Empty
Empty

Tháng 3/2024 vừa qua, tin tốt về thú nuôi là “Petfair Vietnam 2024 - Triển lãm về ngành công nghiệp Thú cưng”, với quy mô quốc tế đầu tiên tại Việt Nam. Tại đây, người ta công bố những số liệu như mơ: “Năm 2022, thị trường sản phẩm tiêu dùng cho vật nuôi trong gia đình có tổng giá trị toàn cầu 261 tỷ USD. Riêng thị trường thú nuôi Việt Nam hiện nay, theo nguồn tin trên, đã đạt tới nửa tỷ đô-la”.

Nhưng qua tháng 4, thì chỉ toàn tin xấu về thú nuôi. Tháng 4/2024 tháng nóng nhất mà tôi từng biết ở Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, và càng nóng hơn khi nhiều ngày theo dõi tin và phóng sự về nạn thả rông chó ngoài đường, gây ra nhiều cái chết đáng thương.

Thú thật, tôi không phải là người yêu chó, mà rất sợ chó, có lẽ nguyên nhân sâu xa là khi còn nhỏ tôi sống trong làng quê, nơi nhà nào cũng nuôi chó và, không ít lần tôi bị chó… rượt vì nghịch phá. Hơn nữa, thời sinh viên, tôi thường bị những con bẹc-giê sủa dọa mỗi khi bấm chuông xin việc gia sư . Tôi rất ghét những nhà có treo biển “Nhà có chó dữ”. Tất nhiên, đó là những con chó cưng, chỉ dữ với người ngoài.

Nhưng các con cháu tôi thì mê chó khỏi nói. Lần đầu tiên, tôi thấy con trai, lúc đó chừng 14 tuổi, rất buồn, vì chú chó cưng trong nhà tự nhiên ốm, bỏ ăn, và khi gần chết, nó cố lết ra vườn nằm chết một mình, như nó sợ phiền người khác. Sau này mới biết là nó đã ăn phải xác pháo tết vì những năm đó còn được phép đốt pháo.

Empty

Dù sao, đó cũng chỉ là cảm tính. Còn các nhà khoa học Nhật Bản cố gắng chứng minh bằng các nghiên cứu thực nghiệm và kết quả ban đầu rất lạc quan. Nghiên cứu này xem xét sự khác biệt về chi phí y tế và chăm sóc dài hạn trong 18 tháng trong số những người già nuôi thú cưng và người già không nuôi thú cưng ở Nhật. Dữ liệu về quyền sở hữu thú cưng được thu thập từ 460 người lớn sống trong cộng đồng từ 65 tuổi trở lên. Những dữ liệu này khớp với dữ liệu từ Bảo hiểm Y tế Quốc gia, bảo hiểm y tế cho người lớn tuổi và những người thụ hưởng Bảo hiểm Chăm sóc Dài hạn trong 17 tháng kể từ cuộc khảo sát về quyền sở hữu thú cưng. Quỹ đạo cụ thể của nhóm sở hữu vật nuôi trong chi phí y tế hàng tháng và chăm sóc dài hạn được mô hình hóa bằng phương trình ước tính tổng quát.

Trong số những người nuôi thú cưng (n = 96, 20,9%) và những người không nuôi thú cưng (n = 364, 79,1%) không có sự khác biệt đáng kể về các đặc điểm nhân khẩu học hoặc sức khỏe cơ bản bao gồm bệnh mãn tính và mức độ chăm sóc dài hạn tự khai. Lúc đầu, những người nuôi thú cưng ước tính chi phí y tế hàng tháng là 418 USD, so với 367 USD đối với những người không nuôi thú cưng. Chi phí y tế hàng tháng không khác biệt đáng kể giữa hai nhóm trong thời gian theo dõi 18 tháng. Tại thời điểm ban đầu, chi phí chăm sóc dài hạn hàng tháng ước tính của người nuôi thú cưng và người không nuôi thú cưng lần lượt là 6 USD và 12 USD. Trong thời gian theo dõi, tỷ lệ chi phí chăm sóc dài hạn hàng tháng giữa người không nuôi thú cưng và người có nuôi thú cưng tối thiểu là 1,2 và tối đa là 2,3. Nghiên cứu này cho thấy chi phí chăm sóc dài hạn hàng tháng của những người nuôi thú cưng chỉ bằng khoảng một nửa so với những người không nuôi thú cưng. Nghĩa là những người lớn tuổi nuôi thú cưng ít phải tốn tiền chữa bệnh hơn là những người không nuôi thú cưng.

