Chỉ cách đòi tiền cho "nạn nhân" của 5 công ty đa cấp

Nạn nhân công ty đa cấp lừa đảo và giải thể công ty đòi quyền lợi như thế nào?

Loạn thị trường, nhiều công ty đa cấp sớm rời cuộc chơi

Hậu Liên Kết Việt, 4 công ty đa cấp bị “trảm” vì sao?

Con Đường Việt, New Power, Đại Hưng 668 và TNC bị rút giấy phép đa cấp

Lừa gần 5 vạn người và 2 nghìn tỷ đồng sau 1 năm

Theo cơ quan quản lý, trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước hoạt động bán hàng đa cấp, Bộ Công Thương thông qua Cục Quản lý cạnh tranh có thể sẽ ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp (Giấy chứng nhận) của một số doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Việc thu hồi Giấy chứng nhận của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp không giải phóng các doanh nghiệp này khỏi các nghĩa vụ của mình trước pháp luật, trong đó có nghĩa vụ bảo đảm quyền lợi chính đáng của các nhà phân phối và người tham gia bán hàng đa cấp trong mạng lưới bán hàng đa cấp của doanh nghiệp.

Để bảo đảm quyền lợi của mình trong trường hợp doanh nghiệp bán hàng đa cấp bị thu hồi Giấy chứng nhận, các nhà phân phối và người tham gia bán hàng đa cấp có thể tiến hành các bước sau:

Bước 1: Nhanh chóng liên hệ với doanh nghiệp theo địa chỉ ghi tại hợp đồng ký kết với doanh nghiệp để yêu cầu giải quyết quyền lợi

Theo quy định của Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, các nhà phân phối và người tham gia bán hàng đa cấp có quyền:

1. Yêu cầu doanh nghiệp mua lại hàng hóa, bao gồm cả hàng hóa được bán theo chương trình khuyến mại, khi đáp ứng các điều kiện sau: Hàng hóa còn hạn sử dụng; Hàng hóa còn nguyên bao bì, tem, nhãn; Yêu cầu mua lại được thực hiện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hàng.

Doanh nghiệp có nghĩa vụ hoàn lại không thấp hơn 90% khoản tiền mà nhà phân phối/người tham gia bán hàng đa cấp đã trả để nhận được hàng hóa đó (có thể khấu trừ tiền hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác đã trả cho nhà phân phối liên quan đến lượng hàng hóa được trả lại đó).

2. Yêu cầu doanh nghiệp thanh toán toàn bộ các khoản hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác phát sinh trong quá trình tham gia hoạt động BHĐC mà doanh nghiệp chưa chi trả.

3. Yêu cầu doanh nghiệp giao hàng hóa cho mình nếu đã thanh toán tiền hàng nhưng chưa nhận hàng.

Bước 2: Liên hệ với cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp nhà phân phối/người tham gia bán hàng đa cấp đã liên hệ và thực hiện Bước 1 nhưng doanh nghiệp không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng: Nếu có lý do để cho rằng doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo hoặc vi phạm pháp luật hình sự, nhà phân phối/người tham gia bán hàng đa cấp cần trình báo ngay với cơ quan công an để được bảo vệ; Nhà phân phối/người tham gia bán hàng đa cấp có thể nộp đơn đến cơ quan tòa án có thẩm quyền để khởi kiện và yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật trên cơ sở hợp đồng ký kết giữa các bên.

Trong quá trình bảo vệ quyền lợi của mình, nhà phân phối/người tham gia bán hàng đa cấp có thể liên hệ với Cục Quản lý cạnh tranh và các Sở Công Thương tại địa phương để được tư vấn, hỗ trợ.

Theo Luật sư Chu Mạnh Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Danh Chính, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), trên thực tiễn, việc các nạn nhân có nhận lại được đầy đủ giá trị tiền, tài sản đã bị chiếm đoạt hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Kết quả việc các cơ quan chức năng tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để truy tìm, thu hồi các khoản tiền, tài sản bị chiếm đoạt liên quan đến vụ án; Vị trí, vai trò, những quyền lợi họ đã nhận được trong quá trình tham gia vào mạng lưới... Ví dụ như trong vụ Liên kết Việt, tổng số tiền các đối tượng lừa đảo thu về ước tính khoảng 1.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, do đặc thù việc trả thưởng, trả hoa hồng của hoạt động lừa đảo dưới hình thức kinh doanh đa cấp nên trên thực tế, một phần số tiền trên có thể đã được chi trả dưới hình thức tiền thưởng, tiền hoa hồng...

Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra có thể xem xét khoản tiền nào được chi trả đúng quy định, khoản nào là chi trả bất hợp pháp, từ đó có các biện pháp thu hồi để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các nạn nhân. Thêm nữa, đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, pháp luật còn quy định Tòa án có quyền tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản của các đối tượng lừa đảo để đảm bảo quyền lợi cho những người bị hại.

Danh sách 5 doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy phép đầu năm 2016

1. Công ty Cổ phần Liên kết Sản Xuất Thương Mại Việt Nam (còn gọi là Liên kết Việt, trụ sở chính: Tầng 4, Tòa nhà 29T1 đường Hoàng Đạo Thúy, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nộ) chính thức bị Bộ Công Thương rút giấy phép hoạt động bán hàng đa cấp từ ngày 3/3.

2. Ngày 11/3, Cục Quản lý cạnh tranh thông báo quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty Cổ phần Sản xuất thương mại Con Đường Việt (còn gọi là Vietway, trụ sở chính: Số 6 ngách 43 ngõ 337 đường Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) .

3. Ngày 11/3, Cục Quản lý cạnh tranh đã thông báo quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tầm nhìn Đại Hưng 668 (trụ sở chính: T2, TN 25T1-N05 KĐT ĐN Trần Duy Hưng, đường Hoàng Đạo Thúy, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội)

4. Ngày 11/3, Cục Quản lý cạnh tranh đã thông báo quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Thương mại Quốc tế TNC (trụ sở chính: Số 33 Tổ 18 phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội).

5. Ngày 11/3, Cục Quản lý cạnh tranh đã thông báo quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty Cổ phần New Power Việt Nam (hiện nay đổi tên thành Công ty Cổ phần Trái tim Ngọc Việt, trụ sở chính: Số 9 Lô 5B đường Trung Yên 6, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội).

Biết Tuốt H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Kinh doanh - Tiêu dùng