Trẻ vẫn mắc viêm não Nhật Bản nếu chỉ tiêm ngừa 1 mũi vaccine

Làm y tế thôn bản 7 năm nay, anh Phàng A Dê (Phù Yên, Sơn La) không ngờ cậu con trai 5 tuổi của mình bị viêm não Nhật Bản. Mới đầu con sốt cao 39,5 độ C, đau đầu, anh đưa bé ra trạm y tế xã khám, sau đó chuyển đến bệnh viện đa khoa huyện vì sốt không rõ nguyên nhân. Ngày 13/7, trẻ được chuyển tiếp lên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội). Sau 3 giờ, vì tình trạng nặng, trẻ được chuyển vào khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.

viemnaonhatban1-4627-1405748667.jpg
Con trai anh Phàng A Dê (Sơn La) bị viêm não Nhật Bản vì mới chỉ tiêm một mũi vaccine. Ảnh: N.Phương

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi bệnh viện cho biết, tình trạng sức khỏe của bé rất nặng, vừa bị viêm não Nhật Bản vừa nhiễm khuẩn huyết, hôn mê, phải thở máy. Nếu cứu được thì khả năng để lại di chứng về thần kinh rất lớn.

"Tôi cũng nhớ không rõ vì sao con chỉ được tiêm một mũi vaccine phòng viêm não Nhật Bản. Tôi rất ân hận nếu không may con có vấn đề gì. Rút kinh nghiệm, tôi đã đưa hai chị gái của cháu đi tiêm phòng đầy đủ", anh Phàng A Dê buồn bã nói.

Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cũng đang điều trị cho 2 trẻ khác bị viêm não Nhật Bản. Cả hai bệnh nhi hiện tỉnh nhưng vẫn phải theo dõi tiếp. Trước khi ra viện, bác sĩ sẽ kiểm tra xem có để lại di chứng gì hay không.

"Mọi năm khoa hầu như không có bệnh nhân viêm não Nhật Bản, nếu có cũng rất ít 1-2 ca. Tuy nhiên, chỉ riêng trong tháng 7 này khoa đã tiếp nhận 3 ca. Vì thế cha mẹ cần hết sức lưu ý đưa con đi tiêm phòng đủ", tiến sĩ Dũng nhấn mạnh.

Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế nhấn mạnh, thông thường với các vaccine khác chỉ cần tiêm một mũi là đã có hiệu lực bảo vệ trẻ (dù thấp); vaccine phòng viêm não Nhật Bản thì ngược lại. Nếu chỉ tiêm một mũi vaccine thì không có hiệu lực bảo vệ, tiêm đủ 2 mũi hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%. Tiêm đủ 3 mũi thì hiệu lực bảo vệ đạt 90-95% trong khoảng 3 năm.

Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 420 trường hợp mắc viêm não virus, 81 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản. Trong đó có 6 ca tử vong, duy nhất trường hợp tử vong tại Hà Nội là do viêm não Nhật Bản.Hà Nội cũng ghi nhận 20 ca viêm não Nhật Bản, trong đó có cả người lớn.

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với virus viêm não Nhật Bản đều có thể mắc bệnh. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ dưới 15 tuổi, chiếm hơn 90% số ca mắc, trong đó đa số là trẻ 1-5 tuổi. Do có vaccine viêm não Nhật Bản nên trong những năm qua, tuổi nhóm trẻ mắc bệnh chủ yếu đã nâng lên. Tại Việt Nam tỷ lệ mắc cao nhất ở nhóm trẻ em 5-9 tuổi hoặc lớn hơn.

Bệnh khởi đầu với các biểu hiện như sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, co giật, rối loạn ý thức, lờ đờ, hôn mê từ nhẹ đến nặng. Trường hợp nặng thì rối loạn hô hấp, tim mạch, nặng hơn thì ngừng thở. Viêm não Nhật Bản nguy hiểm vì tỷ lệ tử vong cao, dễ để lại di chứng thần kinh nặng nề.

Vì thế, ngành y tế khuyến cáo cha mẹ tuân thủ lịch tiêm chủng như sau:

Đối với trẻ dưới 5 tuổi: Tiêm 3 liều cơ bản theo lịch tiêm của chương trình tiêm chủng mở rộng.

- Mũi1: Lúc trẻ đủ 1 tuổi;
- Mũi 2: Sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần;
- Mũi 3: Sau mũi 2 là một năm.

Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Đối với trẻ trên 5 tuổi nếu chưa từng được tiêm vaccine thì cũng tiêm với 3 liều cơ bản. Khoảng các các mũi cũng tương tự như trên.

Doan Truong
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn