Tiểu không kiểm soát - nỗi buồn không chỉ riêng ai

 


Bệnh nhân đã từng sinh nở hay phẫu thuật vùng chậu dễ bị són tiểu hay bị chứng sa niệu - sinh dục. Ảnh: H.Cát

 


Những căn bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người phụ nữ mà còn dẫn đến mất hứng thú trong sinh hoạt tình dục.

Trong buổi hội thảo cập nhật về điều trị bệnh són tiểu và sa sinh dục ngày 29/5, TS. BS. Michel Lacour (thành viên của Hội đồng Niệu khoa châu Âu, BS hợp tác khoa Niệu - BV FV) cho biết, ước tính 6,6 triệu phụ nữ Việt Nam cần đi khám vì tiểu không kiểm soát, trong đó khoảng 36,8% bệnh nhân phải sử dụng băng vệ sinh vì chứng bệnh này.

Tiểu không kiểm soát là hiện tượng đột ngột thoát nước tiểu ra ngoài lỗ tiểu khi ho, nhảy mũi, hắt hơi, tập thể dục, thay đổi tư thế. Một số phụ nữ, ngoài chứng tiểu không kiểm soát còn kèm tiểu gấp (vừa mắc tiểu là tiểu són ngay không thể kiềm chế để đến nhà vệ sinh) hoặc chứng sa niệu - sinh dục.

Thoái hóa do sinh nở, tuổi tác, hệ thống cơ - dây chằng vùng chậu không còn đủ sức nâng đỡ cho các cơ quan vùng chậu phụ nữ như tử cung, bàng quang, niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra lỗ tiểu).

Đối với những trường hợp nhẹ, bệnh nhân có thể tập một số bài tập để tăng sức mạnh của nhóm cơ vùng chậu và kết hợp với thuốc uống. Khả năng cải thiện từ 30 - 50%. Ngoài ra bệnh nhân cần điều chỉnh lại cân nặng nếu có thừa cân - béo phì, và điều trị các bệnh mãn tính như hen suyễn, táo bón…

Phẫu thuật đặt băng nâng niệu đạo điều trị són tiểu được coi là phẫu thuật ít xâm hại. Bệnh nhân chỉ chịu một vết rạch nhỏ ở phía dưới đường tiểu và 2 vết rạch nhỏ ở mặt trong đùi. Băng nhân tạo sẽ nâng niệu đạo và cổ bàng quang lên.

Còn về phần chứng sa niệu - sinh dục, các BS cho biết, nhiều thống kê cho thấy, khoảng 50% phụ nữ đã sinh sản có thể bị sa cơ quan niệu - sinh dục. Chứng sa này khiến cho bệnh nhân cảm giác "một khối u" gây vướng và khó chịu ở âm đạo, đau tức khi giao hợp, hoặc chảy nước tiểu khi đang quan hệ.

Phẫu thuật truyền thống cắt tử cung đường âm đạo, khâu treo bàng quang, làm lại thành trước và sau âm đạo hoặc khâu bịt âm đạo. Phẫu thuật này đồng nghĩa với đoạn tuyệt chuyện chăn gối của người phụ nữ.

Hiện nay, phương pháp nội soi khâu treo, hay nội soi đặt tấm lưới polypropylene đính vào các cơ quan bị sa sẽ giúp giữ lại tử cung cho người phụ nữ đảm bảo các chức năng sinh lý như sinh hoạt vợ chồng, mang thai.

Doan Truong
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tiết niệu