Công việc phòng chống SXH tại Tây Nguyên đang là vấn đề được quan tâm
Sốt xuất huyết có lây từ người này sang người khác?
Vì sao sốt xuất huyết dễ gây tử vong?
Trẻ bị sốt xuất huyết có ảnh hưởng đến trí não?
5 chứng bệnh tuyệt đối không cho trẻ uống kháng sinh
Các ca nhiễm sốt xuất huyết tăng chóng mặt
Thông tin từ trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, toàn tỉnh có 2.857 ca nhiễm sốt xuất huyết (SXH). Trong đó, có 1 ca tử vong do sốc SXH. Trong khoảng thời gian tới, con số này sẽ còn tiếp tục tăng.
Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến ngày 3/8, có tổng cộng 1825 ca mắc bệnh SXH nhập viện. Khoa Truyền nhiễm có 1.302 ca, khoa Nhi tổng hợp có 523 ca.
Bác sỹ Trần Thị Thúy Minh - Trưởng Khoa Nhi tổng hợp cho biết, hầu hết các bệnh nhân nhập viện đều có cùng triệu chứng đau đầu, đau bụng, mệt lả, sốt cao liên tục… Một tuần trở lại, mỗi ngày, khoa này tiếp nhận trung bình 50 em bị nhiễm SXH.
Tại Khoa Truyền nhiễm, ngày 1/8 tiếp nhận số lượng bệnh nhân SXH cao nhất từ trước đến nay là 145 ca. Ba ngày gần đây nhất, bệnh nhân nhập viện vì bệnh này giảm nhưng vẫn đạt ngưỡng trên 100.
Trong khi đó, tại tỉnh Gia Lai, người dân bị SXH cũng tăng một cách chóng mặt. Mỗi ngày, có khoảng 100 ca mắc bệnh. Tất cả 17/17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đều có người mắc bệnh này.
Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Gia Lai, đến hết ngày 3/8, toàn tỉnh có 4.000 ca mắc SXH, chiếm 14% ca bệnh trong cả nước. Trong đó, có một ca tử vong. Pleiku là địa bàn có nhiều người mắc bệnh nhất với 1.150 ca.
Trước tình trạng diễn biến phức tạp của SXH, ngày 4/8, cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đã có cuộc họp khẩn cấp, rà soát lại quá trình công tác phòng, chống SXH trên địa bàn, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong thời gian qua.
Theo đó, người dân nhận thức được SXH là căn bệnh nguy hiểm nhưng vẫn còn khá thờ ơ, chủ quan trong việc diệt lăng quăng, bọ gậy, bảo vệ môi trường… Một số nơi, cán bộ truyền thông đến làm việc, người dân không hợp tác.
Sở Y tế tỉnh cũng nhận định, số lượng ca bệnh SXH trong thời gian tới sẽ còn tăng, đặc biệt là vào tháng 8 đến tháng 10. Bởi, đây là cao điểm mùa mưa. Những năm trước, trên địa bàn, chỉ có tuýp virus bệnh Dengue I với triệu chứng lâm sàn và diễn biến nhẹ. Trong khi đó, năm nay, có thêm tuýp virus Dengue II với triệu chứng nặng, có nguy cơ tử vong cao hơn.
Các bệnh viện quá tải
Trong thời gian này, tất cả các bệnh viện trên địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk đều quá tải do tình trạng số lượng bệnh nhân bị SXH tăng mạnh. Tại bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk, mỗi giường bệnh tại khoa Truyền nhiễm đều có hai đến ba bệnh nhân nằm. Do số giường bệnh không đủ, nhiều bệnh nhân và người thân đành ra nằm ở hành lang.
Bác sỹ Nguyễn Hải - Trưởng khoa Truyền nhiễm, thừa nhận, số lượng giường bệnh tại khoa chỉ có 35 giường, trong khi, mỗi ngày số lượng bệnh nhập viện từ 100 trở lên nên tình trạng quả tải là điều khó tránh khỏi. Tình trạng quá tải đã bắt đầu từ đầu tháng 7 đến nay.
Người bệnh phải ra hành lang nằm vì quá tải
Để giảm bớt tình trạng quá tải, bệnh viện huy động thêm những phòng để đồ đạt, dụng cụ chuyển làm phòng bệnh. Tuy nhiên, việc huy động này cũng chỉ giúp tăng thêm khoảng 30 giường bệnh nên nhiều bệnh nhân vẫn phải nằm ở ngoài hành lang.
Khoa Truyền nhiễm có 7 bác sỹ, 2 hộ lý và 12 điều dưỡng. Số lượng này không thể đáp ứng đủ vì bệnh nhân quá đông, phía bệnh viện linh động chuyển bác sỹ, điều dưỡng từ các khoa khác sang giúp sức. Theo đó, khoa được tăng thêm 4 bác sỹ và 9 điều dưỡng.
Bác sỹ Y Bliu Arul - Phó Giám đốc Bệnh viện Tỉnh Đắk Lắk, cho biết, trước tình trạng bệnh viện quá tải, bệnh viện đã làm báo cáo gửi Sở Y tế tỉnh để xin hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn hiện nay trong công tác chống dịch SXH. Ngoài ra, bệnh viện cũng yêu cầu tuyến dưới tăng cường công tác phòng chống bệnh dịch SXH, chỉ được phép chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tỉnh khi tình trạng bệnh quá nặng.
Trong khi đó, Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết, đến nay, toàn tỉnh có hơn 1500 ca nhiễm SXH. Mỗi ngày, có khoảng 40 ca nhập viện. Hiện, có hai bệnh nhân tử vong do SXH. Bác sỹ Nguyễn Thị Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Kon Tum cho hay, sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo trung tâm đã đến thăm hỏi, động viên gia đình các bệnh nhân. Ngoài ra, trung tâm cũng tăng cường tuyên truyền, phổ biến các tác hại của dịch để người dân phòng ngừa…
Bình luận của bạn