WHO cảnh báo sự thiếu đồng đều trong việc phân bổ vaccine COVID-19

Vấn đề phân bổ vaccine COVID-19 không đồng đều trên thế giới đang khiến WHO "đau đầu".

WHO: Người mẹ mắc Covid-19 vẫn nên tiếp tục cho con bú

Vaccine Covid-19: Độ an toàn, tác dụng phụ và những điểm cần lưu ý

Bộ Chính trị, Ban Bí thư đồng ý chủ trương mua vaccine phòng COVID-19

Thủ tướng yêu cầu phải có vaccine COVID-19 trong tháng 2

Theo số liệu thống kê của Reuters cho thấy, tính đến ngày 18/2,  đã có 351.335 ca nhiễm mới COVID-19 được báo cáo trên toàn thế giới tính trung bình trong vòng 7 ngày, giảm hơn 500.000 ca mới so với thời điểm ngày 7/1. Ngoài ra, số người tử vong do COVID-19 đã giảm từ 17.649 người vào ngày 26/1, xuống còn 10.957 người.

Hiện các báo cáo về số ca nhiễm hàng ngày ở Mỹ cũng đã giảm nhưng nước này vẫn đang là quốc gia chịu tổn thất nặng nề nhất thế giới bởi COVID-19 khi ghi nhận gần 28 triệu ca nhiễm và 490.795 ca tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát.

Chính phủ các nước đã tiến hành nhiều biện pháp phù hợp để ngăn chặn các đợt lây lan của dịch bệnh. Nhưng sự xuất hiện của các biến thể mới của virus đã làm dấy lên lo ngại về hiệu quả của vaccine. Theo Reuters, hiện có 85 quốc gia và vùng lãnh thổ đã bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân và đã tiêm ít nhất 187.892.000 liều.

Phát biểu trong một cuộc họp báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) theo hình thức trực tuyến, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc WHO cho biết, chương trình COVAX - sáng kiến nhằm đảm bảo các nước nghèo có thể tiếp cận với vaccine đã sẵn sàng khởi động. Trong đó, khoảng hơn 330 triệu liều vaccine của AstraZeneca-Oxford và 1,2 triệu liều của Pfizer sẽ được chuyển tới các nước trên thế giới vào cuối tháng 2/2021 thông qua sáng kiến COVAX.

Đây cũng là 2 loại vaccine duy nhất đã được WHO cấp phép sử dụng. Ông Tedros cho biết, WHO đang đợi các nhà sản xuất vaccine thực hiện đúng cam kết của mình. Đánh giá của WHO cho thấy vaccine Astrazeneca đáp ứng được các tiêu chí “phải có” về độ an toàn và lợi ích về hiệu quả của nó vượt trội so với những rủi ro.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc WHO phát biểu tại cuộc họp trực tuyến. Ảnh: Reuters.

Người đứng đầu WHO cũng cho rằng các thỏa thuận mua bán vaccine đơn lẻ sẽ làm "xói mòn" nỗ lực phân phối vaccine công bằng trên thế giới. Theo ông Tedros, thay vì phân phối một cách đơn lẻ, các quốc gia sản xuất vaccine ngừa COVID-19 nên tài trợ vaccine cho các nước khác thông qua cơ chế COVAX, qua đó đảm bảo sự tiếp cận công bằng. 

Bên cạnh đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng hối thúc các nhà sản xuất vaccine ngừa COVID-19 giữ cam kết về việc phân bổ vaccine công bằng trong bối cảnh các nước nghèo nhất thế giới đang đợi những liều thuốc đầu tiên.

Vấn đề này được đưa ra bàn luận khi Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres chỉ trích việc phân phối vaccine "rất không công bằng" với số liệu cho thấy hiện tại 10 quốc gia đang quản lý 75% số vaccine COVID-19 trên toàn thế giới, khiến 130 quốc gia khác đang không có vaccine.

Trong một phân tích về các hợp đồng cung cấp vaccine COVID-19 hiện tại trên toàn thế giới của ONE Campaign (Chiến dịch chống đói nghèo và phòng ngừa bệnh tật) cho thấy, với 5 nhà sản xuất vaccine COVID-19 hàng đầu thế giới là: Pfizer-BioNTech, Moderna, Oxford-AstraZeneca, Johnson & Johnson và Novavax thì các nước như: Mỹ, Liên minh Châu Âu, Anh, Australia, Canada và Nhật Bản đã đảm bảo hơn 3 tỷ liều vaccine - nhiều hơn 1 tỷ so với 2,06 tỷ liều cần thiết để cung cấp cho toàn bộ dân số của họ sử dụng 2 liều cho mỗi người dân. Hay như Gibraltar, một lãnh thổ hải ngoại của Anh nằm ở cực Nam của Tây Ban Nha, hiện đang dẫn đầu thế giới và đã tiêm đủ liều vaccine cho 40% dân số của mình, với giả định mỗi người cần 2 liều.

Các chuyên gia cho rằng, điều này khiến các quốc gia nghèo hơn phải tranh giành nguồn cung vaccine còn sót lại khi thế giới đang tìm cách kiềm chế đại dịch. Vì vậy, các tổ chức trên thế giới đang lên tiếng kêu gọi những quốc gia giàu có chia sẻ vaccine COVID-19 "dư thừa" để có thể tăng cường phản ứng toàn cầu đối với đại dịch và đẩy nhanh sự kết thúc của đại dịch.

Dự kiến trong vài tuần tới, WHO sẽ công bố danh sách cuối cùng các nước nhận vaccine đợt đầu, những liều vaccine đầu tiên sẽ được chuyển đi vào cuối tháng 2 và vận chuyển theo lô vào tháng 3 tới. Theo kế hoạch, đến giữa năm 2021, khoảng 145 nền kinh tế sẽ được nhận đủ vaccine để chủng ngừa cho 3,3% dân số.

Nguyên Hương H+ (Theo Reuters)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin