Vài nét về lịch sử
Từ thế kỷ 17, khi kính hiển vi vừa được ứng dụng vào y học, các thấy thuốc đã sử dụng nó để quan sát trực tiếp các tiêu bản ký sinh trùng và tìm ra bệnh cái ghẻ, rận, trứng của các loài giun sán như giun đũa, móc, giun kim, sán dải heo, sán đầu cát trên các bệnh nhân ở các nước châu Âu hoặc các nước thuộc địa của châu Âu. Như vậy khởi đầu, bệnh ký sinh trùng được chẩn đoán nhờ vào soi trực tiếp bệnh phẩm dưới kính hiển vi để tìm ký sinh trùng ở đường ruột và ngoài da. Bệnh phẩm để tìm ký sinh trùng thường là phân, vảy da, máu.
Đến thế kỷ 20, việc chẩn đoán trực tiếp bệnh ký sinh trùng có những bước tiến nhảy vọt nhờ vào sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật, các phương tiện hiện đại như máy X-quang, máy siêu âm, máy chụp cắt lớp CT-Scan, MRI, đã góp phần đáng kể trong việc phát hiện ra những nang kén ký sinh trùng lạc chỗ trong cơ thể như ở gan, cơ, mắt, não, tủy sống…
Ngoài phương pháp chẩn đoán bệnh ký sinh trùng trực tiếp như soi phân, chẩn đoán hình ảnh, người ta còn dùng phương pháp gián tiếp để phát hiện kháng thể kháng ký sinh trùng trong máu. Đây là phương pháp giúp tìm ra các bệnh ký sinh trùng lạc chỗ, lạc chủ khi mà các phương pháp trực tiếp không thể phát hiện được hoặc phát hiện được mà không xác định được loại ký sinh trùng gì. Phương pháp gián tiếp để phát hiện kháng thể kháng ký sinh trùng đặc hiệu trong máu bệnh nhân là phương pháp huyết thanh miễn dịch men (ELISA: enzyme linked immunosorbent assay), nó còn được dùng để phát hiện kháng nguyên của ký sinh trùng. Phương pháp này ra đời từ thập niên 60 của thế kỷ 20, được nhiều nhà nghiên cứu Anh, Mỹ, Đức, Pháp, Nhật Bản liên tục phát triển và điều chỉnh phản ứng để chẩn đoán cho từng loại ký sinh trùng. Đến nay, hầu hết các bệnh viện trên thế giới đều sử dụng phương pháp này để tầm soát bệnh ký sinh trùng trong cộng đồng, để chẩn đoán bệnh và có cơ sở điều trị đặc hiệu.
Tuy nhiên không phải bất kỳ loại ký sinh trùng nào cũng được chẩn đoán bằng phương pháp gián tiếp. Đối với các loại ký sinh trùng đường ruột như amip, giun đũa, giun móc, giun tóc, giun kim, sán lá ruột, sán lá phổi, sán dải cá, sán dải heo, sán dải bò… thì phải tìm trứng của giun sán hoặc đốt sán trong phân bằng cách soi phân trực tiếp. Những ký sinh trùng này thường không xâm nhập vào mô ký chủ mà nằm trong ống tiêu hóa nên không tạo ra kháng thể đặc hiệu, do đó không thể thử máu (ELISA) để phát hiện ra ký sinh trùng.
Vấn đề thử máu tìm ký sinh trùng chỉ cần thiết khi các thầy thuốc nghi ngờ bệnh nhân có ký sinh trùng lạc chỗ trong cơ thể
Đối với các ký sinh trùng lạc chỗ, lạc chủ như bệnh gạo heo ở não, mắt, ở dưới da (cysticercosis), bệnh áp xe ngoài da do giun Gnathostoma spinigerum, bệnh Toxocara canis ở mắt, não, bệnh nhiễm giun lươn, bệnh áp xe gan do amip (Entamoeba histolytica) hoặc do sán lá lớn ở gan (Fasciola hepatica), tất cả chúng đều đi xuyên qua mô cơ thể, theo máu đến các cơ quan nên tạo ra kháng thể IgM và IgG đặc hiệu. Do đó người ta thường dùng phương pháp ELISA để xác định bệnh nhân có tiếp xúc với các loại ký sinh trùng này hay không?
Bên cạnh đó, còn phải theo dõi công thức máu để xem bạch cầu toán tính có gia tăng hay không (> 5% hoặc trị số tuyệt đối trên 300/mm3) cũng là yếu tố để phối hợp chẩn đoán.
Để có chẩn đoán xác định, thầy thuốc phải biết phối hợp nhiều phương pháp chẩn đoán như: dịch tễ học, triệu chứng lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, kỹ thuật ELISA, sinh thiết mô bị ký sinh trùng xâm nhập để làm giải phẫu bệnh lý,
Khi nào cần thử máu?
Như vậy, vấn đề thử máu tìm ký sinh trùng là phương pháp nhanh, ít xâm lấn và có thể tầm soát nhiều loại ký sinh trùng lạc chỗ, lạc chủ, tuy nhiên nó chỉ cần thiết khi các thầy thuốc nghi ngờ bệnh nhân có ký sinh trùng lạc chỗ trong cơ thể. Thử máu (ELISA) không có ý nghĩa để tìm các ký sinh trùng đặc hiệu của người tại đường ruột như: amip, trùng bào tử, giun đũa, giun móc, giun tóc, giun kim, sán lá ruột, sán lá phổi, sán dải cá, sán dải heo, sán dải bò… Muốn tìm các ký sinh trùng này phải dùng phương pháp soi phân trực tiếp.
Mặt khác, vì là tìm kháng thể kháng ký sinh trùng nên kết quả ELISA chỉ phản ánh bệnh nhân đã từng tiếp xúc với ký sinh trùng, không xác định được bệnh đã nhiễm lâu hay mới nhiễm, bệnh đang hoạt động hay chỉ là người mang kháng thể… Do đó để có thể chỉ định và lý giải được kết quả huyết thanh chẩn đoán bệnh ký sinh trùng, cần phải gặp thầy thuốc chuyên khoa.
Bình luận của bạn