Ông say mê nghiên cứu các bài thuốc mong giúp người, giúp đời. Đến nay, sau nhiều cống hiến cho y học, nhiều người vẫn nhớ đến ông như là một vị thầy thuốc mát tay chuyên trị căn bệnh hiếm muộn.
“Cứu tinh” cho những cặp đôi hiếm muộn
Một ngày đầu năm 2011, chuông điện thoại trong phòng mạch Hương Ngàn đổ liên hồi, đầu dây bên kia là giọng của nhà văn Kiều Văn (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) gọi từ TP.HCM. Qua điện thoại, nhà văn Kiều Văn vui mừng thông báo đứa cháu trai của mình là Phạm Duy Thanh đã có con do uống thuốc Đông y bổ thậnsinh tinh của lương y Lê Hữu Ngàn. Trước đó, anh Thanh cưới vợ đã hai năm nhưng mãi vẫn chưa có con. Đang lúc tuyệt vọng nhất thì chú họ của anh là nhà văn Kiều Văn đã giới thiệu anh đến phòng mạch này bốc thuốc uống. Chỉ sau hai tháng uống thuốc, vợ anh cấn bầu và sau đó sinh được một cháu trai kháu khỉnh. Đó là một số ít trong những cặp vợ chồng hiếm muộn tìm đến phương thuốc Bổ thận sinh tinh của vị lương y này.
Lương y Hữu Ngàn bên một bệnh nhân của mình
Theo lời giới thiệu của những bà mẹ hiếm muộn tại TP.HCM, chúng tôi tìm về phòng mạch Hương Ngàn ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu) để gặp lương y Lê Hữu Ngàn, vị cứu tinh của các cặp đôi hiếm muộn tại thành phố biển và những vùng lân cận. Lật giở từng trang trong cuốn sổ ghi chép tỉ mỉ về những bệnh nhân của mình, ông cho biết họ đều là những cặp vợ chồng hiếm muộn do chồng có tỷ lệ tinh trùng thấp và yếu, hoặc nguyên nhân từ buồng trứng của người vợ.
“Thường thì sau khi uống thuốc Bổ thận sinh tinh 1 tháng sau sẽ cấn bầu. Nếu nguyên nhân từ người vợ nữa thì cả hai vợ chồng phải uống luôn mới cho kết quả, cũng có những cặp phải uống đến 2 tháng. Cho đến thời điểm hiện tại đã có trên 50 gia đình tìm đến phòng mạch này báo tin là đã sinh con khỏe mạnh, tất nhiên là còn có nhiều người bệnh ở xa nên chỉ liên lạc qua điện thoại”.
Ngồi trước cuốn nhật ký bệnh nhân, ông Ngàn kể về những ca bệnh hiếm muộn của mình, dù là ở Vũng Tàu, TP.HCM hay các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên… cứ tìm đến là đều được ông khám chữa tận tình. Ông cho biết: “Suốt mấy chục năm chữa bệnh cứu người, tôi đã gặp nhiều trường hợp nhưng có lẽ với những cặp vợ chồng muộn con là thương nhất. Có trường hợp do mải miết làm ăn, mãi đến năm ông chồng 50 và bà vợ 45 tuổi mới nhận ra giá trị của gia đình và muốn có thêm một đứa con. Nhưng ở cái tuổi ấy không phải cứ muốn có con là có được. Thế là tôi cũng bốc thuốc cho cả hai uống, một thời gian sau bà ấy thụ thai, sinh đôi hẳn hoi đấy”. Tiếng lành đồn xa, danh tiếng của lương y Ngàn với biệt tài chữa hiếm muộn nhanh chóng lan xa và ông trở thành vị cứu tinh của các cặp vợ chồng chậm con.
Ngoài trị bệnh hiếm muộn, ông Ngàn còn tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi ra nhiều phương thuốc chữa thành công thấp khớp, xoang, các bệnh đau thần kinh và nhất là trị sỏi thận. Cho đến nay, con số bệnh nhân bị sỏi thận mà ông chữa khỏi đã lên đến hàng trăm người. Ông nói: “Hầu hết người bệnh khi khỏi bệnh đều quay trở lại cám ơn nên tôi theo dõi khá dễ, cũng có một số người chỉ gọi điện thông báo tình trạng. Khi tìm đến tôi hầu như người bệnh đều đã chữa trị ở nhiều nơi, Đông y, Tây y đều có nhưng đã bất lực. Có trường hợp, cầm những tấm phim chụp kết quả, tôi chỉ bốc thuốc với tâm niệm “còn nước còn tát”. Rất may là uống khoảng mười lăm thang thuốc là đã bớt, uống trong vòng hai đến ba tháng là đã hết ứ đọng nước, hết sỏi và hầu như không tái phát”.
