Viêm lộ tuyến cổ tử cung - gây vô sinh nếu không điều trị dứt điểm

Viêm lộ tuyến cổ tử cung là bệnh thường gặp ở độ tuổi sinh nở và số lượng người mắc bệnh ngày càng nhiều.

Nhận biết viêm lộ tuyến bằng cách nào?

Phòng viêm lộ tuyến bằng cách nào?

Hiểu đúng về viêm lộ tuyến cổ tử cung

Cách phát hiện buồng trứng đa nang và viêm lộ tuyến cổ tử cung

Theo ThS. BS Lê Thế Vũ, Trưởng khoa Chuyên ngành Phụ sản & Nam học, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thì “Điều nguy hiểm là rất nhiều phụ nữ mắc bệnh này mà không biết là mình mang bệnh để có biện pháp điều trị phù hợp…”

Không lành như bạn tưởng…

Chị T.T.Nga (28 tuổi, Từ Liêm, Hà Nội) đã lập gia đình được 4 năm. Cách đây khoảng 1 năm, trong đợt đi khám sức khỏe tổng thể, bác sỹ sản phụ khoa kết luận chị bị viêm lộ tuyến cổ tử cung rộng 1,5 cm. “Sau đợt khám đó tôi đã điều trị theo đơn thuốc của bác sỹ và tiến hành diệt tuyến theo chỉ định. Nhưng thời gian gần đây, tôi vẫn thấy ra nhiều khí hư và có mùi hôi. Tôi cứ nghĩ rằng đây là biểu hiện bị nấm vì trước đó tôi đã tiến hành diệt tuyến, nhưng đến khi đi khám, bác sỹ kết luận tôi bị viêm lộ tuyến cổ tử cung và sự tái lại này là do trước đó tôi điều trị chưa dứt điểm…”, chị Nga chia sẻ. 

Lộ tuyến cổ tử cung là tình trạng lớp tế bào tuyến trong ống cổ tử cung phát triển lan ra mặt ngoài cổ tử cung. Đây là loại tổn thương lành tính nhưng do các tế bào tuyến lộ ra ngoài vẫn tiết dịch như khi ở trong cổ tử cung nên bệnh nhân thường có hiện tượng tăng tiết dịch âm đạo, dễ dẫn đến viêm nhiễm và gọi là viêm lộ tuyến cổ tử cung. Những viêm nhiễm tại âm đạo, cổ tử cung, tử cung… đều làm giảm khả năng thụ thai và có thể dẫn đến vô sinh thứ phát.

Lộ tuyến cổ tử cung được chia thành 2 loại, là lộ tuyến sinh lýlộ tuyến cổ tử cung mắc phải. Lộ tuyến sinh lý gặp ở độ tuổi sau dậy thì và ở đầu độ tuổi sinh sản do thay đổi nội tiết tố nữ, đặc biệt là tình trạng tăng estrogen. Lộ tuyến cổ tử cung mắc phải là do quá trình sinh đẻ, nạo hút thai nhiều lần, dùng thuốc tránh thai hỗn hợp hàng ngày…, thường gặp ở lứa tuổi sinh đẻ.

Theo ThS. BS Lê Thế Vũ, chị em không thể tự phát hiện ra viêm lộ tuyến cổ tử cung mà chỉ có thể phát hiện được bệnh khi đi khám phụ khoa. Tuy nhiên, chị em cũng có thể căn cứ vào một số biểu hiện điển hình để đi khám và được điều trị kịp thời.

Nếu chỉ có lộ tuyến cổ tử cung đơn thuần thì thường có biểu hiện ra khí hư nhầy, trong, số lượng nhiều hoặc ít, không có mùi, ra liên tục không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. Khi lộ tuyến cổ tử cung kết hợp viêm nhiễm, tùy theo từng loại vi khuẩn gây viêm mà có biểu hiện như: Khí hư nhầy, vàng đục hoặc loãng đục như mủ, có mùi hôi, hoặc vón cục như bột trắng, hoặc thành mảng màu xanh vàng như bã đậu. Tại âm hộ có thể sưng, nóng, đỏ, đau, ngứa, rát, hoặc tiểu tiện buốt…, có thể rong huyết hoặc ra máu bất kỳ…

Viêm lộ tuyến cổ tử cung có thể gây vô sinh

Tình trạng lộ tuyến cổ tử cung dễ dẫn đến viêm lộ tuyến cổ tử cung và do một số nguyên nhân cơ bản như: Vệ sinh hàng ngày, vệ sinh trong chu kỳ kinh nguyệt không thường xuyên, không đúng cách; Nguồn nước, quần lót, băng vệ sinh… không đảm bảo yêu cầu; Quan hệ vợ chồng không đảm bảo vệ sinh hoặc quan hệ với nhiều bạn tình; Nạo hút thai tại các cơ sở y tế không đảm bảo an toàn; Do dùng một số thuốc kháng sinh hoặc do khi có thai, nội tiết tố thay đổi dẫn đến mất cân bằng pH âm đạo và dễ gây viêm nhiễm; Làm việc quá căng thẳng, chế độ dinh dưỡng kém, sức đề kháng có thể giảm dẫn đến vi khuẩn dễ tấn công hơn…

“Nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách, viêm lộ tuyến cổ tử cung có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến ung thư cổ tử cung, vô sinh thứ phát” bác sỹ Vũ cho biết thêm. Hiện nay, phương pháp điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung được áp dụng chủ yếu là dùng thuốc uống hay đặt (tùy loại vi khuẩn) để loại bỏ vi khuẩn gây bệnh đối với những tình trạng bệnh nhẹ. Còn với những trường hợp viêm lộ tuyến cổ tử cung nặng cần phải tiến hành đốt diệt tuyến cổ tử cung bằng điện, laser hoặc áp lạnh. Trước khi điều trị, chị em sẽ được soi cổ tử cung, làm tế bào ung thư hay còn gọi là tầm soát ung thư cổ tử cung để xác định những tổn thương là lành tính hay ác tính, từ đó đưa ra những phương pháp điều trị thích hợp nhất cho bệnh nhân.

Nếu bị viêm nhiễm kéo dài, chị em cần điều trị tích cực, dứt điểm cho bệnh khỏi hoàn toàn, bởi nếu lộ tuyến không được điều trị khỏi thì viêm nhiễm rất dễ tái phát. Mặc dù là tổn thương lành tính nhưng sự nguy hại của lộ tuyến là đẩy nhanh sự phát triển của nhiễm khuẩn ở cổ tử cung, sau đó, nhiễm khuẩn ngược dòng gây viêm nội mạc tử cung và viêm tiểu khung. 

6 lưu ý trong phòng và hạn chế viêm lộ tuyến cổ tử cung:
1. Rửa và thay băng vệ sinh trong chu kỳ kinh nguyệt 4 giờ/lần vì máu kinh là môi trường rất thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
2. Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đúng cách (từ trước ra sau), nguồn nước vệ sinh âm hộ đảm bảo sạch, không ngâm vùng kín trong chậu nước hoặc ao hồ.
3. Không dùng nước quá nóng hoặc dung dịch có tính sát khuẩn mạnh để vệ sinh vùng kín.
4. Không đưa tay hay vật lạ vào để làm sạch âm đạo vì sẽ làm mất lớp niêm dịch bảo vệ âm đạo.
5. Hạn chế tối đa nạo hút phá thai ngoài ý muốn, thực hiện quan hệ 1 vợ 1 chồng.
6. Nên khám phụ khoa thường xuyên, khoảng 3 tháng/lần để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Hoàng Ngọc (H+)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Phụ khoa