- Chuyên đề:
- Bệnh tiêu chảy
Tiêu chảy so Rotavirus: Số trẻ nhập viện tăng vọt
Đây là bệnh rất thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở trẻ em.
Bé Minh Anh tiêu chảy và nôn, mẹ nghĩ do con mới đi lớp chưa quen đồ ăn. Khi bé liên tục đi ngoài, lả người mới được đưa đi cấp cứu, phát hiện bị tiêu chảy do Rotavirus.
Thời tiết chuyển sang đông xuân cũng là giai đoạn cao điểm của tiêu chảy do Rotavirus. Tại khoa khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung Ương, số lượng trẻ nhập viện điều trị tiêu chảy ngày càng tăng.
Biểu hiện đầu tiên của bệnh là trẻ nôn nhiều, nôn dữ dội khiến không ít gia đình lầm tưởng con bị ngộ độc thực phẩm. Một số bé có thể bắt đầu bệnh bằng các triệu chứng sốt, ho, chảy mũi, nôn ói rất giống với cảm lạnh.
Chị Phượng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng vừa phải đưa con đi cấp cứu dài ngày vì nguyên nhân này. Ban đầu, khi bé ho, chảy nước mũi và quấy khóc, gia đình tưởng cháu bị cảm lạnh nên chỉ mặc thêm quần áo, nhỏ thuốc mũi và kiên nhẫn dỗ dành.
Một ngày sau, con bắt đầu sốt, nôn liên tục đến nửa đêm thì đi ngoài phân lỏng, bố mẹ mới hốt hoảng đưa con đến bệnh viện. Xét nghiệm, các bác sỹ kết luận cháu bị tiêu chảy do nhiễm Rotavirus, phải vào viện điều trị hơn một tháng.
TS. Nguyễn Văn Ngoan, Phó trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trong vòng 3 tháng trở lại đây, trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận 20-25 ca nhập viện do tiêu chảy, trong đó có đến hơn một nửa là do Rotavirus.
Đây là bệnh rất thường gặp ở trẻ em và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở trẻ em. Bệnh này lây chủ yếu qua đường tiêu hóa và phát tán nhanh do Rotavirus sau khi được thải qua phân của trẻ nhiễm bệnh có thể lưu lại trên tay vài giờ và trên các bề mặt rắn như đồ chơi, chăn màn, quần áo trong vài ngày.
Trẻ nhiễm Rotavirus trong vòng 10-24 giờ sẽ có 3 biểu hiện chính:
- Nôn ói: Thông thường, trẻ ói rất nhiều vào ngày đầu và giảm bớt khi bắt đầu đi tiêu chảy. Đặc biệt, ở những trẻ này, chất nôn là thức ăn chứ không lẫn các chất màu vàng, màu nâu như biểu hiện ở trẻ tắc ruột.
- Tiêu chảy cấp: Khi trẻ đi ngoài, phân lỏng toàn nước, có lúc màu xanh dưa cải, có thể có đàm, nhớt nhưng không có máu.
Ngoài ra, nhiều trẻ còn có biểu hiện sốt nhẹ, đau bụng, có thể có ho và chảy mũi nước.
Theo TS. Nguyễn Văn Ngoan, trẻ bị tiêu chảy do Rotavirus nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ nhanh chóng bị suy kiệt do mất nước và mất muối, dễ dẫn đến trụy mạch và tử vong. Chính vì vậy, các phụ huynh không được chủ quan khi thấy những biểu hiện mất nước ở trẻ như: môi khô, lưỡi khô, da khô, tiểu ít, kích thích, quấy khóc.
Cũng theo TS. Ngoan, không phải trường hợp tiêu chảy nào cũng cần mang trẻ tới bệnh viện. Với những bé mất nước ở mức độ nhẹ, gia đình hoàn toàn có thể chăm sóc con tại nhà, dự phòng mất nước và suy dinh dưỡng với 4 nguyên tắc cơ bản:
Cha mẹ cho trẻ uống nhiều dịch hơn bình thường để đề phòng mất nước như: oresol, nước cháo muối, nước cơm có muối, súp hoa quả hoặc súp gà, súp thịt, nước sạch.
Cho khoảng 3g muối (nhúm bằng 3 ngón tay: ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa) khi pha một lít dung dịch để có một dung dịch hoặc súp không quá mặn. Nước sạch, nước cơm (hoặc các loại ngũ cốc khác), nước dừa, nước hoa quả tươi không đường cũng là những thức uống được các bác sĩ khuyên dùng cho trẻ tiêu chảy.
Tiếp tục cho trẻ ăn đề phòng suy dinh dưỡng: Phần lớn trẻ tiêu chảy phân nước sẽ thèm ăn trở lại khi được bù đủ dịch. Vì vậy, trong giai đoạn này, khẩu phần ăn hằng ngày của bé nên được tiếp tục và tăng dần lên.
Cho trẻ ăn đủ dinh dưỡng giúp cơ thể bé chóng bình phục, hồi phục cân nặng và chức năng đường ruột. Tuy nhiên, cần tránh các loại rau sợi thô, củ quả, hạt ngũ cốc nhiều chất xơ vì khó tiêu hóa. Đối với trẻ bú mẹ hoàn toàn, cần cho trẻ bú nhiều hơn và lâu hơn sau mỗi lần bú.
Nếu trẻ không bú mẹ hoàn toàn, cho trẻ uống một hoặc nhiều loại dung dịch như đã đề cập ở trên. Tuyệt đối tránh cho trẻ sử dụng các loại nước uống ngọt có đường, nước trà đường, nước trái cây sản xuất công nghiệp vì các dung dịch này có thể làm tình trạng tiêu chảy trầm trọng thêm.
Trong trường hợp bù nước bằng dung dịch oresol, bố mẹ cần chú ý pha dung dịch theo sự hướng dẫn của bác sỹ, cho bé uống từng ngụm nhỏ bằng chén hoặc thìa. Ngoài ra, tiếp tục cho trẻ bú bất cứ khi nào trẻ muốn.
Cho bé uống bổ sung kẽm sớm ngay khi tiêu chảy bắt đầu. Trẻ dưới 6 tháng tuổi: 10mg/ngày trong vòng 10-14 ngày. Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên: 20mg/ngày, trong vòng 10-14 ngày. Nên cho trẻ uống kẽm lúc đói.
Các bác sỹ chuyên khoa tiêu hóa khuyến cáo, các gia đình cần đưa trẻ đi khám ngay khi con có một trong những biểu hiện đi ngoài nhiều lần phân lỏng (đi liên tục); Nôn tái diễn; Trẻ trở nên rất khát; Ăn uống kém hoặc bỏ bú; Trẻ không tiến triển sau 2 ngày điều trị tại nhà.
Bình luận của bạn