Từng là một người lính Trường Sơn, ngoài công việc tại phòng khám, lương y Lê Hữu Ngàn còn thường xuyên đi khám chữa bệnh từ thiện, nhớ tình đồng đội xưa, ông đã mở nhiều buổi khám chữa bệnh cho những người cựu chiến binh năm xưa. Đối với ông, hành động đó như một sự sẻ chia đến những người đồng đội, như một lời tri ân đến những con người đã khuất. Trong câu chuyện về những bài thuốc cho đồng đội, cho nhân dân, từng mảng ký ức về những ngày đầu lại trở về với vị lương y đã bước qua tuổi lục tuần.
Duyên kỳ ngộ với ngành y của người lính cụ Hồ
Khi còn là chiến sĩ bộ đội cụ Hồ trên dãy Trường Sơn, ngày đêm nhìn đồng đội đau đớn trong cơn bạo bệnh, ông Ngàn đã nung nấu ý định trở thành thầy thuốc để cứu giúp đồng đội. “Những năm tháng chiến đấu trên chiến trường miền Nam, những đêm hành quân xuyên rừng Trường Sơn ăn lá tàu bay, uống nước suối, bị vắt rừng cắn đã làm cho đồng đội tôi sốt rét ác tính. Nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại nơi rừng thiêng nước độc. Nhìn những hình ảnh ấy tôi đã nung nấu trong tim quyết tâm trở thành người thầy thuốc và luôn làm tốt điều đó suốt 37 năm qua. Trở thành người thầy thuốc là ước nguyện của tôi từ nỗi đau của bao đồng đội và tôi luôn trân trọng điều đó, hình ảnh đồng đội cũ luôn là động lực, là niềm an ủi tôi trong suốt hành trình của mình”.
Năm 1975, sau khi đất nước giải phóng, ông giải ngũ rồi trở về quê nhà Hưng Yên. Tình yêu với Đông y thấm nhuần trong máu, ông đã quyết tâm theo học y từ chú và ông nội. “Vốn là cháu đời thứ 21 của cụ tổ Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác nên ngay từ nhỏ tôi đã rất tự hào về phòng mạch của gia đình mình. Từ khi biết bốc thuốc chữa bệnh tôi đã xác định sẽ theo nghiệp thuốc của gia đình”. Có lẽ nhờ có những định hướng từ ban đầu đó mà suốt gần 40 năm qua chưa một lần lương y Lê Hữu Ngàn chùn bước trên con đường cứu người, giúp đời.
Ông Hữu Ngàn cho biết, việc ông và gia đình vào TP. Vũng Tàu sinh sống cũng là một cái duyên. Ngày trước, vào năm 1985, vì thương nhớ đồng đội cũ, ông đã lặn lội từ Hưng Yên vào Đồng Nai, Lâm Đồng mở phòng mạch Đông y bốc thuốc chữa bệnh sốt rét cho đồng đội. Chưa thỏa mãn tình yêu đồng đội, vì đâu đó trên mảnh đất này vẫn còn bao người nghèo khổ hằng ngày đối mặt với bệnh tật mà không có tiền uống thuốc. Nghĩ là làm, ông khăn gói về tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mở phòng mạch bốc thuốc chữa bệnh cứu người và chọn nơi này làm quê hương thứ hai của mình. Đến nay, lương y Lê Hữu Ngàn đã chữa khỏi bệnh sốt rét cho hàng ngàn đồng đội cũ, chữa thành công 500 ca bị bệnh sỏi thận và bốc thuốc chữa bệnh miễn phí cho hàng ngàn bệnh nhân nghèo trên mọi miền đất nước.
Cả cuộc đời theo nghề thuốc, đã đem lại niềm vui cho biết bao gia đình. Thế nhưng với ông niềm hạnh phúc lớn nhất có lẽ là khi cả hai người con đều theo nghề thuốc, phụ giúp cha trong phòng mạch. Ông cho biết: “Tôi rất mừng là các con đều nối nghiệp, có như thế thì dòng họ Lê Hữu, vốn được tôn là tổ của ngành y mới được lưu truyền mãi mãi”. Từng được nhiều giải thưởng về y học với thành tích xuất sắc, nhận nhiều giấy khen và phần thưởng cao quý, thế nhưng đối với ông, niềm hạnh phúc thật giản dị biết bao. Được làm thầy của chính các con mình và là thầy thuốc của nhân dân.
Bình luận của bạn