Tự chủ quá mức dễ thành tư nhân hóa các bệnh viện công

Các giáo sư và các nhà quản lý tại buổi tọa đàm "Tự chủ bệnh viện thế nào để phục vụ người dân tốt hơn" - Ảnh: VGP

Bệnh viện Bạch Mai: Gắp thành công dị vật hiếm gặp trong đường thở của bệnh nhân

Bộ Y tế bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản lý và Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai

Y tế tuần: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội công bố ca song thai hy hữu

Y tế tuần: Phẫu thuật ung thư thận bằng Robot, cứu sống bệnh nhân mắc 3 bệnh nguy hiểm

Trong suốt 90 phút của tọa đàm, các chuyên gia, các nhà quản lý đã phân tích, đánh giá, luận bàn, kiến giải khá rõ nét về thực trạng tình hình triển khai tự chủ bệnh viện trên các khía cạnh, cả mặt được và những mặt còn hạn chế, tồn tại.

Theo PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, lý do bệnh viện Bạch Mai sau hai năm thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33 nay lại xin dừng để chuyển sang tự chủ chi thường xuyên theo nhóm hai Nghị định 60 là do: Cơ chế thực hiện tự chủ toàn diện chưa đầy đủ; Giá dịch vụ y tế không được tính đúng, tính đủ; Quy định về liên doanh liên kết máy móc, trang thiết bị chưa rõ ràng dẫn tới thiếu trầm trọng trang thiết bị phục vụ người bệnh…

GS. TS. Nguyễn Anh Trí và PGS.TS Đào Xuân Cơ (trái) - Ảnh: VGP.

GS. TS. Nguyễn Anh Trí và PGS.TS Đào Xuân Cơ (trái) - Ảnh: VGP.

Ông lấy ví dụ việc tự chủ về giá trong Nghị quyết 33, dù thực hiện tự chủ nhưng bệnh viện đang thu giá khám chữa bệnh BHYT theo quy định của Bộ Y tế, nhưng mức giá này đã lạc hậu, lỗi thời, mới chỉ tính 4/7 yếu tố cấu thành viện phí, dẫn đến thu không đủ bù chi. Trong khi đó, nếu bệnh viện tự chủ toàn diện thì cần tự quyết cả 7 yếu tố cấu thành viện phí. Ngoài ra, còn có nguyên nhân là không còn nguồn thu từ trang thiết bị, máy y tế xã hội hóa…

Tương tự, GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cũng cho biết, ông đã nghiên cứu rất nhiều về cơ hội của việc tự chủ toàn diện đem lại khi thực hiện, ví dụ như giải phóng được những cản trở do cơ chế hoạt động cũ, tự chủ được về chuyên môn, tự chủ về tổ chức.

Tuy nhiên, các thách thức bệnh viện phải đối mặt cũng rất nhiều, như không có vốn để đầu tư, giá viện phí chưa được tính đúng tính đủ, bệnh nhân phải chi trả phí điều trị cao hơn, bệnh viện chịu áp lực phải nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và cạnh tranh với các bệnh viện tư nhân để thu hút bệnh nhân.

Phân tích việc thí điểm tự chủ toàn diện thất bại tại hai Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai, TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nêu 3 nguyên nhân: Thứ nhất, thể chế chưa đáp ứng được nhu cầu để tự chủ toàn diện. Thứ hai, tổ chức thực hiện có vấn đề. Thứ ba, là cơ chế giá. "Qua kinh nghiệm giám sát về y tế 20 năm qua, tôi khẳng định chưa có cơ sở y tế nào, kể cả tuyến trên và dưới, đủ điều kiện để tự chủ toàn diện", ông Lợi nói.

Là một người đã nhiều năm trực tiếp quản lý bệnh viện, GS.TS. Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cho biết, một người làm quản lý cần nhất là cơ chế, “Cần cơ chế nhiều hơn cần tiền”, việc bệnh viện tự chủ toàn diện thất bại là do cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện, dễ sai phạm và nếu làm không khéo sẽ dẫn đến tư nhân hóa viện công, sai định hướng xã hội chủ nghĩa, sai đường lối của Đảng.

Ông cho rằng, bệnh viện chỉ nên tự chủ ở mức 2 hoặc 3 (chi thường xuyên, chi một phần) theo Nghị định 60, không nên tự chủ ở nhóm 1 (tự chủ toàn diện) vì hiện tại chưa có văn bản, quy chế để thực hiện.

Đồng tình với quan điểm của GS.TS Nguyễn Anh Trí, ông Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Y tế, cho rằng nên để các bệnh viện tự quyết định xem họ thuộc nhóm tự chủ nào. Bởi các bệnh viện sẽ chịu trách nhiệm trước sức khỏe của người dân và chịu trách nhiệm trước pháp luật, Bộ Y tế, Sở Y tế.

TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - Ảnh: VGP/Quang Thương.

TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - Ảnh: VGP/Quang Thương.

Bên cạnh đó, ông cũng nhắc đến vai trò chủ đạo của Nhà nước, nếu bệnh viện thuộc tự chủ ở nhóm nào thì Nhà nước vẫn phải bảo đảm nguồn ngân sách để chi đầu tư và chi các hoạt động khác trong điều kiện các đơn vị y tế công lập không thể tự chủ được.

Để có thể hoàn thiện thể chế, ông Quang đưa ra một số giải pháp như: xây dựng thông tư về giá và tính đúng tính đủ 7 yếu tố cấu thành giá thì tất cả bệnh viện mới tự chủ được tài chính; phải có văn bản hướng dẫn liên doanh liên kết, đặt máy; khẩn trương sửa Thông tư 14, 15 để khắc phục tình trạng thiếu thuốc; điều chỉnh tiền lương cho nhân viên y tế...

 
 

Ngành y tế Việt Nam thực hiện lộ trình chuyển đổi sang cơ chế tự chủ tài chính trong 20 năm qua, khởi đầu bằng Nghị định 10 và trải qua nhiều lần điều chỉnh với mức chủ động ngày càng cao. Đến năm 2018, tất cả bệnh viện công cả nước đã thực hiện tự chủ ở những mức độ khác nhau. Năm ngoái, Chính phủ ban hành Nghị định 60, các bệnh viện chia thành 4 nhóm tự chủ, gồm: nhóm 1 tự chủ toàn diện; nhóm 2 tự chủ chi thường xuyên; nhóm 3 tự chủ một phần chi thường xuyên; nhóm 4 nhà nước đảm bảo 100% chi thường xuyên.

Việt An
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội