 luận án tiến sĩ tim mạch học. Trong cuộc đời dạy học của mình, Giáo sư Tiến sĩ Bác sĩ Nguyễn Huy Dung đã hơn 20 năm liên tục đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi.

Năm nay đã 83 tuổi, nhưng Giáo sư Tiến sĩ Bác sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Huy Dung vẫn còn rất minh mẫn và hàng ngày vẫn miệt mài hiệu đính sách khoa học...

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất