Vì sao bỏ bản chấp thuận tiêm chủng?

Tuy nhiên, Hoa Kỳ cho phép cha mẹ khỏi đưa con đi tiêm chủng, vì lý do cá nhân hay tôn giáo và nảy sinh vấn đề có đồng ý tiêm hay không tiêm chủng.

Ở Việt Nam, trong chương trình tiêm chủng, có lúc có nơi yêu cầu cam kết/ chấp thuận/đồng ý tiêm chủng, tương tự như trước khi phẫu thuật hay tiến hành một số thủ thuật chẩn đoán hay điều trị khác. Mới đây sở Y tế TP.HCM vừa quyết định bỏ giấy cam kết của cha mẹ trước khi tiêm chủng cho trẻ, và nghe nói điều này được sự đồng tình của dư luận.

Đúng là trong tình hình nóng bỏng qua vụ tai biến vắcxin viêm gan B, tranh thủ được sự ủng hộ của dư luận là cần thiết nhưng bằng cách này thì ngành y tế lại phải đối mặt với nhiều thách thức khác...

Tiêm chủng cho trẻ nhỏ (ảnh minh họa).

1. Theo Hiệp hội Y học Hoa Kỳ, giấy chấp thuận (informed consent) là hình thức trao đổi thông tin giữa bệnh nhân và thầy thuốc, mà kết quả là bệnh nhân cho phép hay đồng ý để một can thiệp y khoa đặc biệt nào đó được thực hiện trên cơ thể họ. Quy trình thực hiện giấy chấp thuận phản ánh sự tôn trọng quyền tự quyết định của bệnh nhân, và đặc biệt có ý nghĩa với tiêm chủng.

Trong thực hành, nguyên tắc này cũng cần được áp dụng tôn trọng. Mặc dù các chương trình tiêm chủng đã chứng minh được lợi ích qua sự bảo vệ cộng đồng chống lại nhiều bệnh nhiễm trùng, nhưng vẫn có nhiều ý kiến cho rằng những thông tin về ích lợi cũng như nguy cơ về một vắcxin cần được thông tin đầy đủ, và quyết định có tiêm ngừa hay không cũng cần được dành cho những người tiếp nhận hoặc gia đình của họ (trong trường hợp trẻ em).

Khi từ chối quyền quyết định về những vấn đề có liên quan đến sức khoẻ của bản thân hay gia đình bằng cách từ bỏ bảng chấp thuận, chúng ta đã từ bỏ quyền quyết định những vấn đề có liên quan đến sức khoẻ của mình, đi ngược lại những quyền lợi mà con người đã giành được sau nhiều thập kỷ.

Về phía ngành y tế, chúng ta sẽ không chứng minh được đã thực hiện trao đổi thông tin cho người được khuyến cáo tiêm chủng và vô tình biến khuyến cáo của mình thành một mệnh lệnh bắt buộc, người tiêm chủng bị cưỡng bức nhận một vắcxin nào đó. Cơ quan Phòng chống bệnh tật Hoa Kỳ (US - CDC) trong phát hành một bản thông tin tiêm chủng đề cập đầy đủ lợi ích và nguy cơ của từng loại vắcxin (VIS) và luật Liên bang đòi hỏi những người thực hiện tiêm chủng cung cấp bản này cho người đi chích, cha mẹ hay người giám hộ trong trường hợp là trẻ em, trước khi tiêm chủng. Bảng này chưa phải là bảng chấp thuận (consent form) vì tuỳ theo luật của từng bang nhưng có thể sử dụng để làm bảng chấp thuận khi có yêu cầu.

2. Thực ra dư luận hiện nay cho là ngành y tế muốn chối bỏ trách nhiệm khi có tai biến. Sự hiểu lầm như vậy phần lớn do những giấy chấp thuận, cam kết... được trình bày không rõ ràng và cũng có phần quy trách trách nhiệm cho bên tiếp nhận. Nếu sau khi trình bày tất cả lợi ích và nguy cơ, người đi tiêm chỉ cần xác nhận đã đọc, đã được trình bày tất cả nguy cơ, lợi ích và đồng ý tham gia thì đa số người đi chích ngừa sẽ chấp nhận. Một nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho thấy quyết định của người đi chích ngừa phụ thuộc vào khuyến cáo của thầy thuốc. Thầy thuốc khuyến cáo mạnh mẽ thì số đồng ý tăng gấp bốn lần. Điều này cho thấy trao đổi, tư vấn của thầy thuốc rất quan trọng. Cho đến nay, ở Việt Nam thời gian dành cho việc này còn rất giới hạn. Như vậy, không phải từ bỏ bảng chấp thuận thì số lượng tiêm chủng sẽ tăng lên và trách nhiệm của ngành y sẽ giảm; trái lại dành thời gian cho trao đổi giữa phía cung cấp dịch vụ (thầy thuốc) và bên được hưởng dịch vụ (người đi tiêm chủng) sẽ làm cho việc chấp thuận dễ dàng và tạo ra nền tảng pháp lý phù hợp với quy định trên thế giới cho hoạt động tiêm chủng.

3. Một vấn đề bức xúc khác của người dân là sự đền bù khi có tai biến xảy ra. Điều 30, luật Phòng chống các bệnh truyền nhiễm quy định: "Khi thực hiện tiêm chủng mở rộng, nếu xảy ra tai biến ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ hoặc gây thiệt hại đến tính mạng của người được tiêm chủng, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại. Trường hợp xác định được lỗi thuộc về tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, bảo quản vắcxin, sinh phẩm y tế hoặc người làm công tác tiêm chủng thì tổ chức, cá nhân này phải bồi hoàn cho Nhà nước theo quy định của pháp luật". Trớ trêu thay, là phần lớn các trường hợp tai biến đều không "xác định được nguyên nhân". Vắcxin tốt, quy trình đúng... thì ai chịu trách nhiệm? Có hay không có bảng chấp thuận rồi kết cục cũng giống nhau. Người bị tai nạn tiêm chủng muốn gì? Họ muốn biết vì sao con họ tử vong không phải để khiếu kiện mà tránh được cái chết cho những cháu khác và đau khổ cho gia đình liên quan!

Bảng chấp thuận tiêm chủng sẽ làm tăng thêm trách nhiệm của thầy thuốc, của Nhà Nước và trách nhiệm cũng như sự thông hiểu của bản thân người được tiêm/gia đình của các cháu về tiêm chủng. Nước Anh có làm, nước Mỹ có làm, nước Úc có làm, Singapore có làm, sao Việt Nam lại bỏ đi?

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn