Trong một buổi nói chuyện về rượu, PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, Nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định: Uống vừa đủ để mình đẹp hơn, như chú công đực mạnh mẽ, quyến rũ với bộ lông mượt mà, óng ánh sắc màu, mới là người thực sự biết uống rượu, biết thưởng rượu và hiểu về rượu với đúng bản chất văn hóa của nó.
“Thưởng” rượu thế nào?
Văn hóa uống rượu gắn liền với sự phát triển của nhân loại. Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều có một loại "quốc tửu". Nó hiện diện trên bàn ăn, trong bữa tiệc trọng đại nhất của họ.
Văn hóa rượu gắn liền với những sự kiện lịch sử quan trọng, đi vào thơ ca, truyền thuyết của mỗi dân tộc, quốc gia. Rượu đóng vai trò quan trọng trong tôn giáo, thờ cúng và lễ nghi. Hơn thế nữa, loại thức uống giải khát này giữ vai trò tất yếu, góp phần làm tăng sự vui thú và chất lượng cuộc sống con người. Thậm chí, có người còn cho rằng, rượu còn gắn liền với sự phát triển của y học, mang tính chữa bệnh, sát trùng và giảm đau.
Tuy nhiên, thưởng rượu thế nào là đúng? Thưởng thế nào là hay? Câu trả lời phụ thuộc vào quan điểm của mỗi người, mỗi quốc gia, dân tộc.
Với người Châu Âu và nhiều quốc gia khác trên thế giới hiện nay, trong những nghi lễ long trọng hay những sự kiện vui mừng, không thể thiếu sự hiện diện của champaigne hay rượu vang. Tại các quốc gia Châu Á, không thể thiếu những chén rượu gạo tự chưng cất. Mỗi chén rượu, ly rượu cất lên giống như sự trân trọng, tri ân... khách quý, đối tác, bạn bè, người thân, gia đình. Đó là sự ghi nhận những thành công của công việc. Mỗi người nâng lên là để thể hiện sự trân trọng đó, nhấp một chút để chất men nồng từ từ lan tỏa trong vòng miệng, thấm vào lưỡi, xuống họng, đem lại cảm giác hưng phấn, thư thái cho người thưởng thức.
Thế là thưởng rượu!
Thế nên, nhiều người cho rằng, cứ “dzô” thật đã không phải là cách thưởng rượu, mà đó là sự phí hoài của những tinh chất được chiết xuất từ gạo, từ nho, từ lúa mạch... và từ những cực phẩm tinh túy mà gần gũi với đời sống con người.
Uống có trách nhiệm!
Khi nhắc đến rượu không thể không nhắc đến những dòng rượu nổi tiếng, những thứ rượu có hàng nghìn năm lịch sử như rượu vang, champaigne, cognac, whisky, rhum, gin hay vodka. Hay thứ rượu gạo được nấu theo phương thức truyền thống của người Châu Á – thứ rượu mà các quý ông Việt Nam vẫn thích hơn cả bởi nó đốt cháy cổ họng mỗi khi uống và nó thể hiện được “bản lĩnh phái mạnh” tốt hơn tất thảy.
Một cuộc khảo sát nhỏ của phóng viên Health+ cho thấy, sự lạm dụng rượu bia đang diễn ra trong hầu hết các sự kiện, các hoạt động giao tiếp xã hội. Các cuộc nhậu với bia rượu “tràn cung mây” đang được coi là con đường nhanh nhất để người ta gây dựng các mối quan hệ xã hội, hòa nhập trong mọi hoàn cảnh. Nhưng, tác hại của nó lại không hề nhỏ với cả sức khỏe của người uống, hạnh phúc gia đình và ảnh hưởng đến toàn xã hội.
Cũng không ít quý ông cho rằng, cứ say đi, về nhà các bà đã chuẩn bị sẵn những thức uống giải rượu, giảm say, giảm tác hại. Đây cũng là một nhận thức sai lầm của không ít người. Những thứ thức uống giải rượu được họ viện ra có thể có những tác dụng phụ hoặc không thải loại được các loại độc tố nguy hiểm mà sự lạm dụng rượu có thể để lại trong cơ thể. “Ngay cả thứ nước uống sức khỏe - là tập hợp của những hoạt chất sinh học giúp giải độc rượu, thải độc gan, nâng cao sức khỏe tốt nhất – cũng không thể giải quyết được triệt để những tác hại từ rượu khi mà người ta cố tình lạm dụng nó” – PGS.TS Trần Đáng chia sẻ.
Thế nên, uống có trách nhiệm, có văn hóa vẫn là điều cần được nhấn mạnh. Giữ gìn văn hóa thưởng rượu từ nghìn đời, uống có trách nhiệm với bản thân, với gia đình và toàn xã hội là điều mà mỗi người cần ghi nhớ trước khi nâng chén!
Bình luận của bạn