Empty
Empty

Trong Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ, hai Nhà Lãnh đạo tái khẳng định hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư và tăng trưởng kinh tế bao trùm dựa trên đổi mới sáng tạo đóng vai trò nền tảng cốt lõi và động lực quan trọng trong quan hệ song phương.

Hai bên nhất trí tạo điều kiện thuận lợi và mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa, dịch vụ của mỗi nước, hỗ trợ chính sách thương mại, kinh tế và các biện pháp theo quy định để đạt được mục tiêu trên; cùng nhau giải quyết các vấn đề như rào cản tiếp cận thị trường thông qua Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư.

Về hợp tác y tế, hai Nhà lãnh đạo đánh giá cao quá trình hoạt động của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC: Center of Disease Control) của Hoa Kỳ tại Việt Nam trong 25 năm qua và hoan nghênh việc thành lập Văn phòng CDC khu vực tại Hà Nội vào năm 2021 cũng như kế hoạch thành lập Trung tâm CDC Quốc gia của Việt Nam. Hai Nhà Lãnh đạo ghi nhận những đóng góp của hợp tác giữa hai nước trong ứng phó với đại dịch COVID-19, đồng thời khẳng định sẽ tăng cường phối hợp bảo đảm an ninh y tế như: ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với các đại dịch và các nguy cơ dịch bệnh toàn cầu khác. Hai Nhà Lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của hợp tác xử lý hiểm họa dịch bệnh do tiếp xúc giữa con người và động vật, tiếp tục mở rộng tiêm chủng, hỗ trợ các hoạt động y tế công cộng như đào tạo nhân lực về khoa học xét nghiệm và sức khỏe cộng đồng (One Health).

Có lẽ đây là lần đầu tiên, hai Nhà Lãnh đạo Việt Nam và Hoa Kỳ đề cập một cách cụ thể mối quan tâm và khả năng hợp tác giữa hai quốc gia trên lĩnh vực dược.

Qua thông điệp ngắn gọn này, có thể thấy trong thời gian tới hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ trong lĩnh vực dược sẽ được phát triển nhằm các mục tiêu và thông qua các biện pháp cụ thể sau:

Empty

Hợp tác trong việc sản xuất, cung ứng dược phẩm liên tục về thời gian, đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng cao, không bị đứt gẫy chuỗi cung ứng dược phẩm trong bất cứ trường hợp nào… là một trong những trụ cột an ninh y tế của bất cứ quốc gia nào và trên toàn thế giới vì cùng với quá trình toàn cầu hóa kinh tế, nhân loại cũng đang chứng kiến một quá trình “toàn cầu hóa dịch bệnh” mà đại dịch COVID-19 vừa qua là một bài học đau đớn. Siêu vi khuẩn SARS-CoV 2 và các siêu vi khuẩn khác trong tương lai sẽ không phân biệt các cường quốc kinh tế với các quốc gia đang phát triển.

Phát triển công nghiệp dược trong nước và đảm bảo an ninh về dược phẩm cũng là mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam kỳ vọng trong Quyết định 376/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 phê duyệt “Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045”: “Đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Phấn đấu giá trị xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 1 tỷ USD” và “Đến năm 2045, phấn đấu tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP trên 20 tỷ USD”.

Empty

Hợp tác giữa hai quốc gia Việt Nam và Hoa Kỳ trong ngành dược nhằm tăng “mức độ tương thích của các quy định”. Có thể hiểu, để tham gia vào quá trình hợp tác, các thể chế và/hoặc các quy định về quản lý dược phẩm ngày càng phải tương thích để không là trở lực trong quá trình sản xuất, lưu thông, xuất - nhập khẩu dược phẩm của cả hai quốc gia. Cũng có thể hiểu để thúc đẩy quá trình tương thích về quy định/quy chế, phải chăng cũng cần thúc đẩy sự tương thích giữa các cơ quan quản lý dược phẩm mà sự tham gia vào hệ thống các cơ quan quản lý dược chặt chẽ (SRA: Stringent Regulatory Authority) và các cơ chế công nhận lẫn nhau như Công ước thanh tra dược (PIC: Pharmaceutical Inspection Convention) và Chương trình hợp tác thanh tra (PIC/S: Pharmaceutical Inspection Co-operation Scheme) là những trường hợp cụ thể, điển hình và cực kỳ quan trọng. Những mục tiêu này cũng đã được Chính phủ Việt Nam đề ra tại Quyết định 376/QĐ-TTg, trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh đến các giải pháp về thể chế, pháp luật: “Tăng cường năng lực cơ quan quản lý dược theo hướng phù hợp với mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ tương tự các quốc gia tiên tiến trên thế giới và tham gia hệ thống thanh tra dược”. Bài học về chia sẻ thông tin và công nhận lẫn nhau trong hoạt động đăng ký thuốc, vaccine, trang thiết bị y tế phòng chống đại dịch COVID-19 vừa qua không chỉ là bài học cho công tác quản lý dược ở Việt Nam mà còn là bài học chung trên toàn thế giới. Sự hợp tác, xây dựng lòng tin và công nhận lẫn nhau trong hoạt động quản lý dược thông qua các phương tiện công nghệ thông tin sẽ tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí… đặc biệt là chi phí cơ hội cho người bệnh trong thời kỳ khủng hoảng y tế.

Empty

Rõ ràng, sau chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam và thông qua Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ và tiếp theo ngay sau đó, chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Hoa Kỳ, các tập đoàn dược phẩm Hoa Kỳ sẽ có nhiều kế hoạch tham gia vào thị trường dược phẩm Việt Nam trong đó đầu tư trực tiếp là một kênh quan trọng. Các tập đoàn và công ty dược phẩm Hoa Kỳ trong giai đoạn 2017-2022 chiếm 64,4% thị trường thuốc mới toàn cầu (Nguồn: IQVIA, 2022), trong năm 2022 thị trường dược phẩm Hoa Kỳ đạt 527 tỷ USD, chiếm trên 30% so với thị trường dược phẩm 1.482 tỷ USD toàn cầu (Nguồn: Statista, 2022), là đối tác tiềm năng mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tìm kiếm cơ hội đầu tư. Vấn đề đặt ra cho công nghiệp dược trong nước là phải chuẩn bị như thế nào để sẵn sàng đón nhận cơ hội, để hội nhập và hợp tác mà không bị hòa tan?

Empty
Empty
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý