TPCN mắc oan vì "vi cá gelatin", quảng cáo "nổ"


Những thùng thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, xuất xứ được cơ quan chức năng thu giữ mới đây

Tràn ngập hàng giả

Mới đây Đội 6 - Phòng Cảnh sát môi trường - CATP Hà Nội phối hợp với Đội QLTT số 1 - Chi cục QLTT Hà Nội bất ngờ kiểm tra một kho hàng ở phố Thái Hà, quận Đống Đa (Hà Nội), thu giữ gần 100 thùng thực phẩm chức năng giả nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong đó nhiều loại TPCN là viên nang sữa ong chúa, vi cá mập,... được quảng cáo giúp người dùng chậm lão hoá da, trị ung thư, xương khớp, tim mạch, huyết áp, tiểu đường. Theo điều tra ban đầu, chủ nhân của lô hàng trên đã mua sữa ong chúa, vi cá mập, cùng nhiều loại thực phẩm chức năng khác từ Trung Quốc qua cửa khẩu Lạng Sơn về đóng gói và dán nhãn xuất xứ từ Australia, Nhật, Mỹ giả mạo hàng xách tay rồi tuồn ra thị trường.

Đây không phải là lô hàng TPCN bị cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ lần đầu. Trước đó Cục ATTP - Bộ Y tế cũng đã thu hồi giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Khải Việt Hương được quảng cáo giúp cải thiện sinh lý cho nam giới do có chứa hoạt chất Sildenafil hàm lượng 4mg/g. Theo ông Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục ATTP thì Sildenafil là hoạt chất của thuốc điều trị rối loạn cương ở nam giới (Viagra). Thực phẩm bổ sung có chứa hoạt chất này có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng vì bản thân dược phẩm chứa sildenafil chỉ được sử dụng khi được bác sĩ kê đơn căn cứ vào tình trạng bệnh, lứa tuổi... Việc đưa trái phép chất này vào thực phẩm bổ sung có thể gây quá liều và gây tác dụng phụ không mong muốn cho người sử dụng.

Trước đó, Cục ATTP cũng đã thu hồi 3 loại TPCN là viên nang Phục linh nhãn hiệu Juji và Cishi (Qingguo capsule) do không đạt chỉ tiêu về hàm lượng sibutramine (hoạt chất dùng điều trị giảm cân, nhưng có nhiều tác dụng phụ và đã bị cấm). Ngoài ra, còn có TPCN có tên gọi The Utimate Gout Forrmula vì không đạt chỉ tiêu nấm mốc.

Điều khiến người tiêu dùng Việt Nam tỏ ra lo ngại hơn cả là gần đây cơ quan chức năng của Trung Quốc đã phát hiện vi cá mập được bán ở Bắc Kinh, Quảng Đông, Chiết Giang, Phúc Kiến làm từ hỗn hợp bột đậu, gelatin, natri và một số hoá chất khác, có chứa dư lượng kim loại độc hại như thủy ngân, cadmium. Khi cơ quan chức năng chọn ngẫu nhiên 10 mẫu vi cá mập đi kiểm tra đã không tìm ra thành phần vi cá mập nào. Theo cảnh báo của các chuyên gia Trung Quốc, khi người tiêu dùng ăn phải những vi cá mập giả này có thể làm tổn hại phổi cùng các cơ quan khác, đặc biệt nguy hiểm cho sự phát triển của não, hệ thần kinh thai nhi. Sữa ong chúa cũng đã bị phát hiện có pha thêm sữa bò, bột mì, phấn hoa, chất tạo màu nhằm tăng khối lượng sản phẩm. Do các chế phẩm này không phải là dược phẩm nên chúng không chịu sự quản lý của cơ quan quản lý thuốc, bất cứ ai cũng có thể tìm mua và vì vậy nguy cơ mua phải hàng giả là rất cao.

Kẻ bán "đại ngôn", người dùng thiếu hiểu biết

Trước những thông tin trên, nhiều người tiêu dùng tỏ ra hoang mang vì lâu nay họ vẫn coi TPCN như "thần dược" giúp cải thiện sức khoẻ, sắc đẹp, vóc dáng, thậm chí có khả năng khắc chế đối với các bệnh nan y từ ung thư, tai biến cho tới viêm gan... Không ít người còn quan niệm TPCN vô hại, "không bổ âm thì cũng bổ dương", bởi họ cho rằng TPCN vừa là thuốc chữa bệnh vừa là thuốc bổ nên thường dùng qua lời giới thiệu của người thân, bạn bè mà không cần bác sỹ chỉ định, kê đơn. Nhiều loại TPCN khi phát hiện chứa hoạt chất cấm, không đảm bảo chỉ tiêu vi sinh, hoá lý, khi được cơ quan chức năng ra quyết định thu hồi thì... đã tiêu thụ tràn lan.

Sau khi tìm hiểu thông tin trên mạng, chị Cao Quỳnh Loan, ở quận Long Biên đã không ngần ngại bỏ ra gần 5 triệu đồng mua 5 hộp vi cá mập được người bán quảng cáo là TPCN nhập khẩu từ Mỹ cho mình và người thân để mong duy trì sự tươi trẻ cho sắc đẹp và làn da. Tuy nhiên, sau khi uống hết một hộp gồm 100 viên, hàm lượng 1000mg/viên/ngày, chị Loan không những không thấy làn da cải thiện mà trên người còn xuất hiện nhiều nốt đỏ như nổi mề đay. Khi gọi điện đến số điện thoại của người bán hàng để được tư vấn, chị Loan được họ trả lời, có thể vì không hợp thuốc hoặc do ăn phải thức ăn "phản ứng" với thành phần của thuốc nên chị Loan mới có hiện tượng như vậy. Tuy nhiên, sau khi đem loại TPCN này đến hỏi bác sỹ, chị Loan mới biết đây chỉ là loại thuốc hỗ trợ sau điều trị, không có tác dụng như quảng cáo.

Trước những thông tin quảng cáo "nổ" tung trời của nhiều loại TPCN, khiến không ít người tiêu dùng như chị Loan bị lừa, thậm chí "tiền mất, tật mang". Theo bác sỹ Trần Thị Thu Hà - Bệnh viện Bạch Mai, khá nhiều trường hợp bệnh nhân bị ung thư dù được phát hiện bệnh sớm nhưng lại không vào bệnh viện điều trị ngay mà lao vào sử dụng TPCN với hy vọng các loại TPCN này có thể loại trừ, ngăn chặn được sự phát triển của khối u. Thậm chí, có người bệnh đang điều trị bệnh bằng thuốc tại bệnh viện nhưng khi nghe những quảng cáo "có cánh" đã bỏ thuốc quay sang dùng TPCN, làm mất đi cơ hội điều trị. Tại Trung tâm dị ứng miễn dịch lâm sàng - Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên phải tiếp nhận điều trị bệnh nhân bị dị ứng TPCN do sử dụng tràn lan, thiếu sự chỉ dẫn cần thiết của thầy thuốc. Trong khi đó, nhiều loại TPCN vẫn được quảng cáo gian dối, sai sự thật đang là một thách thức với các cơ quan chức năng...
linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Kinh doanh - Tiêu dùng