WHO cảnh báo: “siêu vi khuẩn” đe dọa toàn cầu


Nhiều loại thuốc kháng sinh hiện có đang dần bị "vô hiệu hóa"

Theo đó, trong báo cáo “Vi khuẩn kháng thuốc” được công bố ngày 30/4 vừa qua, WHO khẳng định: tình trạng thuốc kháng sinh mất hiệu lực trước nhiều loại vi khuẩn đang trở nên phổ biến toàn cầu. Các dữ liệu được tập hợp từ 114 quốc gia cho thấy, nhiều vi khuẩn (được gọi là “siêu vi khuẩn”) có thể kháng được những loại thuốc kháng sinh mạnh nhất thuộc nhóm carbapenem.

Keiji Fukuda - trợ lý tổng giám đốc WHO - nhấn mạnh: “Chúng ta đang phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng, và các dấu hiệu cho thấy tình hình sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Thế giới đang chuyển sang giai đoạn “hậu kháng sinh” - khi những lây nhiễm thông thường và các chấn thương nhỏ nhặt cũng có thể gây chết người. Nếu chúng ta không thay đổi cách sản xuất và sử dụng thuốc kháng sinh, hậu quả sẽ rất thảm khốc”.


Bảy loại vi khuẩn đặc biệt nguy hiểm

Theo báo cáo của WHO, do tình trạng lạm dụng và sử dụng sai mục đích thuốc kháng sinh, nhiều loại vi khuẩn đã hình thành và phát triển cơ chế chống kháng sinh, trong đó có 7 loại đặc biệt nguy hiểm.

Đơn cử, vi khuẩn MRSA đã khiến hơn 19.000 người ở Mỹ thiệt mạng mỗi năm, thậm chí tại một số khu vực ở Mỹ, tỉ lệ MRSA chống kháng sinh lên tới 90%. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại châu Âu, nơi mà theo báo cáo, tỉ lệ gây tử vong của MRSA dạng “siêu vi khuẩn” lên tới 64%.

Đồng thời, thuốc kháng sinh cũng bị vô hiệu hóa trước vi khuẩn K. pneumoniae (gây viêm phổi và nhiễm trùng) hay vi khuẩn E.coli. WHO cho biết, ở một số quốc gia, ngay cả thuốc kháng sinh nhóm carbapenem - thứ được dùng đến khi mọi loại thuốc đều bất lực - cũng mất tác dụng trước khoảng 50% trường hợp nhiễm K. pneumoniae.

Mỗi năm, bệnh lao cướp đi sinh mạng của khoảng 150.000 người trên thế giới, và "siêu vi khuẩn" lao có thể "kháng" mọi loại kháng sinh.

Theo WHO, tình trạng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh đặc biệt nghiêm trọng ở châu Phi, châu Mỹ, Nam Á, Đông Nam Á và Trung Đông. WHO cũng lo ngại tình trạng vi khuẩn kháng thuốc sẽ khiến bệnh cúm và những chấn thương thông thường trở nên nguy hiểm hơn. Theo các chuyên gia, trong tương lai con người sẽ phải đối mặt với nguy cơ tử vong do nhiễm trùng từ những xây xước thông thường.


Kêu gọi giảm phụ thuộc vào kháng sinh

Để đối phó với tình trạng đáng lo ngại trên, theo WHO, điều đầu tiên chính quyền các nước cần làm là ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm bằng các biện pháp cụ thể, như: xây dựng môi trường vệ sinh, đảm bảo nguồn cung nước sạch, kiểm soát nguy cơ lây nhiễm ở các cơ sở y tế, thực hiện hiệu quả các chương trình tiêm chủng... Tất cả nhằm làm giảm sự phụ thuộc vào thuốc kháng sinh.

Thứ hai, các chính phủ cần thực hiện nghiêm ngặt hơn quy định kiểm soát và sử dụng đúng cách thuốc kháng sinh. Các bệnh viện và bác sỹ chỉ được phép kê đơn thuốc kháng sinh khi thật sự cần thiết. Các bệnh nhân chỉ nên dùng thuốc kháng sinh theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý dùng hoặc ngưng thuốc khi đang điều trị.

Đáng nói là, WHO cũng kêu gọi ngành công nghiệp dược đầu tư phát triển các loại thuốc kháng sinh mới. Trên thực tế trong vài thập niên qua, các hãng dược toàn cầu mới chỉ sản xuất thêm một vài loại thuốc kháng sinh. Bác sĩ Lo Fo Wong - cố vấn cao cấp của WHO - cho biết: “Một số loại kháng sinh mới đưa ra thị trường không thật sự mới, mà chỉ là biến thể của những loại kháng sinh cũ. Điều này dẫn đến nguy cơ vi khuẩn phát triển cơ chế kháng thuốc nhanh hơn”.

Đồng tình với bản báo cáo này của WHO, Tổ chức Thầy thuốc không biên giới (MSF) cho rằng chính phủ các nước và ngành công nghiệp dược cần quan tâm đến vấn đề này và đầu tư sản xuất các loại kháng sinh mới giá rẻ, phù hợp với nhu cầu của các nước đang phát triển.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất