Chạy đua với thần chết
Có những ca cấp cứu như chạy đua với thần chết. Người mẹ bị sốt não. Đứa con mới 18 tuổi bị xe
tông. Cô vợ đang nấu ăn ngã xuống không cách gì thở được... Người ta gọi vào điện thoại, bất
kể ngày đêm, có người bật khóc, có người như loạn thần kêu cứu không thành lời.
Xe cấp cứu này là chiếc mới nhất trong 3 xe cấp cứu được mua bởi chính tiền quyên góp của bà con tiểu thương, nông dân, những người điều hành trạm xe... ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang
Nghe vậy rồi anh tài xế từ trung tâm từ thiện Bệnh viện Châu Phú (tỉnh An Giang) có đang ngủ ở nhà cũng vùng dậy, 2 giờ sáng cũng leo lên xe, phóng ngay tới nhà bệnh nhân, đi một nước về tới tận TP. HCM là 6 giờ sáng.
Cơ sở từ thiện Bệnh viện Châu Phú ban đầu là nhóm 7 người, gồm ông Võ Văn An (Tư Chưa) và 6 người bạn khác làm bác sĩ, thầy giáo, tài xế, người già nghỉ hưu... Tất cả chung tay lập ra cơ sở và thiết kế mô hình xe cấp cứu từ thiện hoàn toàn miễn phí đầu tiên tại Việt Nam từ năm 2002. Tài xế là những người lái xe chuyên nghiệp, chủ động góp 2 ngày công/tuần để lái xe cấp cứu cho trạm xe này. Hiện nay, cơ sở có đến 12 tài xế chủ lực, và 17 tài xế nhận chạy đột xuất nếu có ca cấp cứu bất ngờ. |
Nhưng đêm thứ tư ấy, chỉ vừa về tới cây cầu dẫn vào xóm thì ông lão tắt thở. Tiếng khóc vang lên rưng rức trong xe. Ông Sáu Đức ngồi lặng đi. Chiếc xe cấp cứu trở thành chuyến đưa xác người về cố hương.
Trớ trêu thay, chỉ hai ngày sau đó, ông Sáu Đức lại phải chạy liền một chuyến Chợ Rẫy- Châu Phú với một... xác người nữa giữa đêm khuya.
Cha vợ của anh Nguyễn Thanh Quyền khám xong bệnh vừa được cho ra về thì thấy mệt, rồi chìm vào hôn mê. Xe cấp cứu của ông Sáu Đức vừa từ An Giang lên đón cũng là lúc ông tắt thở. Chuyến đi về đêm ấy lặng lẽ không một tiếng nói. Anh Quyền đỡ mẹ vợ đang khóc trên xe. Trên buồng lái của mình, ánh mắt ông Sáu Đức nhìn xa xăm: "Nghề này là chạy đua để thắng thời gian vậy đó!".
Ông Võ Văn An (thường gọi là Tư Chưa), người điều hành của trạm xe cấp cứu miễn phí, phải "bám" lấy chiếc điện thoại suốt ngày. Điện thoại ông nóng ran vì những chuyến xe khẩn cấp lên TP.HCM.
Ở bàn cạnh đó, điện thoại chuyển bệnh trong nội tỉnh An Giang cũng không ngớt reo lên. Cứ thế, hằng tháng, 3 chiếc xe cấp cứu miễn phí của cơ sở từ thiện Bệnh viện Châu Phú chạy gần 350 chuyến liên tục, đưa người bệnh tận các xóm nghèo hẻo lánh, trong những tình huống cấp cứu ngặt nghèo, đến được với bác sĩ kịp thời gian.
Ông Tư Chưa kể: "Điện thoại này phải để hoạt động 24/24. Tôi ngủ cũng không được tắt. Có hôm
đang ngủ ngon, nghe điện thoại phải dậy cũng mệt, nhưng cứ nghĩ ra anh em tài xế họ còn phải lái
giữa đêm về tận TP.HCM, mình nghe vài phút rồi lại ngủ, thấy mình còn sướng hơn mấy anh ấy".
Ông Quách Thiên Đức (áo trắng,58 tuổi), tài xế
"già" nhất và phục vụ xe cấp cứu đã 11 năm liên tục
Ban đầu, có một số bệnh nhân sau khi được xe đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời, đã dúi vào tay tài xế vài trăm nghìn gọi là "bồi dưỡng". Nhưng lúc đó, chính những tài xế của đội xe đã tự nguyện nói phải đưa ra quy định tài xế không được nhận tiền, muốn đóng góp gì đợi khỏi bệnh lên cơ sở đóng góp.
Ông Sáu Đức nói: "Mình giúp người phải giúp cho trót, không lẽ miễn phí hết rồi... tài xế nhận tiền? Rồi lỡ có tài xế lấy luôn tiền đó thì sao?". Từ đó, sau nhiều lần điều chỉnh, tài xế xe cấp cứu của cơ sở từ thiện này chính thức không nhận bất cứ bồi dưỡng hay tiền bạc gì từ bệnh nhân khi đang đến bệnh viện.
Cực như chở người bệnh tâm thần
Từ xe cấp cứu miễn phí ban đầu cho bệnh hiểm nghèo, đã có thêm một chuyến hằng tuần chuyên dành cho người tâm thần đi trị bệnh. Ông Tư Chưa nói về chủ trương này: "Tụi tôi rất chú ý bệnh nhân tâm thần. Có chuyến đi phải 4 người khỏe mạnh mớigiữ được bệnh nhân, rồi đưa tới bệnh viện. Gia đình nào có người mắc bệnh tâm thần cũng nghèo khổ lắm. Người bệnh đốt nhà, cầm mảnh sành đâm người thân, xiết cổ, đánh đập cha mẹ... có khi xảy ra cả án mạng. Vì vậy, chúng tôi phải đưa họ đi chữa, họ đỡ bệnh người nhà mới sống được".
Anh Trương Minh Lý (chủ một tiệm ống nước ở xã Thạnh Mỹ Tây, Châu Phú) tình nguyện nhận làm công việc phụ tài xế đưa bệnh nhân tâm thần đi khám vào thứ năm hằng tuần. Đó luôn là một chuyến xe... cảm giác mạnh.
Em Lê Thị Mộng Hường ngồi khép nép trên phản, với một cô gái khác nằm vặt vẹo ngủ vô tư kế bên. Cô bé nói nhỏ: "Em đưa chị gái em đi Bệnh viện tâm thần Tiền Giang. Em phải cho chị uống thuốc để ngủ, chứ không là không đi được".
Anh Lý nhìn cô gái nằm ngửa ra ngủ với những vết cào trên tay, trên áo rồi lẳng lặng đi ra bàn đếm lại sổ bảo hiểm và sổ lấy thuốc. Nhiệm vụ của anh là đưa các bệnh nhân đến bệnh viện tâm thần an toàn, gửi họ vào và mua thuốc cho những bệnh nhân đã được về nhà ở các xóm xa trong ruộng.
Chuyến xe 11 giờ đêm 29/3, ông Sáu Đức đã đưa một bệnh
nhân nam lớn tuổi về tận An Phú (Châu Đốc) sau khi bệnh nhân vừa từ bệnh viện ở TP.HCM về thì tắt
thở
Anh Lý kể lại: "Dụ bệnh nhân tâm thần lên xe thì mình phải nói ngọt. Họ nói gì mình cũng xuôi theo. Nhưng có trường hợp ghê gớm lắm. Có lần, tụi tui ngồi phía trước, cô gái bệnh nhân ngồi phía sau với mẹ. Đang đi, bỗng nhiên cô la hét và... cởi hết áo quần ra. Cả xe phải thắng lại vì hoảng loạn. Mẹ của cô phải gắng lắm mới bắt cô mặc áo quần lại được".
Bà mẹ Lý Thị Lan của cô gái ấy giờ vẫn còn nhớ lần đầu tiên có xe cấp cứu miễn phí tới tận nhà, có hai tài xế xông vào giữ cô gái đưa ra xe. Lần đầu tiên con gái bà được đi khám bệnh tâm thần, mặc dù hơn chục năm gia đình buộc phải xích con giữa nhà. Cô con gái đã từng phá tan cả vách tường, đập bể nền nhà, lúc nào thích lại cởi hết quần áo ra rồi la khóc.
Có hôm, anh Lý thấy bệnh nhân đến hạn không đi khám bệnh, ghé qua nhà thì hàng xóm bảo: "Sáng hắn mới cầm dao rượt chém mẹ, rồi về nhà đập hết chén bát. Ngủ trong nhà đó, nhưng ai cũng sợ nên phải khóa cửa nhốt lại".
Có chuyến đi "bão táp" tới độ tài xế đang hụ còi lái nhanh thì phía sau, bệnh nhân xổ dây trói, xông lên tát vào mặt tài xế một cú trời giáng. Lúc ấy, những người phía sau phải dồn lại, đè trói chặt bệnh nhân rồi cho nằm xuống chứ không dám để ngồi nữa.
Tài xế Trần Thanh Hải nói sau kinh nghiệm nhiều năm chở bệnh nhân mắc bệnh tâm thần: "Thứ nhất là dụ bệnh nhân đi du lịch là họ khoái chịu đi theo. Thứ hai là không bao giờ cho bệnh nhân ngồi sau lưng tài xế. Không biết chuyện gì có thể xảy ra nữa".
Thứ 5 hằng tuần, anh Trương Minh Lý (bên phải - một chủ
tiệm ống nước) tình nguyện đưa bệnh nhân tâm thần đi khám bệnh bằng xe cấp cứu miễn phí
Khi dắt người viết đi thăm từng nhà bệnh nhân tâm thần, anh Lý kể rành rọt hoàn cảnh của họ. Họ đón anh như một người thân trong nhà. Cả đến đứa con tâm thần mặc dù nói năng lung tung, cũng gọi "Lý, Lý".
Có xe chuyển bệnh miễn phí, có tài xế đi kèm, có đưa được người tâm thần đến bệnh viện hay không là nhờ tài... của anh Lý.
Bà Phạm Thị Bần (xã Thạnh Mỹ Tây) kể: "Chú Lý với mấy người nữa phải xông vào đây, con tôi được giữ chặt rồi địu nó ra xe mới đưa nó đi bệnh viện được. Giờ nó bớt quậy, không xé quần xé áo, phá đồ đạc nữa tôi mới đi bán vé số nuôi nó được". Nghe bà kể chuyện, đứa con trai tên Chòn ngơ ngác nhìn mẹ, nói mấy câu: "Trói mới đưa đi được... trói mới đưa đi được".
"Nhưng làm sao để những con người bình thường này có thể duy trì 350 chuyến xe mỗi tháng với gần 100 triệu tiền dầu trong suốt 10 năm qua? Đó là câu chuyện của tình thương yêu đồng loại phi thường không phải chỉ của tài xế hay nhà quản lý xe mà là của sự đóng góp từ hàng nghìn nông dân và tiểu thương trong vùng.
Năm 2002, khi ông Võ Văn An (Tư Chưa) nghỉ hưu, ông đã cùng nhóm bạn 6 người khác lập ra một trạm cơm nước miễn phí cho người nghèo nằm trong Bệnh viện huyện Châu Phú. Nhiều lần chứng kiến cảnh người bệnh nghèo không có tiền đi xe cấp cứu khi cần chuyển viện, cứu thương, 7 người đã viết thư ngỏ đi xin khắp nơi, mua được chiếc xe cấp cứu đầu tiên, khai mở dựán"xe cấp cứu miễn phí" cho toàn tỉnh An Giang. Bấy giờ chưa ai nghĩ ra mô hình này. Ông Tư Chưa nói: "Sắm xe thì dễ thôi! Ai có tiền thì sắm được. Khó nhất của xe cấp cứu miễn phí là duy trì xe chạy". Vậy mà cái cơ sở ấy làm được, từ một chiếc xe đã thành 3 chiếc xe. Những anh tài xế lái xe miễn phí cũng tìm đến bệnh viện, 7 anh tài xế nhận chạy 2 ngày trong tuần không công, và 20 anh tài xế khác nhận điện thoại, rảnh là leo lên xe đi cứu người. Họ đã chạy xe cấp cứu miễn phí được 10 năm tròn. |
Bình luận của bạn