Không nên đi bơi, tiếp xúc với nước biển khi có vết thương hở
Lại có thêm bệnh nhân bị vi khuẩn "ăn thịt người" xâm nhập
Người đàn ông bị vi khuẩn ăn thịt chân sau chuyến đi biển
5 mẹo nhỏ phòng chống nhiễm khuẩn khi du lịch từ chuyên gia độc chất
Những sai lầm khi rửa tay khiến bạn dễ mắc bệnh lây nhiễm
Ngày 30/6, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận một nam bệnh nhân (sinh năm 1961, Hải Phòng) bị nhiễm trùng máu do vi khuẩn V. vulnificus. Bệnh nhân có tiền sử bệnh gan do uống rượu nhiều, trước đó có ăn hải sản chưa được nấu chín kỹ.
V. vulnificus là vi khuẩn thuộc chi vi khuẩn Vibrio. Một số chủng Vibrio có trong thủy hải sản tươi sống như tôm, hàu có thể gây ngộ độc thực phẩm. Chưa có bằng chứng bệnh do vi khuẩn này có thể lây từ người sang người.
Nguy hiểm hơn cả, vi khuẩn V. vulnificus có thể gây ra nhiễm trùng máu và viêm cân mạc hoại tử rất nhanh. Cái tên “vi khuẩn ăn thịt người” bắt nguồn từ đó.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh của Mỹ (CDC) cho biết, mỗi năm nước này có trung bình 205 ca nhiễm khuẩn do V. vulnificus ở mọi lứa tuổi. Một số trường hợp tử vong sau 1-2 ngày nhiễm bệnh.
Theo thông tin của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, từ đầu tháng 7 đã xuất hiện một số bệnh nhân nhiễm trùng máu do vi khuẩn này.
Nhiễm bệnh như thế nào
Nguyên nhân nhiễm khuẩn V. vulnificus phổ biến nhất là do ăn hải sản chưa được nấu chín như tôm, cua, đặc biệt là hàu sống. Sau khi ăn thực phẩm có V. vulnificus ký sinh, người bệnh sẽ có biểu hiện tiêu chảy, co giật, sốt, ớn lạnh và nôn mửa trong vòng 24h. Triệu chứng có thể kéo dài đến 3 ngày.
Vi khuẩn này cũng có thể xâm nhập qua vết thương hở khi đi bơi ở những vùng nước nhiễm khuẩn. Người bệnh nổi ban đỏ, xuất hiện tụ máu, bầm máu lan ra từ vết thương. Dưới da có các vết sưng cục bộ gây đau khi chạm vào.
Bàn tay của một nam bệnh nhân nhiễm Vibrio vulnificus. Ảnh: The New England Journal of Medicine.
Các bệnh do vi khuẩn Vibrio có thể xuất hiện ở bất cứ ai, nhưng những người mắc bệnh nền về gan, thận, đái tháo đường, ung thư hoặc có tiền sử uống rượu đặc biệt dễ mắc loại bệnh nguy hiểm này.
Cách phòng tránh
Ăn hàu sống có thể gây ngộ độc và nhiễm khuẩn Vibrio vulnificus
CDC đưa ra những hướng dẫn sau để phòng tránh bệnh do V. vulnificus:
- Không ăn hải sản, đặc biệt là hàu chưa nấu chín.
- Rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn sau khi chạm vào hải sản tươi sống.
- Bảo quản hải sản ở nhiệt độ thấp để ngăn chặn vi khuẩn sinh sôi
- Khi có vết thương hở như trầy xước, vết cắt, hạn chế tiếp xúc với nước lợ hoặc nước mặn. Dùng băng dán cá nhân không thấm nước để ngăn vết thương nhiễm trùng.
- Nếu vết thương tiếp xúc với nước bẩn, rửa sạch dưới vòi nước chảy, rửa vùng da xung quanh với xà phòng và sơ cứu vết thương.
Người nổi mẩn đỏ hay có biểu hiện ngộ độc, nôn mửa sau khi tiếp xúc hoặc ăn hàu sống, nên được đưa đến bệnh viện sớm nhất có thể. Dù nhiễm khuẩn V. vulnificus có thể điều trị sớm với thuốc kháng sinh, một số trường hợp nghiêm trọng cần nhập viện để phẫu thuật cắt bỏ chi bị hoại tử.
Các bác sỹ cảnh báo, người dân có thể nhiễm V. vulnificus nếu có vết thương khi tham gia các hoạt động trên biển như bơi lội, câu cá, cầm nắm hải sản. Khi vết thương đỏ và có hiện tượng nhiễm trùng, người dân nên ngay lập tức đến cơ quan y tế gần nhất để được điều trị.
Bình luận của bạn