Empty
Empty
Empty

Cụm từ “Chết trẻ” này bắt nguồn từ một câu tục ngữ của nhà sử học Hy Lạp, Herodotus, vào năm 445 trước Công nguyên: “Những người được đánh giá cao, đạo đức và ngay thẳng, tốt bụng, nhân từ có xu hướng chết trẻ hơn hầu hết mọi người”.

Empty

Tất cả chúng ta đều mơ về những siêu anh hùng trong thời thơ ấu của mình và một số người trong chúng ta thậm chí đã cố gắng trở thành một siêu anh hùng. Anh hùng là người chiến đấu bất chấp mọi thử thách mà anh ta phải đối mặt, để bảo vệ mọi người, để chứng minh rằng nhân loại vẫn còn tồn tại và những người tốt vẫn tồn tại.

Nhân vật chính của cuốn sách tên Deep, là một thanh niên trưởng thành và là một người quá tốt đối với xã hội xấu xa. Anh cũng muốn chứng minh điều đó, và chứng kiến những người tốt, đáng yêu quanh anh, đều phải nhận cái chết trẻ. Bản thân anh có hai mối tình và cả hai đều chết trẻ. Những “vết thương lòng” của tuổi trẻ là có thật.

Giống như nhiều người bạn cùng tuổi xế chiều, tôi thường xuyên xem cáo phó trên báo hay trên facebook, để xem tuổi của những người quá cố. Thông thường, đó là ở độ tuổi bảy mươi và tám mươi. Bây giờ cáo phó thường post lên mạng facebook, tin buồn lan đi rất nhanh. Cuối tháng 2/2023 qua, tôi nhận cáo phó một giáo sư, bạn tôi mất ở tuổi 78. Mặc dù anh ra đi ở tuổi 78, nhiều người vẫn nói với tôi “Anh còn quá trẻ”. Có lẽ, chết trẻ không phải tuổi mà là sự có ích hoặc giúp đỡ của anh dành cho cuộc sống này. Trong trường hợp của giáo sư, chuyến lữ hành mãi mãi của anh, đã để lại một “sân ga” trống, mà tôi và nhiều người khác cảm thấy “bị bỏ rơi” và cảm thấy cái chết của anh còn “quá trẻ”.

Nếu một người chết ở độ tuổi năm mươi hoặc trẻ hơn, điều này đôi khi được gọi là "cái chết không đúng lúc", và nếu tôi theo trường phái triết học Kierkegaard, tôi nhăn mặt để được so sánh đúng lúc với sự bất tử; tuổi chính xác của một cái chết chỉ là một sự ngụy biện. Theo phong tục Việt Nam (có lẽ ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc chăng?) ai chết trên 60 thì bia mộ ghi là “hưởng thọ”, còn chết dưới 60 thì ghi “hưởng dương”. Như vậy chúng ta cùng mặc định chết ở tuổi U60 là “chết trẻ”.

Empty

Tôi cũng bắt đầu nghĩ về một cái chết… trẻ, như lời cô giáo cảnh báo: “Em muốn chết trẻ sao?” khi cô giáo chủ nhiệm bắt quả tang tôi hút thuốc vào năm lớp 8. Tất nhiên, cô nói đúng: thuốc lá chắc chắn có hại cho sức khỏe và có thể sẽ rút ngắn tuổi thọ của một người. Từ đó, tôi không hút thuốc vì sợ một cái chết trẻ. Trong trường hợp này, cái sợ lại là một yếu tố tích cực để bảo vệ sức khỏe cho tôi!

Empty

Chết trẻ chỉ có thể là điều đáng buồn, bất công và đáng tiếc. Tôi có đọc đâu đó rằng: “Phần lớn người chết trẻ đều là người tốt, ví dụ những người lính hy sinh khi chiến đấu vì độc lập, chủ quyền của đất nước, hay những chiến sĩ cứu hỏa hy sinh khi làm nhiệm vụ… Chắc chắn họ không phải là người già. Còn tại sao có những kẻ ác sống lâu? - Vì họ cần nhận sự trừng phạt về thể chất và tinh thần khi kéo lê cuộc sống trên trần gian, với mặc cảm tội lỗi”. Chúng ta có thể thấy lập luận này hơi “khó nghe” nhưng không phải không xảy ra trên thực tế.

Chết tức là được tự do. Là con người và còn sống đều có khả năng cảm thấy tội lỗi và hối hận. Những người tốt chết trẻ có thể đã tận hưởng niềm vui và vẻ đẹp trong hành động vì người khác, họ chết trẻ cho người khác được sống. Trong khi những kẻ ác, phải sống lâu hơn để có cơ hội sửa đổi chính mình trong hối hận.

