Vấn nạn đề kháng kháng sinh: Lời cảnh báo toàn cầu!

Vào Ngày Sức khỏe Thế giới 7/4/2011, WHO đã cảnh báo tình trạng đề kháng kháng sinh đang là mối quan ngại toàn cầu và việc khẩn thiết nâng cao nhận thức về việc xuất hiện các loại vi khuẩn độc hại, thông qua khẩu hiệu: “Chống kháng thuốc, không hành động hôm nay ngày mai không có thuốc chữa”. Tháng 3/2012, bà TS. Margaret Chan, Tổng giám đốc WHO, nhân hội nghị ở Copenhagen, Đan Mạch, đã đưa ra lời cảnh báo về tình trạng bi thảm của đề kháng kháng sinh: “Vi khuẩn đã vuột khỏi tầm tay của các kháng sinh, kể cả các kháng sinh thuộc loại quý hiếm”. Gần đây nhất, trong báo cáo “Vi khuẩn kháng thuốc”, WHO tiếp tục khẳng định, từ dữ liệu của 114 quốc gia, kháng sinh không hiệu quả trước nhiều loại vi khuẩn đang phổ biến khắp thế giới.

Vấn nạn đề kháng kháng sinh: Lời cảnh báo thống thiết!

Những mối nguy khó lường

Theo định nghĩa chuyên môn, một loại vi khuẩn đề kháng kháng sinh khi loại vi khuẩn này vẫn có thể sinh trưởng, phát triển được với sự hiện diện của một nồng độ kháng sinh cao trong cơ thể hơn gấp nhiều lần nồng độ ngăn chặn sự sinh trưởng, phát triển của các loại vi khuẩn khác hoặc của chính loại vi khuẩn đó trước đây. Nói nôm na, với liều dùng thông thường, kháng sinh bị lờn chẳng có tác dụng gì đối với vi khuẩn mà trước đây nó tỏ ra rất hiệu quả. Ở đây, cần nhấn mạnh, khi nói đến đề kháng kháng sinh là nói đến vi khuẩn chống lại tác dụng của kháng sinh chứ không nói đến ký sinh trùng (như ký sinh trùng gây bệnh sốt rét) hay siêu vi (còn gọi virút, như siêu vi gây bệnh viêm gan B, C). Bởi vì, kháng sinh không tác dụng đối với ký sinh trùng (thuốc trị ký sinh trùng được gọi là thuốc kháng ký sinh trùng) cũng như không tác dụng đối với siêu vi (thuốc trị siêu vi được gọi là thuốc kháng virút).

Đề kháng kháng sinh xuất hiện rất sớm, gần như song hành với sự xuất hiện kháng sinh. Kháng sinh (KS) đầu tiên là penicillin được sản xuất đại trà và chính thức được dùng trong điều trị bệnh nhiễm khuẩn vào năm 1945 thì vào năm 1948, người ta phát hiện VK Staphylococcus aureus đề kháng (tức lờn) với KS này. Vài năm sau đó, con người chống lại S. aureus đề kháng bằng cách tìm ra KS mới là nhóm methicillin. Nhưng đến năm 1961, S.aureus lại đề kháng methicillin để được gọi tên MRSA (Methicillin-resistant Staphylococcus aureus). Khi đó, muốn chống lại MRSA phải dùng vancomycin là KS quý hiếm, dự trữ sau cùng. Đến năm 1997, tai họa lại đến là vì MRSA đề kháng được cả vancomycin để nghiễm nhiên mang tên VRSA (Vancomycin-resistant Staphylococcus aureus). Hiện nay, các VK đề kháng được gọi là “super bugs” (tạm dịch “siêu mầm bệnh” hoặc “vi khuẩn siêu đề kháng”) bởi vì không chỉ có VRSA mà gần đây, có thêm VK rất nguy hiểm đã đột biến gen mang gen tiết ra enzym New Dehli Metallo beta-lactamase (viết tắt là NDM-1) đề kháng các KS thuộc nhóm carbamenem (gồm imipenem, meropenem…) là nhóm kháng sinh rất mạnh, thuộc loại dự trữ sau cùng chỉ dùng khi bị nhiễm khuẩn rất nặng. Do carbamenem diệt được nhiều loại vi khuẩn đã đề kháng các loại kháng sinh khác kể cả vancomycin. “Siêu mầm bệnh” này được nhận diện là Klesiella pneumoniae thường gây bệnh viêm phổi và nay được gọi tắt là CRKP (Carbapenem-resistant Klebsiella pneumoniae). Hiện nay, tên MRSA, VRSA, CRKP được xem là nỗi kinh hoàng của giới chức y tế. Chỉ riêng MRSA hằng năm gây chết khoảng 20.000 người ở Mỹ, vượt xa HIV/AIDS.

Nguy hiểm hơn, lạm dụng, dùng bừa bãi KS không chỉ làm gia tăng đề kháng KS mà còn làm gia tăng lực độc của vi khuẩn. Cách đây không lâu, nhiễm khuẩn Escherichia coli (E. coli) trở thành vấn đề y tế công cộng gây khủng hoảng nhiều nước bên châu Âu. Nước Đức và một số nước lân cận đã đương đầu với sự bộc phát do nhiễm E. coli. E. coli độc hại này được xác định do biến đổi gen thành chủng mới có mã hiệu E. coli O1O4:H4 không chỉ đề kháng các KS thông thường mà còn tiết ra độc tố gây Hội chứng tan máu trong nước tiểu (Hemolytic uremic syndrome hay HUS) đưa đến xuất huyết do giảm tiểu cầu và suy thận có thể gây tử vong ở người bệnh.

