Duy trì cây xanh tuyến vành đai 3 Hà Nội, 5km giá 27 tỷ đồng

Trồng cây vẫn còn nilon buộc nguyên gốc

Vụ chặt hạ 6.700 cây xanh: Số gỗ bán được hơn 1 tỷ đồng

Gần 1.300 cây xanh bị đổ trong trận "cuồng phong" ở Hà Nội

Dông lốc kinh hoàng vô tình tố vụ chặt cây Hà Nội

Hà Nội chi 53 tỷ đồng cắt cỏ, tỉa cây 24km đại lộ Thăng Long

Ông Nguyễn Nguyên Quân - Trưởng ban đô thị HĐND TP Hà Nội - cho biết bất cập đầu tiên trong quản lý, duy tu cây xanh chính là việc phân cấp việc quản lý cây xanh, công viên, vườn hoa cho các quận huyện.

“Thực tế vừa qua các quận huyện quản lý không hiệu quả dẫn đến nhiều đơn vị tham gia việc trồng cây, duy tu nên không kiểm soát được về chất lượng cũng như hiệu quả triển khai”, ông Quân nói.

5km 27 tỷ đồng

Theo tìm hiểu, không chỉ tuyến đại lộ Thăng Long có chi phí cắt cỏ, chăm sóc một ít trúc đào, dâm bụt mỗi năm tốn 53 tỷ đồng như Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nêu, hàng loạt dự án khác cũng với “nhiệm vụ” duy trì cây xanh, thảm cỏ trên địa bàn TP đã được đấu thầu với giá trúng vài chục tỷ đồng mỗi dự án.

Tương tự gói thầu “duy trì cây xanh, thảm cỏ dưới gầm tuyến vành đai 3 (đoạn từ nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi đến bắc hồ Linh Đàm)” dù có chiều dài chưa đến 5km đã trúng thầu với mức giá hơn 27 tỷ đồng.

Đoạn đường Văn Cao - Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh cũng có giá trúng thầu hơn 26 tỷ đồng cho nhiệm vụ duy trì cây xanh thảm cỏ tuyến đường này trong thời gian 45 tháng.

Ông Nguyễn Đức Chung cho biết khoảng ba năm trở lại đây TP thực hiện chính sách xã hội hóa việc trồng cây xanh.

Tuy nhiên, ông Chung cũng thừa nhận bản chất của việc xã hội hóa này không phải là tiền của tư nhân bỏ ra, mà vẫn lấy tiền từ ngân sách TP để đặt hàng các doanh nghiệp trồng cây xanh.

“Chính việc đặt hàng này khiến nhiều công ty lao vào trồng cây xanh nên không kiểm soát được chất lượng nên xảy ra hiện tượng trồng cây bị bật gốc”, ông Chung nói.

Theo ông Quân, việc xã hội hóa mới chỉ là xã hội hóa các đơn vị tham gia trồng cây xanh.

“Bản chất và cách thực hiện là theo cơ chế đặt hàng. Việc đặt hàng được thực hiện theo quy định, tức là tôi đặt hàng để anh tham gia trồng theo đơn giá, định mức mà TP xây dựng. Đó mới chỉ là huy động các thành phần, các đơn vị tham gia nhưng vẫn là dùng kinh phí ngân sách nhà nước, vì thế dẫn đến câu chuyện bất cập là chất lượng thực hiện khác nhau, kích cỡ cây khác nhau và cũng không kiểm soát được chất lượng”, ông Quân cho hay.

Tranh nhau thực hiện dự án vốn ngân sách nhà nước

Ông Quân cho biết trong thực hiện công tác duy tu cây xanh, thảm cỏ, vườn hoa lâu nay đều thực hiện theo đơn giá, định mức của TP quy định.

“Từ cơ sở khối lượng và định mức sẽ tính ra chi phí cho một năm”, ông Quân cho hay.

Tuy nhiên, trong một báo cáo gửi HĐND TP do ông Nguyễn Đức Chung ký nêu rõ “quy trình, định mức duy tu, duy trì không còn phù hợp với thực tế, được xây dựng trên một đơn vị sản phẩm đơn lẻ, khối lượng nhỏ dẫn đến hao phí nhân công, máy móc thiết bị lớn”.

Về giải pháp chấn chỉnh quản lý, duy tu cây xanh, ông Chung cho biết trong báo cáo: TP Hà Nội đã thực hiện việc rà soát, xây dựng quy trình, định mức kinh tế, đơn giá sản phẩm theo hướng thu gọn nội dung công việc, tăng cường cơ giới hóa, giảm giá thành.

Từ việc cắt giảm trên dẫn đến “tỷ lệ giảm đối với tổng kinh phí đặt hàng thường xuyên lĩnh vực duy trì công viên, cây xanh là 40,38%”, báo cáo nêu rõ.

Còn ông Quân cho hay việc rà soát lại toàn bộ đơn giá, định mức cũng xuất phát từ thực tiễn có nhiều bất cập và chưa thật sát với thực tế.

“Việc rà soát lại toàn bộ đơn giá, định mức được thực hiện theo hướng đảm bảo cho đơn vị tham gia hoạt động này đủ bù đắp chi phí nhưng không để lãng phí”, ông Quân nói.

Theo ông Quân, việc giảm tổng kinh phí đặt hàng thường xuyên tới hơn 40% cũng có nghĩa ngân sách TP tiết kiệm được chừng đó.

“Ngay sau khi TP làm việc với những đơn vị thực hiện dịch vụ công ích đã thấy chi phí TP bỏ ra cho những dịch vụ này là rất lớn. Khi mới nhậm chức, chủ tịch UBND TP yêu cầu cắt giảm 30% số chi cho dịch vụ công ích. Việc giảm tới hơn 40% sau rà soát đó nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng, vẫn có thể đảm bảo bằng việc huy động xã hội hóa từ các đơn vị đóng góp, ủng hộ, việc tham gia đặt hàng, đấu thầu”, ông Quân cho hay.

Ông Quân cũng khẳng định để chấn chỉnh những bất cập trong quản lý, duy tu cây xanh, thảm cỏ, công viên, vườn hoa, HĐND TP đã thông qua nghị quyết về phân cấp quản lý.

Theo đó, từ 1/1/2017, UBND TP Hà Nội sẽ quản lý, duy tu, trồng mới, chăm sóc cây xanh trên toàn bộ các tuyến đường cao tốc, các trục lộ chính của Hà Nội, trong đó Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội là đơn vị chủ lực trong công tác quản lý.

“Như vậy sẽ chỉ có một đầu mối trong trồng mới, chăm sóc, duy tu cây xanh thay vì nhiều đơn vị cùng làm như trước đây”, ông Quân cho biết.

Về nguồn vốn, ông Quân cho biết trước đây TP áp dụng cơ chế đặt hàng dùng ngân sách. Sắp tới sẽ huy động thêm các nguồn xã hội hóa từ doanh nghiệp, từ các nhà hảo tâm, kể cả quốc tế hỗ trợ.

“Hà Nội sẽ hoàn chỉnh hệ thống quy trình, định mức đơn giá để đặt hàng, đấu thầu duy trì công viên, vườn hoa, cây xanh trên địa bàn TP từ 1/1/2017. Việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu phải đảm bảo lựa chọn được đơn vị có năng lực, kinh nghiệm, chất lượng duy trì tốt với chi phí hợp lý, phù hợp với các quy định của pháp luật”, báo cáo về giải pháp hạn chế bất cập trong quản lý cây xanh do ông Nguyễn Đức Chung ký, nêu rõ.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin