Trẻ em hiện nay đang phải chịu sức ép quá lớn từ nhiều phía về việc học tập
Kỷ niệm 21 năm ngày mất nhạc sỹ Trịnh Công Sơn (1/4/2022): … Mang đến tương lai
Làm du lịch: Đừng bỏ qua tiểu tiết
Bài báo trên Chinhphu.vn còn cho hay: Theo kết quả đánh giá nghiên cứu trên diện rộng, tỷ lệ học sinh có biểu hiện stress, lo âu, trầm cảm trong thời gian nghỉ học do dịch bệnh COVID-19 rất đáng quan ngại, trong đó có 65% có biểu hiện stress và 23% nghĩ đến việc tự tử. Tác giả bài báo khuyến nhủ: Hơn lúc nào hết, sự chia sẻ, đồng cảm, đồng hành của cha mẹ dành cho các em lúc này là vô cùng quan trọng. Tác giả bài báo cũng chia sẻ rằng, quan tâm con trẻ thế nào là đúng, là đủ, là sâu sắc, thấu hiểu… không phải là sự dễ dàng dù bậc cha mẹ nào cũng luôn muốn dành những gì tốt nhất cho con mình, mong con giỏi giang, mạnh mẽ để thành công sau này. Kỳ vọng đó vô hình trung đã trở thành áp lực rất lớn đối với nhiều em học sinh.
Đọc những dòng này, tôi lại nhớ đến chuyện trong gia đình. Nhớ đến ông bác anh mẹ tôi. Ông bác tôi điển trai, thư sinh, học giỏi nhưng không gặp thời. Thời ông là thanh niên, đất nước còn kháng chiến chống thực dân Pháp nên ông không có điều kiện trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp như mong ước. Ông kỳ vọng cậu con trai út của ông hiện thực hóa giấc mộng của ông- trở thành một nghệ sĩ violon chuyên nghiệp. Ông bỏ bao công sức đưa anh tôi đi học đàn, tằn tiện dành dụm để mua cho anh cây đàn thương hiệu nổi tiếng nước ngoài. Nhưng mỗi lần kéo đàn là nước mắt anh lã chã rơi. Anh cũng đã nỗ lực đền đáp công lao cha, tốt nghiệp trung cấp nhạc viện về violon. Nhưng anh không thành tài với nghiệp đàn. Số phận run rủi anh được một ông đầu bếp Nhật truyền nghề. Anh trở thành một ông bếp chế biến món ăn Nhật nổi tiếng, với món tủ là Shusi, được nhiều nhà hàng Nhật ở Hà Nội, Hải Phòng... săn đón, trả lương hậu. Với tay nghề chế biến món Nhật có hạng, anh dễ dàng kiếm được việc làm và nay đã định cư ở Thụy Điển.
Cuối tuần, sau mấy tháng dịch giã không đi được, tôi và mấy người bạn cùng học thời sinh viên, lại có cuốc xe đạp quanh hồ Tây. Anh bạn người Nghệ An là giáo sư ngành ngôn ngữ cho hay cậu con trai cả của anh, chưa có gia đình, không sống cùng bố mẹ nữa. Cháu tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh bên Nhật về nhưng không đầu quân cho nơi nào cả mà muốn làm facebooker chuyên nghiệp. Cháu kiếm được tiền bởi trang facebook của cháu có tới gần 350 ngàn người theo dõi. Nay cháu muốn ra ở riêng để tự do sáng tạo!
Lại nghĩ đến con trai tôi, năm nay đã xấp sỉ tuổi “ tam thập nhi lập” cũng không thích sống cùng bố mẹ. Đang biên chế phóng viên của một tờ báo điện tử của hãng thông tấn quốc gia, cháu nằng nặc xin nghỉ để ra làm tự do trong lĩnh vực âm nhạc mà cháu có năng khiếu và yêu thích. Khổ thân tôi, vì bà nội cháu cứ cằn nhằn” anh chỉ có một thằng con trai mà để nó như thế. Con nhà người ta thì mơ một chỗ làm trong cơ quan nhà nước chẳng được”.
Nhân câu chuyện kỳ vọng của cha mẹ vô hình trung đã trở thành áp lực rất lớn với con em, tôi tâm đắc với những dòng trạng thái mới đây của một đồng nghiệp. Với tôi, anh là một người thành công cả với nghiệp báo cũng như quan trường, công danh vẹn cả đôi đường. Anh chia sẻ về quãng niên thiếu học trò phổ thông của anh, chỉ học trường làng. Anh học phổ thông cũng như đại học cũng chỉ dạng trung bình, lại còn hay nghịch. Nhưng từ trải nghiệm của chính anh, anh đúc kết rằng đời sống mới là người thầy vĩ đại nhất, mới là trường học vĩ đại nhất. “Tôi phải sống, phải tự học và tự làm việc không mệt mỏi. May mắn trên đường đời có những người tử tế giúp mình. Thế là tôi tồn tại", anh chia sẻ.
Đương nhiên, tôi cũng không muốn lấy anh làm tấm gương cho con em mình. Người ta không thể coi thường cái sự học. Nó là hành trang tối cần thiết của chúng ta trong cuộc sống. Không được trang bị một hành trang tốt thì hành trình vào đời của chúng ta sẽ khó khăn vô cùng. Đó còn là thứ hành trang mà ta phải luôn vun đắp trong cuộc sống. Đến đây tôi lại muốn nhắc đến cuốn sách mà tôi từng đọc một lèo "Đừng coi thường sự lười đọc của con người” của nhà báo, Tiến sĩ Trần Ngọc Châu. Nhà báo Trần Ngọc Châu có học vị Tiến sĩ báo chí và kinh nghiệm hơn 30 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí, từng trải qua vị trí lãnh đạo các cơ quan truyền thông như báo Tuổi Trẻ, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, kênh truyền hình kinh tế FBNC… Cuốn sách của anh, thông qua những câu chuyện, giúp người đọc nhận ra ý nghĩa, vai trò của sự học cần thiết đối với mỗi chúng ta như thế nào! Trở lại với những dòng trạng thái của đồng nghiệp, tôi thích cái kết của anh: Đừng tạo sức ép cho các con khi các con không muốn. Bi kịch sinh ra từ những ảo vọng, bi kịch sinh ra từ sức ép kỳ vọng của gia đình, nhà trường, họ mạc... Đừng tự tạo ra áp lực cho chính mình và con cái.
Tôi còn muốn thêm một ý này nữa: Đừng bắt con cái là tấm gương phản chiếu chính chúng ta!
Bình luận của bạn