Nghiên cứu trên đưa ra kết luận: Tương tác giữa con người và động vật (HAI: human-animal interaction) là thuật ngữ chỉ các mối quan hệ cùng có lợi tiềm tàng nảy sinh giữa con người và động vật. Bằng chứng cho thấy những người tương tác với động vật có mức độ hoạt động thể chất cao hơn, sức khỏe tinh thần tốt hơn và mức độ cô lập xã hội thấp hơn, so với những người không tương tác với động vật. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tác động của tương tác người - vật đối với người lớn tuổi bao gồm tăng cường các hoạt động bình thường trong cuộc sống hàng ngày, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong, đồng thời tăng tỷ lệ sống sót. 

Empty

Thú cưng và con người đã chung sống cùng nhau hàng nghìn năm như sử gia Harari khẳng định, nhưng khi thú cưng chuyển vào nhà, mối quan hệ đã có những thay đổi phi thường. Trong hai mươi năm qua, nghiên cứu y học ngày càng chứng minh tác dụng chữa bệnh của thú cưng đối với người bệnh, người già, người căng thẳng và người không có cảm xúc. Nghiên cứu cho thấy những người nuôi thú cưng ít phải đến gặp bác sĩ hơn và hồi phục nhanh hơn sau khi mắc bệnh nặng.

Trong cuốn “Sức mạnh chữa lành của thú cưng”, Tiến sĩ Marty Becker, bác sĩ thú y, cho độc giả thấy thú cưng có thể ngăn ngừa, phát hiện, điều trị và trong một số trường hợp chữa khỏi nhiều loại bệnh tật, từ viêm khớp đến hen suyễn và từ Alzheimer đến trầm cảm. Thú cưng làm giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch, thúc đẩy những người chủ ít vận động tập thể dục và giúp mọi người đối phó với cơn đau mạn tính. Ngoài ra, cuốn sách còn cung cấp những câu chuyện có thật cảm động về những con vật cưng đã làm giàu - thậm chí cứu sống chủ nhân, để tiết lộ những lợi ích lâu dài về thể chất, tình cảm và xã hội của mối quan hệ giữa con người và động vật.

Empty

Bạn đừng quên rằng tổ tiên chúng ta từng coi động vật được thuần hóa không chỉ là thú cưng mà là “người nhà”. Dân số các quốc gia lúc đó là được tính có bao nhiêu người và bao nhiêu vật nuôi. Ví dụ: Theo báo cáo mới nhất (30/10/2023) của Tổ chức “Những người bạn của động vật New Zealand”, thì hiện nay dân số nước ngày có: trên 5 triệu người và có 850.000 con chó, 1,2 triệu con mèo, 120.000 con thỏ, 70.000 con ngựa và 1,37 triệu con cá kiểng”. Theo cách tính dân số này chúng ta cũng có thể nói: Dân số Việt Nam là gần 100 triệu người, và có 7,5 triệu chó, mèo, khoảng 523,6 triệu con gia cầm…

Empty

Nhiều tác giả đã viết sách kêu gọi bảo vệ môi trường thông qua cách chúng ta yêu thương và “ sử dụng” các động vật thuần hóa. Như tiến sĩ Henry Mance, tác giả cuốn “How to love animals in a human-shaped world” – (Làm thế nào để yêu động vật trong thế giới của con người)

Để viết cuốn sách này, tác giả Henry Mance đã xin vào làm việc một thời gian ngắn ở lò mổ. Khi chứng kiến những con cừu bị rạch cổ họng rồi treo lên, vẫn co giật, từ những chiếc móc kim loại trên đường ray có động cơ, Mance tự hỏi: “Làm thế nào mà con người lại tàn ác đến vậy?”. Và cuốn sách của ông là nỗ lực trả lời câu hỏi đó cũng như khám phá thái độ của chúng ta đối với vật nuôi, và động vật hoang dã đã thay đổi như thế nào trong suốt lịch sử: “Tôi muốn biết liệu tình yêu của tôi dành cho động vật có được phản ánh qua cách tôi cư xử hay không, hay tình yêu đó chỉ có khi xem phim hay đọc sách về động vật.”

Việc ăn thịt được hình thành bởi văn hóa, vì trẻ em bắt đầu ăn thịt trước khi đủ lớn để thắc mắc về thói quen này. Để hiểu được sự phổ biến của các vườn thú, Henry Mance đã nói chuyện với Damian Aspinall, chủ của hai công viên safari. Hàng năm ở Anh và Ireland, có 32 triệu người đến thăm các sở thú, tuy nhiên, Mance nói, “Chúng ta đang làm ô nhiễm tâm trí của trẻ em” bằng việc trưng bày động vật hoang dã bị giam cầm này. Rõ ràng, người Mỹ chi 95 tỷ USD mỗi năm cho động vật.

Mance lập luận rằng mối quan hệ của chúng ta với động vật đầy mâu thuẫn và bị chi phối hoàn toàn bởi “truyền thống và quán tính”. Ông viết: “Chúng tôi khá vui mừng khi chấp nhận rằng khoảng 1,5 tỷ con lợn - những sinh vật phức tạp về tinh thần và xã hội - sẽ bị giết trong năm nay trên khắp thế giới, nhưng coi việc giết thịt một con chó là một sự xúc phạm”. Tại sao? Bởi vì, chó là thú nuôi đầu tiên trong lịch sử.

Empty

Bức ảnh tại Bảo tàng Tiền sử Thượng Galilee, Ai cập, mà sử gia Yuval Noah Harari đăng lại với chú thích: “Phải chăng đây là thú cưng đầu tiên của lịch sử?”. Một ngôi mộ 12.000 năm tuổi được tìm thấy ở miền bắc Israel. Nó chứa bộ xương của một người phụ nữ năm mươi tuổi bên cạnh bộ xương của một chú chó con (góc dưới bên trái). Đây có thể là thú cưng đầu tiên của lịch sử. Chú chó con được chôn gần đầu người phụ nữ. Tay trái của cô ấy đặt lên con chó một cách đầy tình cảm. Tất nhiên, có những cách giải thích khác. Có lẽ, chẳng hạn, chú chó con là một món quà dành cho người gác cổng của thế giới tiếp theo” .

Theo sử gia Yuval Noah Harari, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Con người tinh khôn” (Homos Sapiens) thì chó là loài duy nhất nhận biết được nhu cầu và cảm xúc của người bạn đồng hành là con người, đổi lại chúng được con người chăm sóc và cho ăn ngon hơn và có nhiều khả năng sống sót hơn. Đồng thời, chó cũng học cách buộc con người thỏa mãn nhu cầu của chúng. Mối liên kết 15.000 năm đã mang lại sự hiểu biết và tình cảm sâu sắc hơn nhiều giữa con người và loài chó so với giữa con người và bất kỳ loài động vật nào khác. Trong một số trường hợp, chó chết thậm chí còn được chôn cất theo nghi lễ, giống như con người. Những nghi lễ này còn lưu truyền cho đến ngày nay.

Empty

Khi còn đi học tại Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ, tôi từng ngạc nhiên khi đến thăm các nghĩa trang thú cưng (các đồng bào Việt ở Mỹ gọi là nghĩa địa chó mèo) và càng ngạc nhiên khi thấy có những ngôi mộ được xây rất đẹp, và có những tấm bia ghi tên, ngày sinh, ngày chết của thú cưng và thậm chí danh sách con cái, anh chị em của chúng… Tại Hà Nội cũng có một nghĩa trang chó mèo nằm trên phố Trương Định, gọi là chùa “Tề Đồng Vật Ngã”, dành 2.000 mét vuông làm nơi yên nghỉ của hơn 5.000 chú thú cưng (theo báo Pháp Luật Việt Nam 11/4/2019). Cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng viết về ông chủ nghĩa trang chó mèo này, tức là nhà thơ dân gian Nguyễn Bảo Sinh, với biệt danh mà ông không hề giận: “Sinh chó” (VTC News: (23/10/2023) “Ông lão 83 tuổi và nghĩa trang thú cưng có một không hai ở Việt Nam”). Thật là đáng yêu!

Tuy vậy, sự đáng yêu đó cũng không hề gây cho tôi cảm giác ghét bỏ khi nghĩ đến những cửa hàng thịt chó trên đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh - khu phố tập trung đông người Hàn Quốc đến làm ăn, sinh sống, học tập tại thành phố lớn nhất nước. Sau này đọc cuốn “Tại sao chúng ta yêu chó, ăn thịt heo, và mặc đồ (da) bò” của tác giả Marian Joy, tôi càng xác định đó chỉ là vấn đề văn hóa: Ăn thịt thú hay cưng thú mà thôi! Ví như trong văn hóa của người Việt chúng ta “chó” là một từ dùng để thóa mạ, hay khinh miệt người khác. Khi người ta chửi “đồ chó” thì từ đó có thể là mồi lửa gây ra một đám cháy của thù ghét, ẩu đả, có khi dẫn đến chết người. Tôi đã bị mặc cảm tự ti này dày vò không ít, khi có lần cùng nhóm ứng viên tiến sĩ ở Đại học Washington được mời dự một tiệc tối ở San Francisco. Kết thúc bữa tiệc, trên bàn còn thừa nhiều đồ ăn. Một bà cựu thượng nghị sĩ nói đại ý: Các bạn có cần mang thức ăn thừa về nhà không? Hầu hết chúng tôi, lúc đó là sinh viên châu Á, không ai muốn lấy thức ăn thừa. Bà nghị sĩ nói: “Thôi, để tôi mang về cho chó của tôi”. Không ai để ý câu nói của bà. Tôi thì có. Mặt tôi nóng bừng, nhưng may tôi kềm chế được, nhưng cảm giác bị người Mỹ coi thường vẫn đeo đẳng tôi mỗi khi nhớ lại. Tất nhiên sau này tôi tự xin lỗi thầm bà nghị sĩ vì nỗi tức giận tự ti do văn hóa coi “chó’ là loài hạ đẳng của mình. Lúc đó, tôi chưa biết người Phương Tây cưng chó còn hơn con của mình. Nữ minh tinh màn bạc lùng danh một thời là Brigide Bardot từng từ chối nuôi con trai để dành thời gian nuôi chó mèo và đấu tranh bảo vệ thú cưng. 

Empty

Cũng theo sử gia Yuval Noah Harari, mặc dù tổ tiên loài chó là sói hoang vẫn còn lang thang trên trái đất, nhưng có hơn 400 triệu con chó được thuần hóa. “Hiện nay thế giới có 40.000 con sư tử so với 600 triệu con mèo nhà; 900.000 con trâu châu Phi so với 1,5 tỷ con bò thuần hóa; 50 triệu con chim cánh cụt và 20 tỷ con gà. Kể từ năm 1970, mặc dù nhận thức về sinh thái ngày càng tăng, quần thể động vật hoang dã đã giảm một nửa. Năm 1980 có 2 tỷ con chim hoang dã ở châu Âu. Năm 2009 chỉ còn lại 1,6 tỷ. Cùng năm đó, người châu Âu nuôi 1,9 tỷ con gà để lấy thịt và trứng”.

Empty

Nếu bạn xem kênh National Geographic, xem một bộ phim của Disney hoặc đọc một cuốn truyện cổ tích, bạn có thể dễ dàng có ấn tượng rằng hành tinh này chỉ có sư tử, chó sói và hổ, những loài ngang hàng với con người chúng ta. Vua sư tử Simba thống trị các loài thú rừng; Cô bé quàng khăn đỏ cố gắng trốn tránh Sói xấu lớn; và bé Mowgli dũng cảm đối đầu với hổ Shere Khan. Nhưng trên thực tế, những con vật này không còn ở đó nữa.

 

Empty
Empty
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa