Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 - Ảnh: Báo Lao Động
Hơn 2 triệu liều vaccine Mỹ tặng về đến Việt Nam
Bộ Y tế điều động 25 chuyên gia đầu ngành giúp TP.HCM chống dịch COVID-19
Bắc Bộ có lúc trở mưa dông, ngày nắng gián đoạn
Gợi ý mâm cơm cuối tuần hấp dẫn, đầy đủ dinh dưỡng trong mùa dịch
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam
Tại Việt Nam, tính đến 6h ngày 10/7 có tổng cộng 24.696 ca ghi nhận trong nước và 1.912 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 23.126 ca, trong đó có 6.210 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Số ca tử vong: 110 ca. Số ca điều trị khỏi: 8.984 ca.
Tính đến 16h ngày 9/7, tổng cộng nước ta đã thực hiện tiêm 4.010.786 liều vaccine phòng COVID-19. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi là 258.274 người.
Hơn 3 triệu liều vaccine phòng COVID-19 đã về Việt Nam
Trong tuần qua, Việt Nam đã có 4 buổi tiếp nhận vaccine phòng COVID-19 với hơn 3 triệu liều. Cụ thể, 97.110 liều vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNtech (7/7), 600.000 liều vaccine của hãng AstraZeneca được Nhật Bản tài trợ (9/7), 580.000 liều vaccine AstraZeneca theo hợp đồng VNVC đặt mua 30 triệu liều (9/7) và 2.000.040 liều vaccine Moderma Mỹ tặng Việt Nam (10/7).
Sáng 10/7, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ phát động triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 toàn quốc. Đây là chiến dịch tiêm chủng quốc gia lớn nhất từ trước tới nay, số lượng tiêm đến hàng triệu mũi và thực hiện trong thời gian ngắn.
Huy động 10.000 cán bộ y tế hỗ trợ TP.HCM chống dịch COVID-19
Sáng 9/7, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì cuộc họp với Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm Tổ trưởng cùng 25 cán bộ là lãnh đạo các Vụ/Cục/Viện/Trường trực thuộc Bộ Y tế, thảo luận và đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho công tác phòng, chống dịch phù hợp với việc thực hiện Chỉ thị 16 tại TP.HCM. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Sơn - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đã thông báo Quyết định số 3338/QĐ-BYT về việc huy động nhân lực y tế để hỗ trợ phòng, chống dịch tại TP.HCM. Theo quyết định này, Bộ trưởng Bộ Y tế điều động 10.000 cán bộ y tế hỗ trợ TP.HCM chống dịch COVID-19.
TP.HCM giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 trong 15 ngày
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn, TP.HCM đã áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn thành phố từ 0h ngày 9/7 trong vòng 15 ngày. Người dân có thể ra khỏi nhà trong trường hợp cần thiết: Mua thực phẩm, thuốc men, thực hiện công vụ.
UBND thành phố giao Sở Y tế tổ chức để kiểm soát dịch bệnh trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16. Theo đó, TP.HCM đã thành lập 22 đội truy vết dịch bệnh, mỗi đội từ 10-30 người tùy theo mức nguy cơ của từng địa phương và giao quyền chỉ đạo đội truy vết này cho các địa phương. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường năng lực xét nghiệm, hoàn thành chỉ tiêu lấy 5 triệu mẫu toàn thành phố. Đồng thời, triển khai các giải pháp khai báo y tế điện tử, hỗ trợ điều tra dịch tễ bằng mã QR trong công tác truy vết, điều tra dịch tễ nhanh chóng, chính xác khi phát hiện trường hợp nhiễm.
Học sinh Hà Nội chưa đi học trở lại vào ngày 10/7
Học sinh Hà Nội chưa thể trở lại trường vào ngày 10/7 để hoàn thành chương trình học như đề xuất của Sở GD&ĐT. Các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục nghiên cứu diễn biến dịch COVID-19 trước khi đưa ra phương án phù hợp.
Mới đây, Văn phòng UBND TP.Hà Nội cho biết đã nhận được tờ trình của Sở GD&ĐT về việc cho học sinh trở lại trường học sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng chống dịch COVID-19. Về việc này, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh giao Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các đơn vị liên quan nghiên cứu kỹ, căn cứ tình hình thực tế diễn biến của dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố để thống nhất đề xuất; Sau đó có tờ trình báo cáo để UBND thành phố xem xét, quyết định.
Phú Yên, Khánh Hòa đề xuất cách ly F1 tại nhà
Trước đề xuất cách ly F1 tại nhà của tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý các địa phương phân loại F1 (dựa trên kết quả xét nghiệm, điều tra dịch tễ, mức độ tiếp xúc gần). Dù khoanh vùng hẹp hay rộng, 2 địa phương đều phải làm chặt, nơi nào đã khoanh vùng phải thực hiện thật nghiêm.
Châu Á tiếp tục là khu vực có ca nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 6h sáng 10/7, thế giới đã ghi nhận 186.515.909 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khi số ca tử vong đã lên tới 4.029.506 ca. Trên 170 triệu người đã phục hồi và hơn 11,8 triệu ca đang phải điều trị. Cùng với sự lây lan của biến thể Delta, tình hình dịch bệnh tại nhiều nước đang diễn biến phức tạp, với số ca nhiễm và tử vong liên tục tăng cao.
Cũng theo trang tin này, với 57.279.920 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 10/7, châu Á tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới. Trong đó, 815.280 ca đã tử vong do COVID-19 và 54.401.304 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
EU, Mỹ và đối tác tài trợ xây nhà máy sản xuất vaccine tại Senegal
Ngày 9/7, Senegal, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, một số chính phủ châu Âu và các đối tác khác đã ký một thỏa thuận tài trợ cho việc sản xuất vaccine tại thủ đô Dakar của Senegal. Được biết, việc xây dựng nhà máy dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối năm nay và 25 triệu liều vaccine sẽ được sản xuất mỗi tháng vào cuối năm 2022.
Cuba cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine phòng COVID-19 nội địa
Hôm qua (9/7), Cuba đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 có tên Abdala, một trong 5 loại vaccine do các nhà khoa học trong nước đang nghiên cứu và bào chế. Như vậy, Cuba là quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latin phê chuẩn sử dụng khẩn cấp một vaccine nội địa.
Pfizer/BioNTech xin cấp phép cho tiêm mũi vaccine thứ 3
Liên quan đến vấn đề vaccine, ngày 8/7, hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và hãng BioNTech (Đức) thông báo sẽ xin cấp phép cho tiêm mũi thứ 3 loại vaccine phòng COVID-19 do 2 công ty này phối hợp sản xuất.
Theo thông báo, Pfizer/BioNTech xin cấp phép tiêm mũi vaccine thứ 3 sau khi dữ liệu ban đầu từ cuộc thử nghiệm cho thấy việc tiêm mũi thứ ba nâng cao mức kháng thể lên 5-10 lần chống lại chủng gốc ban đầu và biến thể Beta, so với khi chỉ tiêm 2 mũi đầu tiên. Theo Pfizer/BioNTech, dựa trên sự sụt giảm về hiệu quả của vaccine ghi nhận tại Israel sau 6 tháng, 2 hãng dược này tin rằng có thể cần tiêm mũi thứ 3 trong vòng 6 đến 12 tháng sau khi tiêm chủng đầy đủ.
Bình luận của bạn