Empty

Và cuốn phim được giải Oscar 2023 “Everyone everything at once” nói lên điều đó. Một lần nữa thế kỷ 21 mà chúng ta đang sống quay lại “sống” với những điều mà Phật giáo đã phát hiện trong trên 2.500 năm trước, với hiện thân và tiền kiếp, với 3.000 thế giới. Nhưng tất cả mọi lý lẽ sống từ đời này sang đời khác đều xuất phát từ tình yêu nhiều hơn lý trí.

Empty

Lúc hai mẹ con tâm sự gần cuối phim “Mọi người mọi chuyện, tất cả cùng lúc” (Everyone everything all at once), nhân vật của Dương Tử Quỳnh xúc động: "Không chừng đâu đó ngoài kia, người ta sẽ lại phát hiện thêm điều gì mới mẻ, một điều gì đó ngày càng khiến ta nhỏ bé. Một điều gì đó sẽ giải thích vì sao con tìm đến mẹ. Và vì sao mẹ muốn ở đây với con. Mẹ luôn muốn bên cạnh con".

Nhân vật chính trong phim này, thủ vai là nữ diễn viên nhận giải nữ chính xuất sắc nhất - Dương Tử Quỳnh - người Malaysia, đã đau khổ vì người chồng chết trẻ của mình và anh đã tái sinh một kiếp khác.

Tuy vậy, trong chúng ta, không ai muốn chết trẻ cả. Một số bạn của tôi chấp nhận số phận, một số khác thì có những căn bệnh tiềm ẩn hay bẩm sinh và số khác lại quá “chủ quan” với tình trạng sức khỏe của mình, cho đến khi phát hiện bệnh nặng lần cuối cùng.

Empty
Empty

Trong trường hợp của tôi, người chết trẻ mà tôi bất ngờ nhất và đã khóc nhiều nhất là đứa cháu gọi tôi bằng cậu, tức là con thứ hai của chị tôi. Khi cháu mất tôi học lớp đệ nhất trung học (lớp 12) và đang chúi đầu vào đống bài vở cho kỳ thi tốt nghiệp trung học. Tôi đã ôm lấy thân thể nhỏ bé của cháu, cảm thấy cái lạnh của sự chết và biết rằng linh hồn cháu đã bay đi. Cháu đã không còn hiện hữu. Đêm đó, tôi bỏ bài vở, gần như khóc ngất và thức trắng đêm cùng người bạn học ở lại để an ủi tôi. Đó là lần đầu tiên tôi cảm thấy “hư vô” đáng sợ như thế nào, lần đầu tiên tôi cảm thấy sự yếu đuối và mong manh của con người. Lúc đó đứa cháu chết… trẻ của tôi mới lên sáu.

Người thân yêu thứ hai chết trẻ của tôi là người bạn cùng lớp thời trung học. Sau này lớn lên anh đi học ở Mỹ và khi gặp lại anh đã là một nhà truyền giáo lớn ở New York - nơi tôi đến để nghiên cứu một credit về giáo dục truyền thông. Tôi ở lại nhà anh và chúng tôi có thời gian đun lại bếp lửa thời trung học. Anh đã cố gắng hết mực thuyết phục tôi theo đạo cùng anh, nhưng tôi vốn đã theo đạo ông bà và thờ Phật từ thời nhỏ. Khi tôi rời nước Mỹ cũng là lúc anh ra đi vì căn bệnh ung thư không hề hay biết. Tôi nhớ có lần anh nói với tôi: “Nếu chúng ta chết thì chúng ta sẽ về bên Chúa. Đó là ân sủng”. Dù sao, tôi không muốn chết trẻ dưới tuổi 40 như anh. Tôi luôn cảm thấy sự bất công mà Chúa đã dành cho một người thánh thiện như anh. Anh dành cả cuộc đời mình phục vụ Chúa và giúp đỡ người khác. Tại sao anh không thể tránh một cái “chết trẻ”? Nếu anh có thể chăm lo đến sức khỏe của mình nhiều hơn khi còn trẻ, đơn giản là anh chịu khám định kỳ thường xuyên như bác sĩ khuyên, thì biết đâu anh đã không chết trẻ! Cuối cùng như triết gia William James, tác giả cuốn “Bản chất con người”, đã nói: Thân thể và sức khỏe không gì khác là ngôi đền thiêng của từng cá nhân, do đó không lý lẽ gì thuyết phục hơn là trân quý và giữ cho ngôi đền bền vững.

Empty
Empty
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa