
“Ráng lên con!”
Ông bà Huỳnh Văn Ẩn - Lê Thị Thắm (390/13A đường số 9, P.16, Q.Gò Vấp, TP.HCM) không nhớ hết bao nhiêu lần đưa con trai là Huỳnh Lê Võ chạy chữa bệnh tật, khi co giật, lúc khó thở, viêm phổi... Đến nỗi bác sĩ vừa nhác thấy người mẹ còm nhom ẵm trên tay đứa bé oặt ẹo quen thuộc, đã khoát tay: “Chị đi chỗ khác đi, ở đây không trị được đâu”. Người mẹ khẩn nài: “Tôi biết con tôi yếu sức, bệnh nặng, xin bác sĩ giúp giùm. Chừng nào con bỏ tôi đi thì phải chịu, còn giờ tôi lòng dạ nào ngồi nhìn con sốt cao mà không chạy chữa, bác sĩ rủ lòng thương”.
Do thai buông nhau sớm, bị ngộp, sinh non (chỉ hơn bảy tháng), nên Võ vừa chào đời đã mang chứng loạn trường lực cơ (một dạng bại não). Thoi thóp, yếu ớt, Võ được các bác sĩ giành lại sự sống sau 20 ngày nằm trong lồng kính. Bà bán bò bía, ông mướn xích lô chở khách nuôi hai con trai cùng bà nội và mẹ ông nên nhà túng thiếu trăm bề, tã cho bé, ông bà phải xé từ tấm màn cửa cũ.
Ông Ẩn - bà Thắm luôn túc trực chăm sóc con trai
Từ bệnh viện về, Võ khóc ngằn ngặt suốt ngày đêm, mặt cứ nghếch lên, mắt liếc trừng trừng. Sợ con mù, điếc, ông Ẩn phải thử nghiệm bằng cách lắc lắc đồ vật trước mặt xem con có chớp mắt hay không. Ba - bốn tuổi, Võ vẫn không biết đi, chỉ lăn lóc trong nhà, vật vã với những cơn gồng co vô thức. Ông Ẩn, bà Thắm đút cơm cho Võ rất khó khăn, uống nước cũng chỉ dùng ống hút. Sáu - bảy tuổi, Võ tập tự ngồi, đứng bằng cách tựa lưng vào tường. Bà Thắm kể: “Thằng bé cố ghìm người, tựa vách đứng lên ngồi xuống đến sờn cả áo, rớm máu lưng. Đứng được rồi nhưng nó lại không thể giữ thăng bằng, toàn thân vặn vẹo, đầu chao đảo. Tám, chín tuổi, Võ mới bước được những bước đi đầu tiên trong tiếng vỗ tay khích lệ của cả nhà”.
Để Võ có được những tiến bộ đó, ông bà đã kiên trì, khổ công tập từng chút một cho con. Một người tốt bụng đã nhường cho Võ phiếu tập vật lý trị liệu ở Bệnh viện Nhi Đồng 2. Nhìn con nhoài người trên trục lăn, hét toáng, xanh mặt, vã mồ hôi vì đau đớn, ông bà cắn răng nuốt nước mắt vào trong. Nhiều lần không cam lòng, bà định gỡ con ra khỏi dụng cụ tập luyện nhưng kịp dừng lại. Bà thầm thì bên tai Võ: “Ráng lên con, chịu đau vậy mới bớt tật nguyền!”.
Không có tiền để đi viện, về sau, ông bà tự tập cho con tại nhà, căn cứ vào những động tác đã học lóm. Thời còn là nhân viên của một công ty, sáng sớm, ông đánh thức con dậy, tập cho con trên dưới hai mươi động tác rồi mới đi làm. Nhiều lúc uể oải, đau đớn, Võ vùng vằng: “Khó quá, đau quá, con không làm được!”. Những lúc quá tức giận, Võ hét: “Tại tui có tật nên tui không làm được. Ai đã có tật đâu mà biết!”. Ông nóng, cáu gắt. Bằng sự nhẹ nhàng và kiên nhẫn của người phụ nữ, bà xoa dịu chồng, dỗ ngọt con để cả hai lại cùng hợp tác.
Huỳnh Lê Võ thích thú khi được phóng viên tặng báo Phụ Nữ
Chỉ mong con cầm được muỗng để ăn cơm
Ông bà không chỉ khổ công giúp con tiến bộ về mặt vận động mà còn đưa con tiếp cận kiến thức. Chắt chiu từng chút khả năng của con, ông Ẩn thử dạy Võ nhìn mặt chữ, con số lúc năm, sáu tuổi. Không ngờ chỉ bốn, năm tháng, Võ có thể đánh vần được. Trí nhớ của Võ không thua kém người bình thường. Rồi ông dạy con cộng, trừ, nhân, chia. Bà nội dù già yếu vẫn dò bản cửu chương hàng ngày cho cháu. Được học chữ, Võ bắt đầu thích đọc sách. Kinh tế khó khăn nhưng ông bà không tiếc món ăn tinh thần này, thuê truyện, mua sách cho con xem. Phải giở từng trang sách bằng ngón chân, Võ vẫn say sưa đọc nhiều tác phẩm dày cộp. Ông Ẩn cũng nhờ sách để “lên dây cót” tinh thần những khi Võ muốn buông xuôi, bỏ cuộc. Ông nói: “Con đọc sách thấy đâu phải thế gian này chỉ mình con tật nguyền. Con còn may mắn hơn nhiều người vì chỉ tật tay chân và có thể cải thiện nếu kiên trì tập luyện”.
Nhờ sách vở, Võ đã không còn quá bi lụy về bản thân, biết thương cha mẹ nặng gánh vì mình. Mỗi chiều, tắm xong, Võ cúi lạy tứ phương để cầu cả nhà khỏe mạnh, cầu… trúng số để mọi người bớt vất vả. Có thức ăn ngon, Võ dành phần cho mẹ. Thấy cha đau nhức mình mẩy, Võ nằm xuống, dùng hai chân đấm lưng cho cha. Có những sớm tinh mơ, Võ giật mình thức giấc, lồm cồm dậy choàng mền đắp cho cha.
Hiện cuộc sống cả nhà bốn người của ông bà chỉ trông vào đồng lương nhân viên đại lý gạo của anh Huỳnh Lê Văn, anh Hai của Võ. Anh Hai 43 tuổi vẫn chưa dám nghĩ tới hạnh phúc riêng, sợ đa mang sẽ thêm khổ, sợ chị dâu không thương đứa em khờ. Để chạy chữa cho Võ, cả nhà đã hai lượt bán nhà lớn để mua lại nhà nhỏ, hẻm sâu. Năm 2008, bị đột quỵ, ông Ẩn nghỉ việc, ở nhà. Giờ tuổi đã 74, sức yếu hơi mòn, ông vẫn ngày mấy lượt tập luyện để con không bị cứng khớp, co rút, chậm trí. Ông thường đẩy xe lăn đưa con đi chơi gần nhà. Gia đình tiêu xài tằn tiện, dành tiền mua sữa, thuốc bồi bổ cho “út cưng”. Ước nguyện duy nhất của ông bà và anh Văn là Võ cầm được muỗng múc được cơm ăn, hoặc chỉ cần cầm nắm được thức ăn đưa vào miệng. Viễn cảnh đơn độc, bơ vơ, lạc lõng của Võ khiến ông bà lo lắng. Bà Thắm thường dặn dò con: “Mai này cha mẹ qua đời, hằng ngày anh phải đi làm kiếm tiền, con ở nhà một mình làm sao có thể ăn uống? Con phải ráng rèn tập để tự lo cho mình”.
Bình luận của bạn