Chú ý một số vấn đề răng miệng có thể cảnh báo bệnh
Tại sao người bệnh Parkinson nên chú ý chăm sóc sức khỏe răng miệng?
Bạn đã bảo vệ răng đúng cách chưa?
5 vấn đề răng miệng do stress gây ra
Đái tháo đường ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng như thế nào?
Rụng răng, mất răng: Loãng xương
Bệnh loãng xương có thể ảnh hưởng tới tất cả các xương trong cơ thể - bao gồm cả xương hàm và có thể gây rụng răng, mất răng. Khi mất, rụng răng, bạn có thể bị biến dạng khuôn mặt, đau xung quanh khớp thái dương - hàm (phần kết nối hàm trên và hàm dưới).
Các xương ổ răng - các xương ngay dưới chân răng rất dễ bị thoái hóa khi cơ thể thiếu calci, gây nên tình trạng rụng răng, mất răng.
Rụng răng, mất răng: Bệnh thận
Những người trưởng thành bị rụng răng, mất răng sẽ có nguy cơ phát triển bệnh thận mạn tính cao hơn những người bình thường. Dù chưa làm rõ được nguyên nhân, nhưng các chuyên gia y tế cho rằng, tình trạng viêm mạn tính trong cơ thể có thể là cầu nối liên kết các vấn đề răng miệng với bệnh thận.
Rụng răng, mất răng có thể cảnh báo bệnh thận
Lợi/nướu răng nhợt nhạt: Thiếu máu
Lợi có thể bị đau, nhợt nhạt khi bạn thiếu máu. Cụ thể, khi thiếu máu, cơ thể sẽ không thể sản sinh đủ hồng cầu, hoặc các tế bào hồng cầu không chứa đủ hemoglobin. Kết quả là cơ thể sẽ không có đủ oxy.
Ngoài ra, một vài dấu hiệu khác báo hiệu bạn đang bị thiếu máu bao gồm: Hay cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, khó chịu, khó thở. Da bạn sẽ trở nên tái xanh, chân tay lạnh, móng tay giòn, nhịp tim không đều…
Men răng bị ăn mòn: Rối loạn ăn uống
Nếu thấy men răng bị ăn mòn, các nha sỹ có thể cho rằng bạn đang gặp rối loạn ăn uống, đặc biệt là chứng ăn - ói. Những người này thường có thói quen ăn uống vô độ, sau đó lại cố gắng nôn, lạm dụng thuốc nhuận tràng… để kiểm soát cân nặng.
Rối loạn ăn uống có thể gây ăn mòn men răng
Việc nôn mửa lặp lại nhiều lần có thể khiến răng liên tục phải tiếp xúc với acid dạ dày, về lâu dài có thể làm xói mòn men răng, tăng nguy cơ sâu răng. Xói mòn men răng có thể khiến bạn nhạy cảm hơn với nhiệt độ, khiến răng nhỏ dần đi, thậm chí có thể dẫn tới rụng răng, mất răng. Người mắc chứng ăn - ói cũng thường cảm thấy miệng và lưỡi khô, đau cổ họng…
Tưa miệng: HIV, đái tháo đường
Người bị HIV/AIDS thường dễ bị tưa miệng, nhiễm nấm… do hệ miễn dịch bị suy yếu. Tình trạng tưa miệng có thể gây ra những tổn thương trên lưỡi, hoặc bên trong má, khiến bạn cảm thấy đau đớn. Người bị HIV/AIDS cũng thường cảm thấy khô miệng, có nguy cơ sâu răng cao và gặp khó khăn khi nhai, nuốt hoặc nói chuyện.
Tình trạng tưa miệng cũng có thể xảy ra ở những người bị đái tháo đường. Nếu không kiểm soát đường huyết tốt, nước bọt sẽ chứa lượng đường lớn, khuyến khích sự phát triển của nấm Candida.
Bệnh nướu răng: Viêm khớp dạng thấp
Những người bị viêm khớp dạng thấp sẽ có nguy cơ mắc các bệnh nướu răng cao gấp 8 lần so với người bình thường. Nguyên nhân là do tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể co thể ảnh hưởng xấu tới cả 2 căn bệnh. May mắn là khắc phục được tình trạng viêm nướu có thể giúp làm giảm đau và viêm khớp.
Bệnh nướu răng ở phụ nữ mang thai: Sinh non
Phụ nữ mang thai mắc các bệnh về nướu sẽ có nhiều khả năng sinh non. Nguyên nhân chính xác gây nên tình trạng này chưa được làm rõ, nhưng các nhà khoa học cho rằng, tình trạng viêm nhiễm, nhiễm trùng trong cơ thể có thể là nguyên nhân.
Những thay đổi hormone trong thời kỳ mang thai cũng có thể làm trầm trọng thêm các bệnh nướu răng. Hãy trao đổi với bác sỹ về tình trạng này để tìm ra các biện pháp điều trị an toàn cho cả mẹ và bé.
Bình luận của bạn