Lên chùa lễ Phật để cầu nguyện sự bình an, may mắn và an lạc cho cả gia đình
Vẻ đẹp "chưa từng thấy" các thành phố trên thế giới nhìn từ trên cao
Bốn chân lý về hạnh phúc thực sự của đức Phật
Truyền nhân của Đức Phật - Những câu chuyện có thật
Năm Đinh Dậu mạn đàm về chữ “An”
Lễ chùa cầu an – một phong tục đẹp
Đi chùa lễ Phật cầu an đầu năm mới là một nét đẹp trong phong tục văn hóa truyền thống, một thói quen văn hóa với ý nghĩa tìm đến một giá trị tinh thần để cầu nguyện sự bình an, may mắn và an lạc cho cả gia đình trong năm.
Phong tục đi chùa là một nét văn hóa của người Á Đông nói chung. Ở Việt Nam, theo quy luật của tự nhiên “Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, Đông tàng” (mùa Xuân thì sinh ra, mùa Hạ thì trưởng thành, mùa Thu thì thu liễm, mùa Đông thì bế tàng). Vì vậy, phong tục đi chùa lễ Phật mong tâm bình an, mọi điều đều tốt lành, sinh sôi nảy nở, đã trở thành yếu tố tâm linh gắn với văn hóa, tín ngưỡng của người Việt từ bao đời nay.
Tại nhiều ngôi chùa, đầu năm thường tổ chức lễ cầu an. Theo quan niệm của nhà Phật, tổ chức lễ cầu an (thường được tổ chức vào những tháng đầu năm) còn là dịp để mọi người thành tâm sám hối tội lỗi, tiêu trừ nghiệp chướng, bỏ điều ác làm điều lành, thực hiện những việc thiện như phóng sinh, bố thí, cúng dường Tam bảo, phát nguyện hồi hướng công đức. Để từ đó, bản thân và gia đình tai qua nạn khỏi, giảm tội, tiêu tai, tăng phúc, thân tâm đều an lạc, mọi sự bình an, hanh thông. Như thế, chùa chiền không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo mà còn là địa điểm để mỗi người lắng lại lòng mình với những ý nghĩ tốt lành, những việc làm hướng thiện.
Xét trên phương diện quốc gia, lễ cầu an còn mang ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, người người được sống trong cảnh thanh bình, yên ổn.
Cầu an trong đạo Phật
Theo quan niệm của Phật giáo, cầu an không phải là cầu xin hay van xin, quỵ lụy trước một đấng siêu hình có khả năng ban ơn.
Đức Phật khẳng định, có những thứ sau đây không thể do cầu nguyện hay ước muốn suông mà có được: Đó là Tuổi thọ (àyu), Sắc đẹp (va.n.na), Hạnh phúc (sukha), Danh tiếng (yasa), Sinh cõi trời (saga).
Theo Đức Phật, muốn đời sống an lạc, hạnh phúc cần trau dồi đạo đức, thiền định và trí tuệ
Điều này có nghĩa, muốn có sức khỏe, ta phải biết sống tiết độ, thiền định, không sa đắm sắc dục, không rượu chè, hút hít, năng tập thể dục thể thao, ngủ nghỉ thích hợp. Muốn có sắc đẹp, phải biết giữ gìn sức khỏe, ăn uống kiêng cữ, nghỉ ngơi hợp lý, làm việc điều độ. Muốn có đời sống hạnh phúc nên làm điều thiện, bỏ ác, tuân thủ pháp luật, sống vì lợi ích của mình và người khác. Muốn có danh tiếng phải siêng năng học tập, làm việc chăm chỉ, sống có lương tâm, đạo đức, cương trực, công bằng, thanh cao, rộng lượng, làm nhiều việc tốt. Muốn sinh cõi trời phải tu thân tích đức, phát triển 10 hạnh lành, tu thiền định, bố thí, cúng dường, làm nhiều việc thiện.
Tất cả những thứ này không thể do cầu nguyện hay ước muốn mà có được. Kinh điển Phật giáo xác định, muốn đời sống an lạc, hạnh phúc và giải thoát không phải là hệ quả của những ước muốn cao đẹp mà là kết quả của quá trình nỗ lực, trau dồi đạo đức, thiền định và trí tuệ.
Mơ ước nhưng vẫn cần phải có nỗ lực thực hiện thì mới thành hiện thực. Làm việc tận tâm dựa trên khả năng, sức lực, nhân đức của mình thì mong muốn ấy mới thành sự thật được. Khi có nguyện vọng về một cuộc đời bình an thì phải biết cách sống trọn vẹn với tâm nguyện đó.
Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông cùng nhiều vị tổ khác đã từng nói: Phật tại tâm, mang hàm ý mỗi chúng sinh, mỗi con người đều vốn đã có Phật tính. Phật không phải ngoại cầu, mà tìm ở trong chính bản thân mình. Cho nên, đi lễ chùa cầu an đầu Xuân năm mới chỉ là để làm khởi phát cái thiện tâm của mỗi người.
Vậy thì tại sao lại cần phải cầu an?
Theo đạo Phật, trong mỗi con người đều chứa đựng đầy đủ hạt giống của từ bi và trí tuệ, nhưng cũng xen lẫn rất nhiều hạt giống xấu ác. Cầu an là một trong những pháp thực tập để ta nhận ra những điều tốt, làm những điều thiện.
Không chỉ mang ý nghĩa tiêu trừ, giải nghiệp, những việc làm tốt đẹp trong lễ cầu an sẽ tạo nghiệp thiện, được các vị chư Phật và Bồ tát gia hộ cho bản thân và gia đình, được hưởng nhiều phước lành.
Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng mọi phước đức đời này đều đã được vun trồng, chăm chút từ nhiều đời trước kết hợp với nghiệp trong hiện tại tạo nên. Nghiệp trong hiện tại này chính là thái độ sống, quan niệm, suy nghĩ, hành vi tiêu cực hoặc tích cực trong đời sống hàng ngày. Không tạo thêm nghiệp xấu, tạo nhiều nghiệp thiện lành trong hiện tại là thái độ sáng suốt để cải thiện đời sống, sống đời hạnh phúc, an vui.
Ngược lại, nếu sống giả dối, lọc lừa, trộm cắp, buông thả, không có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, thì dù có cầu bao nhiêu cũng chẳng an được.
Tương tự như vậy, ngoài việc cầu mong tâm niệm, mỗi người muốn an lạc nội tâm, sống khỏe mạnh thì phải tự trau dồi đời sống đạo đức và trí tuệ, giúp đỡ mọi người, sống tỉnh thức trong từng phút giây của hiện tại, không chìm đắm trong khổ đau của quá khứ, không hoài vọng về tương lai, không buồn khổ, lo âu hay sợ hãi, luôn biết vừa đủ, “thiểu dục tri túc”… Sống như vậy thì lúc nào tâm cũng an, thân cũng khỏe mạnh và hạnh phúc. Sự an lạc đến ngay từ trong tâm.
Vì những lợi ích này, lễ cầu an đã giúp mọi người hiểu được và thực hiện một cách tự nhiên đạo lý nhân quả, nghiệp báo, tránh suy nghĩ và hành động xấu ác, để cả năm được tốt lành.
Cầu an là gì?
An tức là sự an ổn, an lạc, thanh thản, bình yên… là tất cả những gì đem tới sự thảnh thơi trong cuộc sống, trên phương diện vật chất lẫn tinh thần. Cầu có nghĩa là mơ ước, là mong muốn, nguyện vọng hướng về một vấn đề gì đó.
Cầu an theo nghĩa đen là “cầu cho một người nào đó được khỏe mạnh và an lạc”. Cầu an là sự mong muốn, là ước vọng được khỏe mạnh, an lạc và hạnh phúc.
Bình luận của bạn