Người ta ghi nhận chính việc sử dụng kháng sinh bừa bãi, không đúng cách không đủ liều sẽ làm cho vi khuẩn không bị tiêu diệt hết, một số khả năng thích ứng, đặc biệt có sự đột biến gen trên nhiễm sắc thể kiểm soát sự nhạy cảm đối với kháng sinh, số này tồn tại, phát triển thành “chủng” vi khuẩn mới mà kháng sinh đã sử dụng sẽ không còn tác dụng đối với chúng nữa. Có khoảng 10% trường hợp vi khuẩn thoát khỏi sự tấn công của kháng sinh bắt nguồn từ đột biến gen trên nhiễm sắc thể của tế bào vi khuẩn (đề kháng loại này gọi đề kháng nhiễm sắc thể) nên có tính chất di truyền, tức vi khuẩn bố mẹ truyền tính đề kháng này lại cho con cháu và cứ thế phát triển mãi. Nhưng nguy hại hơn là 90% trường hợp còn lại là tính đề kháng được truyền không chỉ từ vi khuẩn bố mẹ sang vi khuẩn con cái mà còn từ vi khuẩn loại này sang qua vi khuẩn loại khác thông qua một cấu trúc di truyền khác có tên là plasmid nằm ngoài nhiễm sắc thể của tế bào vi khuẩn (đề kháng loại này gọi đề kháng ngoài nhiễm sắc thể). Trở lại trường hợp vi khuẩn đề kháng mang gen NDM-1 là Klebsiella pneumoniae CRKP (gây bệnh viêm phổi) và E.coli O1O4:H4 (gây nhiễm khuẩn tiêu hóa, tiết niệu…). Hai vi khuẩn này đột biến gen ở plamid để có tính đề kháng ngoài nhiễm sắc thể. Nguy hiểm là hai loại vi khuẩn này không phải truyền tính đề kháng cho con cháu của chúng mà truyền cho tất cả các vi khuẩn loại khác khi cận kề với chúng.

Biết rõ những vấn đề vừa nêu, mới thấy thảm họa đề kháng kháng sinh là có thật và sự cảnh báo thống thiết đưa ra là rất cần thiết.

Nên làm gì để đáp lại cảnh báo thống thiết?

Người dân chúng ta có thể góp phần cải thiện tình trạng đề kháng kháng sinh bằng cách thực hiện mấy điều sau đây tưởng là đơn giản nhưng thực tế nhiều người không làm:

1. Người bệnh nên dành quyền chỉ định KS cho thầy thuốc (tức bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh thì mới dùng). Không nên tự ý sử dụng KS một cách bừa bãi, không đúng lúc, không đủ liều.

2. Khi được bác sĩ ghi đơn chỉ định dùng KS, nên dùng thuốc đúng liều lượng, đủ thời gian như đã chỉ định, không nên ngưng, bỏ thuốc nửa chừng cho dù thấy bệnh cải thiện.

3. Lưu ý, có một số KS chống chỉ định, tức là không được dùng ở: phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, trẻ con. Đây là đối tượng phải để bác sĩ khám bệnh và chỉ định KS khi cần thiết. Sử dụng KS bừa bãi ở các đối tượng này có khi là nguy hiểm.

4. Một số bệnh nhiễm khuẩn thường có triệu chứng sốt nhưng không phải tất cả các trường hợp bị nóng sốt đều là do nhiễm khuẩn. Hơn nữa, nếu thực sự bị nhiễm khuẩn, việc dùng KS đủ liều thường kéo dài trong nhiều ngày (thông thường từ 5 - 7 ngày). Vì vậy, hoàn toàn không nên chỉ mới thấy cảm sốt sơ sơ là vội uống vài viên KS rồi thôi (!).

5. Trên nguyên tắc, nếu VK còn nhạy cảm với KS cổ điển, thông dụng thì sử dụng KS loại này và tránh dùng KS loại mới. Những KS mới thường được khuyến cáo chỉ dùng trong bệnh viện hoặc khi có sự chỉ định cân nhắc của bác sĩ điều trị. Đó là thuốc quý có tính dự trữ, nếu sử dụng bừa bãi chắc chắn trong thời gian ngắn sẽ bị lờn.

6. Nhiều mầm bệnh thường lây lan qua đường tiêu hóa (như E. Coli, kể cả bệnh nhiễm siêu vi như bệnh tay chân miệng). Do đó, nên rửa tay bằng xà bông trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, nên nấu chín thức ăn, tránh ăn rau cải sống chưa được rửa kỹ, tránh ăn thức ăn còn lại từ hôm trước mà không được nấu lại ở nhiệt độ sôi thích hợp…

PGS.TS.DS. NGUYỄN HỮU ĐỨC (Đại học Y Dược TP.HCM)

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất