Vì đâu nên nỗi?

Những câu chuyện đau lòng về việc trẻ tự tìm đến cái chết vì áp lực học tập, gia đình đang ngày một nhiều hơn - Ảnh: teenvogue

Trước đó, ngày 21/2 tại TP.HCM, một học sinh trường THPT N.H.T, Quận 4, cũng đã nhảy lầu quyên sinh trước những kỳ vọng quá lớn từ phía gia đình và các vấn đề khó khăn trong học tập sau giai đoạn cao điểm phải học online vì dịch COVID-19. Quả thật, đại dịch cũng đã ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em khi bị cách ly với môi trường quen thuộc bên ngoài, cộng thêm nỗi sợ hãi, lo lắng chung.

Tự kỷ, trầm cảm khiến trẻ em phát triển không bình thường, trong đó có thể dẫn đến cái kết là tự tử, đang là nỗi lo của toàn thế giới. Thậm chí, những quốc gia giàu có, văn minh có tỷ lệ cao hơn. Theo thống kê mới nhất, cứ 11 phút lại có 1 trẻ em trên thế giới tự kết liễu cuộc đời mình. Việt Nam vẫn nằm trong nhóm có tỷ lệ trẻ em tự tử thấp.

Chúng ta không khó chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em chọn giải pháp tiêu cực nhất. Có tác động của môi trường gia đình, nhà trường, xã hội. Ở trường, mỗi cấp học kiến thức ngày một nặng hơn, lịch học dày đặc, chồng chất, bài tập về nhà nhiều không có thời gian làm những việc khác khiến cho trẻ cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi. Vấn đề áp lực thi cử thường gặp ở trẻ vị thành niên. Chưa kể nhiều bố mẹ luôn tạo áp lực thành tích cho con em mình cũng là nguyên nhân dẫn đến sự bế tắc ở trẻ.

Cha mẹ cần tìm cách chia sẻ và trò chuyện với con để hiểu những suy nghĩ, lo lắng, băn khoăn của chúng - Ảnh:  Newyorktimes

Cha mẹ cần tìm cách chia sẻ và trò chuyện với con để hiểu những suy nghĩ, lo lắng, băn khoăn của chúng - Ảnh: Newyorktimes

Ở góc độ vĩ mô hơn, sự phát triển của Internet, mạng xã hội có ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ và hành vi của trẻ vị thành niên. Có những trò chơi thách thức sự dũng cảm bằng hành động tự làm đau bản thân, có tính bạo lực. Hay những hình ảnh, câu chuyện mang tính bạo lực, bế tắc, thậm chí bày cách thức tự tử đều tác động đến tâm lý, tình cảm trẻ nhỏ. Những cách giải quyết bế tắc từ trong truyện, phim ra hiện thực, tung lên mạng đã gây tác động rất xấu. Ngày 3/3, 3 nữ sinh ở Nghệ An đã rủ nhau ăn lá ngón tự tử, sau khi mâu thuẫn với nhóm bạn. Đấy không phải là chuyện hi hữu.

Nhưng, môi trường, hoàn cảnh gia đình mới là quan trọng nhất, có tác động lớn nhất đến trẻ vị thành niên. Nếu trẻ em được sinh ra trong một gia đình cha mẹ hạnh phúc, biết cách giáo dục con cái, quan tâm đến tâm lý, tình cảm, khiến con cái coi như là “người bạn tin cậy” để chia sẻ, giãi bày những ẩn ức, thì chắc chắn đứa trẻ sẽ có điều kiện tốt để phát triển toàn diện.

Nên nhớ, bất cứ vụ tự tử nào ở trẻ em cũng có sự tích tụ của một quá trình diễn biến. Các em lâm vào tình trạng ức chế cảm xúc bị dồn nén do buồn chán, bi quan nhưng không muốn chia sẻ hoặc không biết phải chia sẻ cùng ai, ngay cả với bố mẹ mình. Hỏi có đau lòng không?

Vậy nên, không có giải pháp nào ngăn chặn tỷ lệ tự tử ở trẻ em tốt nhất bằng sứ mệnh xây dựng mỗi tế bào xã hội- gia đình hạnh phúc. Ở đó, cha mẹ phải dành nhiều thời gian quan tâm, trò chuyện, lắng nghe tâm tư, tình cảm của con mình nhiều hơn. Không áp đặt thành tích học tập và đặt kì vọng quá cao cho con. Phân bổ thời gian học tập, vui chơi hợp lý. Dạy cho trẻ nhiều kỹ năng sống, giá trị cuộc sống để chúng luôn hướng về những điều tốt đẹp…

Câu chuyện nam sinh tự tử vào ngày 1/4 đã khiến dư luận phải suy tư trong mấy ngày qua. Đã đến lúc chúng ta cần ứng xử với con mình một cách văn minh nhất, không tự tạo ra áp lực cho con trẻ trong mọi chuyện. Hai bên phải quân tâm, tin cậy nhau như những người bạn tri kỷ thì bi kịch ở lứa tuổi măng non nhất định sẽ được đẩy lùi.

 
Thảo Uyên
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội