Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em: Cần triển khai thận trọng

Một số quốc gia như Mỹ, Canada, Israel đã chấp thuận sử dụng vaccine COVID-19 cho trẻ em

Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ 12-17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp

WHO khuyến nghị tiêm liều vaccine bổ sung cho người miễn dịch yếu

Đà Nẵng được chọn tiêm thí điểm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi

Việt Nam phát động chiến dịch "Tiêm vaccine - Vững niềm tin"

Chiến lược vaccine đã phát huy hiệu quả

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong đợt dịch thứ 4 (từ 27/4 đến nay), nhiều biện pháp chuyên môn chưa có tiền lệ đã được áp dụng để đáp ứng với diễn biến mới của dịch bệnh. Đặc biệt, chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng nước ta đã góp phần không nhỏ vào kiểm soát sự lây lan nhanh của biến chủng Delta.

Bộ Y tế cho biết, đến ngày 17/10, cơ quan chuyên môn của Bộ đã tiến hành phân bổ 65 đợt vaccine phòng COVID-19 với tổng số 89,3 triệu liều. Cả nước đã triển khai tiêm hơn 64 triệu liều vaccine, hơn 63,6% dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vaccine.

Nhiều tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ 1 liều vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 95% gồm: Long An, Đồng Nai , Khánh Hòa, TP. HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội... Những kết quả này đóng vai trò quan trọng, quyết định để thực hiện tiến trình phục hồi kinh tế, thích ứng an toàn với dịch bệnh.

Lộ trình tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em

Để từng bước tăng diện bao phủ và đạt hiệu quả sử dụng tối đa vaccine phòng COVID-19, Bộ Y tế đã có văn bản số 8688/BYT-DP, đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm đủ liều cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng yêu cầu mở rộng đối tượng tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi từ 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương.

Dự kiến trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục mua, nhập khẩu và tiếp nhận các loại vaccine có công nghệ sản xuất khác nhau, một số loại đã có chỉ định tiêm cho trẻ em. Các kết quả nghiên cứu của nhà sản xuất cũng cho thấy vaccine có hiệu quả phòng bệnh tương tự như ở người lớn và người cao tuổi.

Vaccine phòng COVID-19 của Pfizer đã được một số quốc gia chấp thuận sử dụng cho trẻ em trên 12 tuổi

Trước đó, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấp phép tiêm vaccine phòng COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cũng cấp phép sử dụng vaccine của Pfizer và Moderna cho đối tượng trên 12 tuổi.

Triển khai thận trọng

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em. Mỹ và Canada đã cho phép sử dụng vaccine của Pfizer với trẻ từ 12 tuổi trở lên. Tuy nhiên, chưa cơ quan y tế nào lên tiếng về đề xuất sử dụng vaccine COVID-19 của Pfizer cho trẻ từ 5-11 tuổi. Tại Mỹ, việc tiêm vaccine cho trẻ em đang gặp phải sự nghi ngại từ phụ huynh, và nhiều vấn đề trong quá trình điều phối.

Theo các chuyên gia, so với người lớn, trẻ nhỏ hơn có phản ứng miễn dịch tích cực hơn, dễ chuyển thành các phản ứng mạnh như sốt cao hơn và các phản ứng tại chỗ. Do đó, dữ liệu an toàn của vaccine phải được nghiên cứu tỉ mỉ trước khi đưa ra các khuyến nghị triển khai vaccine ở trẻ em.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên thường có triệu chứng COVID-19 nhẹ hơn người trưởng thành. Do đó, trừ khi trẻ có nguy cơ mắc các triệu chứng COVID-19 nặng, đây không phải nhóm tuổi cần ưu tiên hơn người trưởng thành và người mắc bệnh nền.

Trao đổi với Nhà báo & Công Luận, PGS Nguyễn Huy Nga - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: “Nếu có vaccine tốt tiêm cho trẻ em thì tốt. Vaccine tiêm cho trẻ em phải đảm bảo an toàn. Vấn đề đảm bảo an toàn phải do các tổ chức uy tín đồng ý, được kiểm soát ngặt nghèo. Bộ Y tế cho phép thì mới được tiêm.

Hiện vaccine COVID-19 đang được tiêm cho người lớn. Dịch COVID-19 cho thấy, trẻ em bị COVID-19 nhẹ hoặc ít bị bệnh, nên không vội vàng tiêm cho trẻ.”

Theo văn bản số 8688/BYT-DP của Bộ Y tế, cha mẹ, người giám hộ sẽ thực hiện ký phiếu đồng ý tiêm chủng (nếu đồng ý tiêm chủng cho trẻ từ 12-17 tuổi). Trong quá trình chờ Bộ Y tế và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur xây dựng tài liệu hướng dẫn việc tiêm vaccine cho trẻ em, cha mẹ, phụ huynh cần chủ động bảo vệ con em bằng cách tiêm vaccine đúng lịch, đảm bảo các quy định thích ứng an toàn với dịch COVID-19.

Tiêm đủ vaccine cho người lớn là biện pháp hữu hiệu để nâng cao độ bao phủ vaccine, từ đó bảo vệ trẻ em. Chia sẻ với báo Dân Trí, TS.BS Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam cho hay, trong bối cảnh nguồn cung vaccine ở Việt Nam đang hạn chế, chiến lược vaccine vẫn cần ưu tiên hàng đầu cho nhóm người có nguy cơ diễn tiến nặng và tử vong cao như người cao tuổi, người có bệnh nền. 

Quỳnh Trang H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin